45Chủ Nhật, 12/11/2023, 08:02
218 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 23

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 11/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 23)

Phật pháp đã bị suy thoái gần 300 năm nay không phải do Pháp của Phật không còn phù hợp hay bị suy đốn mà do tâm của những người học Phật bị xuống cấp.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp đã suy đồi mấy trăm năm gần đây, thậm chí là suy đến cùng tột. Nguyên nhân chính là vì không có người đi theo quy củ, phép tắc mà học tập và tu hành”.

Người học Phật, học Thánh Hiền đã không thực tiễn triệt để lời giáo huấn của các Ngài nên khiến người ta không sanh khởi lòng tin để học tập. Điều mà người ta thấy vẫn là tư cách, hành vi thậm chí là ý niệm không chuẩn mực của những người học đạo.

Thầy Trần Đại Huệ cũng từng kể rằng ngày nay nhiều người đề xướng chuẩn mực Thánh Hiền, ăn mặc như Thánh Hiền nhưng đều chỉ trên hình thức, thậm chí để trục lợi.

Điều hết sức đau lòng là có người sử dụng Phật pháp và giáo huấn Thánh Hiền để lừa gạt chúng sanh. Họ lợi dụng niềm tin và sự trung thành của những người chân thật muốn học đạo để biến những người này thành những người giúp việc không công.

Nhưng khổ nỗi ngày nay, Hòa Thượng nói: “Chúng sanh thích nghe gạt không thích nghe khuyên.” Chúng sinh thích nghe tâng bốc, nghe khen ngợi nên vì điểm yếu này mà bị người khác lợi dụng. Đây chính là mấu chốt làm cho Phật pháp bị suy đồi

Nhiều người vô cảm coi việc Phật pháp suy đồi là đương nhiên vì họ cho rằng đây là thời kỳ Mạt Pháp. Thật ra, Pháp của Phật thì không có “mạt” mà lòng người mới là “mạt”, mới xuống cấp.

Biểu hiện của sự xuống cấp như thế nào? Đó là tinh thần, thể lực, trí lực của người học Phật đều bạc nhược, không dám vượt qua những chướng ngại nhỏ. Trước khi định làm việc thì thân báo trước: “Hôm nay bị nhức chân nha, nếu làm là nhức hơn đấy!” hay “Sắp hết tiền rồi nha, nếu làm nữa là hết tiền đấy!” Thế là chúng ta thay đổi ý niệm không làm nữa.

Người xưa niệm Phật một ngày một đêm không sao, chúng ta ngày nay niệm hai giờ thì mệt sắp chết. Mọi việc làm càng ngày càng kém đi và không có kết quả khiến chúng ta mất niềm tin. Người xung quanh thấy vậy nên cũng mất niềm tin và cho rằng tu hành như thế này thì làm việc khác như đi hưởng thụ hay đi kiếm tiền còn tốt hơn.

Đến lúc vô thường tới thì đành phải chịu nhưng trong lòng không can tâm cho nên thân xác cứng ngắc. Hoặc có người đến phút cuối cùng, sẵn sàng gác lại kể cả việc làm lợi ích chúng sanh nhưng vẫn mong muốn “còn nước còn tát”.

Cho nên theo Hòa Thượng, người niệm Phật như vậy chỉ là giả niệm Phật chứ không phải thật niệm. Thật niệm thì sẽ mong muốn được đi sớm một chút chứ không phải sống lâu thêm một chút.

Sự xuống cấp còn thể hiện ở việc chúng ta luôn bị tập khí phiền não lôi kéo, đến mức không thể đề khởi được năng lực tự tánh của chúng ta, vốn thanh tịnh và đầy đủ công năng giống hệt như Phật Bồ Tát.

Năm dục sáu trần” không thể đùa giỡn được vì chúng nhấn chìm hết tất cả. Kể cả người tu hành 10, 20, 30 thậm chí là 50 năm vẫn bị lôi kéo. Tôi từng chứng kiến người 40-50 năm tu hành vẫn bị “tài sắc danh thực thùy” đặc biệt là nữ sắc lôi đi sềnh sệch giống như con gấu bông bị mấy đứa nhỏ buộc dây vào cổ kéo đi.

Trong Tịnh Độ Tông có câu “Yểm Ly Ta Bà, Hân Cầu Cực Lạc”. “Yểm Ly Ta Bà” nghĩa là trong cõi Ta Bà này, chúng ta dễ bị tập khí phiền não của mình dẫn khởi, khiến không thể cưỡng lại được và tùy thuận theo nên tạo ác nghiệp.

Nhiều năm tháng qua, chúng ta tưởng mình đã kiểm soát được tập khí nhưng không đâu, ngày mai và nhiều ngày về sau, chỉ cần có đủ duyên thì tất cả tập khí vẫn cứ y nguyên cho dù mình đang ở bên bậc đạo hạnh như Hòa Thượng.

Ai hiểu thấu điều này thì sẽ không muốn ở thế gian lâu hơn. Tập khí phiền não quá đáng sợ, nó lôi kéo mình không phải một đời mà từ vô lượng kiếp đến nay.

Câu chuyện về Ngài Oánh Kha được ghi chép trong Thánh Hiền Lục đã cho thấy rằng mong muốn đi sớm hơn không phải là bi quan yếm thế mà là sự tường tận sáng suốt, không mê tín.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook