Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 06/11/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 7
NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
(BÀI 18)
Hòa Thượng nói: “Thế Tôn giáo huấn chúng sanh trong suốt 49 năm, nội dung giáo huấn quy nạp lại chỉ ở trong mười chữ là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Đây chính là tự tánh đức của chúng ta. Từ tự tánh đức này lưu xuất ra hạnh: “Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Chúng ta phải có tâm “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” thì chúng ta mới có thể “Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải dùng tâm chân thành trong khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật. Khi chúng ta ở trong đơn vị công tác thì chúng ta làm tốt nhất nhiệm vụ, vai trò của mình. Điều này giống như, trong tự nhiên, các loài cây cỏ sống rất hài hoà, mỗi loại cây mọc ở những vị trí nhất định, khi mưa xuống mỗi loại cây sẽ hút lượng nước khác nhau.
Hòa Thượng từng nói, ở Singapore có một công ty tên là “đệ nhất”, tổng giám đốc là người đệ nhất, người làm công việc vệ sinh cũng là người đệ nhất. Chúng ta làm tốt nhất vai trò, bổn phận của mình thì chúng ta chính là người đệ nhất. Không phải chúng ta là người quản lý, có địa vị cao hay chúng ta là người đứng lên giảng bài thì chúng ta mới là người đệ nhất. Tổ Ấn Quang nói: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm”. “Kiệt thành” là tâm chân thành đến cực độ. Hằng ngày, chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta đều phải tận trung, tận trách. Nếu chúng ta làm một cách qua loa, cẩu thả thì chính chúng ta là người biết rõ ràng. Không một ai có thể ban cho chúng ta thành tựu mà chúng ta phải tự thành tựu chính mình.
Chúng ta làm việc vì mình, tránh né làm việc chúng sanh thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi. Người làm việc vì chúng sanh thì họ sẽ không cảm thấy mệt mỏi. Hòa Thượng nói: “Thân chúng ta mệt thì chúng ta ngủ một chút thì sẽ hết mệt. Tâm chúng ta mệt thì chúng ta sẽ mệt dài lâu”. Tâm chúng ta mệt thì chúng ta sẽ mệt dài lâu thậm chí chúng ta sẽ mệt cả cuộc đời, mệt cả trong nhiều kiếp sau.
Mỗi chúng sanh đều có đầy đủ tính đức giống như Phật, không có khiếm khuyết. Tự tánh của chúng ta đang bị 16 chữ “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” che mất. “Tự tư tự lợi” là chúng ta sợ được mất, hơn thua, tốt xấu, thành bại, chúng ta dính mắc vào “cái ta”, “cái của ta”. Hưởng thụ “năm dục sáu trần” là chúng ta khởi tâm động niệm đều nghĩ đến việc hưởng thụ, chúng ta nghĩ đến việc hôm nay chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì. Trước đây, tôi ở với một người bạn, anh ta có một chiếc xe đạp rất đẹp, đắt tiền, trước khi ra đường anh ta lau chiếc xe đạp trong hơn một giờ và chuẩn bị quần áo, giày dép kỹ lưỡng. Nhiều người quá chú trọng bề ngoài nhưng nội tâm của họ thì “rỗng tuếch”.
Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát dùng tất cả các phương tiện để giáo hóa chúng sanh, nhà Phật gọi đây là phương tiện thiện xảo. Trong “Kinh Địa Tạng” nói đến “Tứ nhiếp pháp”, “Tứ tất đàn”, những điều này vô cùng quan trọng với người hiện tại. “Tứ tất đàn” là nguyên tắc chỉ đạo tối cao của chư Phật Bồ Tát. “Tứ tất đàn” bao gồm, thứ nhất là “Thế giới thành tựu”, nghĩa là Phật Bồ Tát đến thế gian để nhiếp hoá, độ hoá tất cả chúng sanh. Thứ hai là “Vị nhân thành tựu”, nghĩa là Phật giảng dạy, tiếp độ vì để chúng sanh có thành tựu. Thứ ba là “Đối trị tất đàn”, nghĩa là chúng ta phải chuyển hoá tập khí, phiền não để có thành tựu. Thứ tư là “Đệ nhất nghĩa tất đàn”, nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật”. Đối với tập khí xấu ác của chính mình thì chúng ta phải đặt chế độ cảnh báo sớm, khi tập khí xấu ác mới khởi lên thì chúng ta phải nhận ra ngay. Điều này giống như khi có vật thể bay lạ tiếp cận không phận của một quốc gia thì quân đội của quốc gia đó sẽ có sự cảnh báo sớm, khi vật thể bay xâm nhập thì quân đội sẽ sẵn sàng chiến đấu.
Trong “Kinh Đại Thừa” Phật nói: “Vì chúng sanh không nghe được pháp Nhất Thừa nên ta phải nói pháp Nhị Thừa, Tam Phước”. Pháp Nhị Thừa là pháp giúp chúng ta chứng được quả Thanh Văn, Duyên Giác. Pháp Nhị Thừa là pháp giúp chúng ta có được phước báu trời người. Nhiều người thích tu phước để đời sau làm người giàu sang, được sanh vào cõi Trời làm thiên nhân. Chúng ta muốn tu huệ thì chúng ta phải xa lìa tập khí, phiền não. Ngày nay, nhiều người thích tu phước, họ làm những bức tượng Phật có giá trị hàng chục tỷ hay xây dựng những ngôi chùa có giá trị hàng nghìn tỷ.