Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 08/11/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 7
NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
(BÀI 20)
Hòa Thượng nói: “Thời xưa ở Ấn Độ, công phu thiền định của những người theo đạo Bà La Môn và các tôn giáo khác rất sâu, trong định họ có thể đột phá không gian, thời gian, có thể nhìn thấy rõ cảnh giới của sáu cõi luân hồi. Họ có thể nhìn thấy sáu cõi luân hồi nhưng công phu thiền định của họ chưa đủ sâu để biết được sự hình thành, diễn biến, tương lai và kết quả của sáu cõi luân hồi”. Các tôn giáo muốn giải quyết vấn đề sinh tử nhưng họ không làm được nên Phật ứng hiện đến để giúp đỡ chúng sanh. Phật đã nói rõ nguyên nhân hình thành và cách thoát khỏi sáu cõi luân hồi.
Hòa Thượng nói: “Nếu người thế gian có thể giải quyết được vấn đề luân hồi thì Phật sẽ không đến để làm việc dư thừa!”. Phật đến thế gian để làm những việc vô cùng cần thiết, Ngài không làm những việc thừa. Chúng ta quán sát, chúng ta đang làm việc thừa hay chúng ta đang làm việc chúng sanh cần cầu? Việc khẩn thiết nhất của chúng ta trong đời này là làm thế nào thoát được sáu cõi luân hồi, sinh vào cảnh giới an lành. Hiện tại, người thế gian đều mong muốn giáo dục được con cái ngoan hiền và có một gia đình hạnh phúc. Bồ Tát có danh hiệu: “Bất thỉnh chi hữu”. Người bạn không mời của chúng sanh. Chúng ta muốn làm bạn không mời của chúng sanh thì chúng ta phải có rất nhiều năng lực, phương tiện khéo léo để giúp ích, phục vụ chúng sanh. Chúng ta chân thật làm lợi ích cho người thì mọi người sẽ hoan nghênh, cần cầu chúng ta đến.
Khi tôi còn nhỏ, tôi cảm thấy việc gì cũng khó, hiện tại, tôi thấy không có việc gì khó! Chúng ta làm được việc gì thì chúng ta tận tâm tận lực làm, chúng ta không làm được thì chúng ta nhờ người có chuyên môn làm, chúng ta không cưỡng cầu. Người xưa nói: “Trái nghề như cách núi”. Nếu chúng ta không có chuyên môn thì chúng ta cảm thấy việc đó khó như phải vượt qua một quả núi. Việc nào chúng ta không có chuyên môn thì chúng ta cần cầu, thỉnh mời các chuyên gia đến làm. Nếu chúng ta biết cách làm một việc thì chúng ta phải nỗ lực gánh vác. Nếu chúng ta nhường việc đó cho người khác làm, họ làm tốt hơn chúng ta thì không sao, nhưng họ làm hỏng việc, làm kém hơn chúng ta thì chúng ta phải chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta đã tận tâm, tận lực làm nhưng việc không thành công như chúng ta mong đợi thì chúng ta cũng đừng phiền não. Chúng ta đã tận tâm làm thì việc đó coi như đã viên mãn. Chúng ta tận tâm, tận lực xây trường, làm vườn rau, tổ chức lễ tri ân nếu việc chưa được như chúng ta muốn thì đó là do duyên chưa đủ.
Hòa Thượng từng nói: “Tác ý viên thành”. Khởi ý đã là viên mãn. Chúng ta khởi tâm chân thành, không cần làm xong việc thì công đức đó đã viên mãn. Hòa Thượng từng kể, sau khi mọi người đã chuẩn bị đủ nhân lực, tài lực mở lớp đào tạo tăng tài thì học sinh ở các quốc gia khác không được đến tham gia, lớp học đã không được tiến hành. Mọi người cảm thấy buồn nhưng Hòa Thượng nói: “Chúng ta đã nỗ lực làm thì công đức của chúng ta đã viên mãn, lớp học không được tổ chức là do duyên chưa đủ. Thay vì chúng ta phải làm vất vả trong 4, 5 năm thì ngay bây giờ việc đã viên mãn”. Điều quan trọng là chúng ta phải toàn tâm toàn ý làm. Chúng ta không thật làm nên việc không thành, chúng sanh không được tiếp nhận Phật pháp, giáo dục Thánh Hiền thì chúng ta có lỗi.
Chúng ta là người học Phật, chúng ta phải làm những việc mà chúng sanh không làm được. Chúng ta nỗ lực làm bằng tâm chân thành, không dùng tâm phan duyên, cưỡng cầu. Nếu chúng ta làm bằng tâm phan duyên thì chúng ta phiền não và làm cho chúng sanh xung quanh phiền não. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta làm việc mà chúng ta cảm thấy phiền não thì đó là chúng ta đang phan duyên”. Chúng ta đang phục vụ cho “cái ta”, “cái của ta” thì chúng ta sẽ phiền não. Chúng ta chân thật phục vụ chúng sanh, không phan duyên, cưỡng cầu thì chúng ta không phiền não. Chúng ta xây dựng xong vườn rau nhưng nếu chúng ta phát hiện chủ vườn rau không phát tâm vì chúng sanh thì chúng ta sẽ rút đi ngay. Hòa Thượng từng nói: “Người nào có ý muốn giành thì tôi nhường”. Hòa Thượng đã nhường rất nhiều lần, người khác chưa nói, chỉ khởi ý muốn giành thì Ngài đã nhường nên Ngài không có phiền não.