Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 05/11/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 7
NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
(BÀI 17)
Hạnh nguyện của chư Phật Bồ Tát là “Độ”, tức là phục vụ vô lượng vô biên chúng sanh. Để thực hiện hạnh nguyện này nhất định phải “Giải Hành Tương Ưng”.
Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát giải hành tương ưng nên đạt được phước đức trí tuệ viên mãn”. Vì vậy, các ngài mới có năng lực để phục vụ tất cả chúng sanh.
Giáo học của thế gian chú trọng ở phẩm vị, nghĩa là học vị càng cao thì càng làm được nhiều việc, càng đạt được danh vọng địa vị cao. Tu học Phật pháp tập trung ở “Giải” và “Hành” nghĩa là người học Phật cần hiểu tường tận lời Phật dạy, sau đó thực tiễn vào cuộc sống sao cho tương ưng với những gì mà Phật Bồ Tát đã làm.
Có “Giải” mà không có “Hành” thì như túi đựng sách, còn “Hành” mà không “Giải” thì giống như kẻ mù dò đường đi. Có “Hành” mà không “Giải” thì càng làm lại càng sai. Thế gian thường có câu: “Ngu dốt cộng với nhiệt tình trở thành phá hoại”.
Đây là một việc hết sức quan trọng nhưng người học Phật lại coi thường. Có người chú trọng thực hành nhưng không học hiểu và có người tin là mình hiểu thấu rồi thì lại xem nhẹ thực hành. Vì vậy, họ vẫn khổ đau và gặp chướng ngại.
Tôi từng nghe chuyện một người khoe rằng ông ta đã học được cách buông xả, bỏ biệt thự lên núi ở cả tháng. Sau khi tìm hiểu tôi mới biết, ông ấy hiểu lý buông xả nhưng lại làm sai vì ông lên núi chỉ để đổi gió, hưởng cảnh núi rừng tịch tĩnh, hưởng cảnh mà người khác tạo ra cho mình.
Trong câu phát nguyện “Quy y Phật nhị túc tôn” thì “nhị túc tôn” chính là “Giải”, “Hành” đạt đến viên mãn. “Giải” nghĩa là hiểu, thuộc về huệ và “Hành” nghĩa là làm, thuộc về phước. “Giải”, “Hành” là nhân và phước huệ là quả báo.
Chư Phật được tôn vinh là đấng “nhị túc tôn”, nghĩa là các ngài đạt đến phước đức, trí tuệ viên mãn hay cũng chính là “Giải”, “Hành” đạt đến viên mãn.
Là người học Phật, chúng ta phải nỗ lực học tập để thành tựu phước đức, trí tuệ viên mãn giống Phật. Muốn vậy thì phải gieo nhân “Giải” và “Hành”. Khi nhân này đạt đến cùng tột thì mới có trí tuệ và phước báu viên mãn chứ không phải tự nhiên mà có.
Thông qua “Hành”, chúng ta có trải nghiệm thực tế, thậm chí giúp chúng ta thoát được chướng nạn. Một âm thanh phát ra hay một mùi hương bay ra thì người trải nghiệm đã có ngay “Giải” tức là liền biết đó là âm thanh gì, mùi gì.
Nếu không có năng lực đó thì năm xưa nơi tôi ở cũng đã bị cháy. Nồi khoai tôi bắc đã chín và bếp đã tắt lửa nhưng không ngờ một khúc củi nhỏ đã rơi xuống đống củi phía sau bếp. Lúc ấy, tôi rất mệt và đã đi nghỉ, bỗng tôi nghe thấy tiếng lách tách nho nhỏ. Tôi nghĩ: “Ủa, tiếng này là tiếng cháy mà!” Nhờ đó, tôi đã nhanh chóng ra cứu lửa. Trước khi cháy bao giờ cũng có báo trước, ví dụ mùi không bình thường, thì mình phải có hành động ngay.
Thầy Trần Đại Huệ cũng từng chia sẻ rằng khi trẻ được trải nghiệm nhặt phế liệu thì các em đã phục hồi rất nhiều năng lực. Chỉ cần nghe thấy tiếng chai nhựa bị ai đó dẫm lên là lập tức các em liền hiểu rằng ở đó có phế liệu.
Trải nghiệm trồng rau cũng không hề đơn giản. Chỉ cần lơ là một chút, cả vườn rau sẽ chết hết. Vườn rau mơn mởn như thế nhưng trong vòng hai ngày là có thể thối ủng nếu mình không phát hiện chúng đang bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Thực tế thì “Giải” hay năng lực của chúng ta đang kém khuyết. “Hành” hay lao động thì lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác trong khi chúng ta mang một biển hiệu to đề là “Đệ Tử Phật”. Phật dạy trong “Kinh Kim Cang”: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Cho nên biển hiệu này không giúp cho sự giải thoát của chúng ta.
Người học Phật ngày nay, khi học tập thì học Phật Bồ Tát nhưng lúc làm việc thì lại làm việc của chúng sanh. Họ phải học sự dũng mãnh, hiên ngang của Phật, Bồ Tát. Không có Bồ Tát nào lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác, thậm chí đối với sinh tử các Ngài cũng không sợ hãi.