106Thứ Ba, 07/11/2023, 14:54
214 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 19

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 07/11/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

 (BÀI 19)

Trong bài học hôm qua Hòa Thượng nhắc chúng ta về “Tứ nhiếp pháp”, gồm có bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp, lợi hành nhiếp, đồng sự nhiếp. Trong đó, đồng sự nhiếp hết sức quan trọng. “Đồng” là cùng, cùng tồn tại, cùng phát triển. Những năm gần đây chúng ta tích cực bố thí? tặng quà nên chúng ta đã thu phục, nhiếp hoá, tế độ được nhiều người. Nhiều người học Phật nhưng không có được lợi ích đây là vì họ chỉ nghe mà không làm, chúng ta thật làm thì chúng ta sẽ có lợi ích, chúng ta càng làm thì chúng ta càng có niềm vui, chúng ta càng có niềm vui thì chúng ta sẽ càng làm một cách mạnh mẽ. Trong bố thí có bố thí nội tài và bố thí ngoại tài. “Bố thí ngoại tài” là bố thí tiền tài, vật chất. “Bố thí nội tài” là chúng ta mang năng lực, trí tuệ để phụng hiến mọi người.

Tôi rất cảm động khi xem một phóng sự nói về một người thanh niên liệt bị hai chân, anh vẫn vào rừng hái củi và làm những việc như nấu cơm, quét nhà một cách thành thạo. Đây là họ tàn nhưng không phế. Ngày nay, nhiều người không tàn nhưng lại phế. Khi tôi làm việc, tôi không bao giờ rề rà, chểnh mảng, tôi luôn ở trạng thái khẩn trương nhưng không vội vàng, hấp tấp. Nhân sanh rất ngắn ngủi, chúng ta phải cố gắng làm nhiều việc để tích công, bồi đức. Chúng ta muốn về thế giới Tây Phương Cực Lạc, về cõi trời hay cõi người thì chúng ta cũng đều phải có phước đức. Trên “Kinh A Di Đà”, Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Đâu phải thiện căn, phước đức, nhân duyên ít mà về được nước kia”. Chúng ta muốn về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta phải có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày. Chúng ta muốn về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tâm chúng ta phải “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Hiện tại, chúng ta đã có đủ tư cách làm một cư dân thân thiện ở thế giới Ta Bà chưa? Chúng ta có đủ tư cách để được sinh vào một trong 28 tầng trời chưa? Chúng ta có đủ tư cách có được thân người và được sinh ra ở vùng trung tâm chưa? Nếu chúng ta sinh ra ở vùng biên địa thì cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Những ngày gần đây, có một đám tang gần khu đào tạo Sơn Tây, chúng ta cung cấp rau, đậu và cho họ mượn sân, cả dòng họ của người mất đều vô cùng hoan hỷ. Những người đến đó niệm Phật tán thán rằng, người mất có phước nên được ở gần các Bồ Tát. Chúng ta phải làm người khác ngưỡng mộ thì chúng ta mới thu phục, cảm hoá, nhiếp hoá, tế độ được họ. Trong dòng họ đó, có người nuôi hàng vạn con heo, hàng chục nghìn con gà nhưng các bữa cỗ trong đám tang đều là cỗ chay. Trong vô hình chung chúng ta đã thu phục, nhiếp hoá, cảm hoá, tế độ được họ. Tôi không bay ra đó mà tôi chỉ chỉ đạo mọi việc từ xa.

Ngày trước, khi khu đào tạo Sơn Tây đang xây dựng, tôi thường làm việc ở đó đến 7 giờ tối, ông hàng xóm thường nhắc tôi nghỉ sớm. Chúng ta đã tích cực làm trong nhiều năm nhiều tháng khiến cho mọi người cảm phục. Mấy năm trước, trong ngày Lễ Phật Đản, chúng tôi lên thăm một ngôi chùa ở gần đó, khi tôi nhìn thấy các chú bộ đội, dân làng đang quét chùa, tôi nhắc mọi người xuống mang chổi lên để cùng quét. Chúng tôi quét một cách rất tích cực khiến mọi người cũng ngạc nhiên. Chúng ta làm mọi việc bằng sức lao động, không cần nhắc đến tiền thì chúng ta cũng sẽ thu phục được lòng người.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta hướng đến Phật Bồ Tát để học tập tâm bố thí của các Ngài thì chúng ta giúp được chúng sanh đồng thời chính chúng ta cũng có thành tựu. Kinh luận của Phật pháp tưởng chừng rất dễ hiểu nhưng từng câu, từng chữ đều hàm nhiếp vô lượng nghĩa, sâu đến không có đáy, rộng đến vô biên! Bất cứ một bộ Kinh luận nào, chúng ta cũng học cả một đời này thậm chí học đời đời kiếp kiếp cũng không hết. Bởi vì Kinh điển tương ưng với tự tánh, từng câu, từng chữ trong Kinh điển đều lưu lộ từ nơi tánh đức, tánh đức là vô cùng, vô tận không có bờ mé”. Tâm chúng ta ở mức độ nào thì chúng ta hiểu Kinh điển ở mức độ đó. Tâm chúng ta được nâng cao, mở rộng hơn thì chúng ta sẽ hiểu Kinh điển ở mức độ rộng hơn. Kinh điển có vô lượng, vô biên nghĩa, chúng ta ngộ, chúng ta hiểu sâu hơn thì chúng ta làm tốt hơn. Từ khi chúng ta sơ phát tâm đến khi chúng ta thành Phật thì tâm cảnh của chúng ta sẽ thay đổi vô cùng nhiều.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook