58Thứ Sáu, 10/11/2023, 07:54

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 09/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 21)

Người học Phật phải biết thực tiễn những điều đã học vào trong đời sống, tuy nhiên, nhiều người không muốn thực hành mà chỉ thích “vô công hưởng lộc” nên họ lạc vào đường tà ma quỷ quái.

Họ không hiểu rằng Phật pháp chân chính có đầy đủ “Giáo, Lý, Hành, Quả”, còn tà ma thì không có bốn pháp này, không thể có “Lý” mà không có “Hành” hoặc có “Hành” mà không có “”.

Hòa Thượng nói: “Thực tiễn được giáo lý, biến được thành hành động, hành vi hằng ngày của chúng ta thì đó gi là thật làm”.

Muốn vậy phải bắt đầu từ đâu? Hãy từ khởi tâm động niệm của mình! Đừng bao giờ suy nghĩ vì mình mà hãy lo nghĩ cho người khác. Mình tạo ra vật chất, rồi đem vật chất ấy cúng dường cho mọi người thì đó chính là chuyển vật chất thành phước báu.

Việc đó lại được “Hành” với tâm vô tư vô cầu thì không chỉ chuyển thành phước báu mà còn chuyển thành công đức. Chỉ có công đức mới giúp ta trở thành cư dân Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nếu chỉ có phước đức thì không thể về được đất Phật.

Vật chất có thể biểu hiện ở hai dạng là ngoại tài và nội tài. Ngoại tài là vật ngoài thân, còn sự cần cù lao động chính là nội tài. Giữa nội và ngoại tài, có lẽ nội tài mang lại phước báu lớn hơn ngoại tài.

Nếu chúng ta hiểu Phật pháp sâu sắc rồi thì tất cả khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta đều là Phật pháp. Còn Phật pháp được nói trên miệng mà không làm, để trên giấy nhưng không “Hành” thì đó không phải là Phật pháp.

Ví dụ có người thường mở miệng là rao giảng về "Lục Độ” của Bồ Tát, dạy thế nào là “Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ”, khuyên người phải nên “Bố Thí” sẽ được phước báu sinh cõi trời hoặc tái sanh làm người giàu có, còn bản thân họ thì không làm và túi của họ thì vào càng nhiều càng tốt.

Thực tiễn lời Phật dạy, chúng ta đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Lễ Kỷ Niệm Ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam 20-11 không phải để lấy tên tuổi và có tiền thù lao mà muốn tôn vinh một nghề cao quý - nghề nhà giáo; tôn vinh các Thầy Cô giáo tiền bối; động viên các Thầy Cô giáo hiện tại và khuyến khích những người sẽ trở thành giáo viên trong tương lai.

Bản thân tôi cũng nỗ lực thực tiễn lời Phật dạy, nỗ lực hết sức mình vì người khác mà làm, tận tâm tận lực, không hề đứng “chỉ tay năm ngón ”. Thế gian gọi là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Trong người tôi có bệnh, nhưng khi làm việc có ai thấy tôi giống người bị bệnh không?

Có người hỏi tôi có biết cấy lúa không? Đây là việc tôi đã từng làm, chứ không nói suông. Từ cấy lúa, nhổ mạ, đến cắt cỏ bờ, tôi làm xong rồi thì những người làm cùng tôi mới xong được một phần tư công việc. Tất cả đều là sự nỗ lực. Ngay đến các vườn rau sạch, chính tôi đã phải thực nghiệm trước, thành công rồi mới triển khai các tỉnh thành.

Nhiều Phật tử tu lâu năm thấy người của chúng ta làm việc đã phải thốt lên rằng họ như chiến binh mình đồng da sắt vậy: Lúc lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu phụ thì ngâm hạt đậu tương; lắp đặt từ sáng đến trưa mới xong thì làm ngay mẻ đậu phụ cúng dường tưng bừng; xong việc thì ra về mà không nghỉ ngơi chút nào. Đó là vì họ đều hiểu thế nào là bố thí nội tài và biết cách thực tiễn việc bố thí nội tài để thu phục, nhiếp hóa chúng sanh.

Để thực tiễn lời Phật dạy vào trong khởi tâm động niệm và hành vi luôn lo nghĩ cho người khác, chúng ta phải phản tỉnh mình có đang lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác, bất tài vô dụng không? Và luôn nhớ lời Hòa Thượng nhắc nhở: “Bạn nói bạn độ chúng sanh mà cơm bạn không biết nấu thì bạn độ ai?” Đến cơm hằng ngày mình ăn, còn phải để người khác phục vụ thì Hòa Thượng cảnh tỉnh chúng ta rằng: “Hằng ngày bạn không làm phiền chúng sanh thì đã là phước cho chúng sanh”.

Lúc trước, có người nhận định về tôi rằng: “Đừng tin ông ấy, ông ấy chỉ một cư sĩ quèn!”. Tôi rất tri ân lời nói này, vì đã giúp tôi phản tỉnh rằng mình là cư sĩ nghiệp chướng nặng nề, mình phải cố gắng hơn, xả bỏ đến mức tận cùng duy chỉ có chúng sanh thì phải lo nghĩ, quan tâm nhiều hơn. Riêng với Mẹ, tôi thường xuyên lo toan cho Mẹ, hôm vừa rồi, tôi về thăm, hỏi han về khó khăn, sức khỏe của Mẹ. Tôi cũng dặn dò người em khi Mẹ có vấn đề gì thì phải báo cho tôi ngay.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook