51Chủ Nhật, 05/11/2023, 08:05
211 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 16

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 04/11/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 16)

Người học theo Thích Ca Mâu Ni Phật dù ở thân phận nào cũng phải làm tốt bổn phận trách nhiệm ở thân phận đó, phục vụ chúng sanh vô điều kiên không cầu báo đáp.

Hòa Thượng chỉ dạy: “Chúng ta ở trong xã hội với một thân phận như thế nào thì nhất định phải rõ ràng thân phận đó. Thân phận của Thích Ca Mâu Ni Phật là một nhà làm công tác giáo dục xã hội, hoàn toàn tận tâm tận lực trong nghĩa vụ của mình. Là đệ tử Phật, học trò của Phật, chúng ta cũng phải là như vậy”.

Câu nói này khiến chúng ta phải nhìn lại chính mình có tận trung với nghĩa vụ của mình không? Nếu chúng ta là đệ tử Phật, học trò Thánh Hiền mà lúc nào cũng sợ khó, sợ khổ thì thật đáng xấu hổ.

Hòa Thượng khẳng định hiện có nhiều đệ tử Phật kể cả xuất gia hay tại gia khi làm việc đều mong muốn nhận được sự báo đáp chứ không mang tinh thần của Thích Ca Mâu Ni Phật. “Hiện tượng này xuất hiện khoảng 200 năm gần đây,” Ngài nói.

Hòa Thượng khẳng định: “Hiện tại giáo học của Phật pháp gần như là không tồn tại, phần nhiều biến thành kinh sám Phật sự, làm pháp hội. Chúng ta nhìn thấy đâu cũng đều là Phật giáo biến tướng nên gọi là Phật giáo của tôn giáo.”

Theo giải thích nghĩa của từ “Phật giáo”, chúng ta thấy quả thật có sự biến tướng. Phật chỉ cho bất kỳ ai đạt đến sự hoàn thiện. Giáo là giáo dục người ta trở thành Phật. Không chỉ Phật giáo bị biến tướng mà chuẩn mực Thánh Hiền cũng đã bị biến tướng. Vậy thì, Ngài nói: “Chúng sanh không có chỗ nương về”.

Chúng ta phải nhận biết rõ ràng rằng đây là Phật giáo biến chất, cho nên, nếu người ta nói Phật giáo là tôn giáo thì theo Hòa Thượng, “chúng ta không thể không thừa nhận vì hình tượng này đích thực là tôn giáo.

Phật giáo chân chính là tất cả những gì Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện. Ngài là một nhà “giáo dục nghĩa vụ”, không có tiền lương, không mong cầu hồi báo. Đến không công và đi cũng không công.

Với tâm không mong cầu, chúng ta sẽ thấy tự tại và thong dong lắm! Còn ngồi đó mà mong chờ sự hồi báo thì thật là hèn kém!

Mấy ngày nay, tôi đi nhiều nơi rất tiêu tốn nhưng tôi chẳng cầu cạnh ai. Tôi vẫn làm tốt mọi việc, thậm chí, còn cúng dường về chùa Phước Hậu đúng dịp giỗ tổ. Đó là phần tịnh tài mà Phật tử Cần Thơ tin tưởng đã gửi cho tôi nhờ làm các việc tốt.

Đi tới đâu, dù Sài gòn, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long hay Đà Lạt đi Nha Trang đến Đà Nẵng vào Huế tới Quảng Trị, tôi đều tặng rau, tặng quà và điều phối rau từ tỉnh nọ chuyển đến tỉnh kia, một cách thong dong tự tại. Đến Bắc Ninh, tôi cũng tặng cả bánh tét, bánh gio, tào phớ đến bà con. Còn mình, về với cái túi không. Mặc dù việc mình làm không có thu nhập nhưng mình vì người mà làm việc thì vui ơi là vui!

Tôi đi khắp nơi và làm các công việc mà không thấy làm sao nhưng lại rất mệt vì thấy những người xung quanh gây tổn hại đến thanh danh của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Người thế gian chỉ nghĩ lợi trước mắt chứ không thấy lâu dài, còn chúng ta phải làm không công, không mong cầu mới xứng danh là người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền.

Người xưa nói để tiền, để sách lại cho con cháu chưa chắc con cháu đã giữ được, đọc được mà hãy để lại âm đức cho con cháu thì đời đời con cháu được ấm no. Việc này mang ra thế gian mà nói có lẽ họ chẳng hiểu âm đức là gì và sự quan tâm của họ chỉ là lợi trước mắt. Họ thường hỏi: “Tôi làm việc này thì trả tôi bao nhiêu tiền?” Ở thế gian, có tiền thì múc cháo mà không có tiền thì đổ cháo ngược trở lại chứ không có chuyện cho đi một cách vô điều kiện.

Rõ ràng mọi người thấy sự phát triển các vườn rau cũng là sự cho đi vô điều kiện của người chuyển giao kỹ thuật và người cung cấp hạt, giá thể, dinh dưỡng. Việc làm đậu cũng có người cúng dường tịnh tài mua đậu. Nên bây giờ, mỗi tháng chúng ta có 10 tấn rau và gần 40.000 miếng đậu hũ để cúng dường đại chúng.

Hòa Thượng nói : “Chúng ta cần hồi phục lại bổn lai diện mục của Phật Pháp, hồi phục lại giáo dục xã hội mà Phật pháp đã từng làm. Có như thế, Phật pháp mới có thể quảng độ chúng sanh.”

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook