Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 27/10/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 7
NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
(BÀI 8)
Giáo học của chư Phật Bồ Tát là chỉ dạy ta con đường quay trở về tự tánh của chính mình, tuy nhiên, chúng sanh mê muội, thường bị lừa bịp bởi các trò ma quái.
Mô tả về tự tánh ấy, ngài Lục Tổ Huệ Năng thốt lên rằng: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp, nào ngờ tự tánh vốn dĩ thanh tịnh …” Thậm chí, tự tánh của mỗi chúng sanh đều hiện ra cảnh giới nhất chân pháp giới và Thế giới Tây phương Cực lạc.
“A Di Đà Phật” dịch thành ý trung văn là “vô lượng”. Đó là tâm vô lượng, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tài nghệ vô lượng, thỏa mãn vô lượng, niềm vui vô lượng …v.v. Không thứ gì không đạt đến vô lượng. Hòa Thượng nói: “Những thứ vô lượng này đều có sẵn trong ta”.
Vì là sẵn có đầy đủ đến vô lượng như vậy, nên chúng ta phải biết rằng, Phật không ban tặng cho chúng ta mà chư Phật Bồ Tát đến thế gian chính là khơi dạy và cảnh tỉnh để chúng ta quay về với tự tánh.
Phật mà còn chẳng ban cho chúng ta thứ gì thì cũng chẳng có thánh thần nào, hay yêu ma quỷ quái nào, có quyền năng ban cho chúng ta. Hãy nhớ điểm đặc biệt này để chúng ta không bị lừa gạt!
Có một quãng thời gian, người ta đổ xô đi xem rồi dẫm đạp làm đổ rạp những hàng rào trồng rau bên đường, chỉ vì tò mò xem thấy có bóng Phật trên cây Bồ Đề. Chính quyền vào cuộc mới biết là kỹ xảo của ánh đèn. Những chuyện si mê cuồng tín như thế ở nhân gian rất nhiều.
Tất cả những thần quyền hay yêu ma quỷ quái không thể tác động trực tiếp đến tự tánh của chúng ta, nó chỉ có thể tác động được ở bên ngoài.
Một trong những trò lừa bịp của đám yêu ma quỷ quái là chúng sẵn sàng thừa nhận đây là phát minh của chúng, kia là sáng chế của chúng. Trong khi đó, Phật hay Khổng Lão Phu Từ đều chỉ nói là các ngài thuật lại những gì mà người xưa, cổ Phật đã nói, các ngài không sáng tạo. Ngay như Hòa Thượng Tịnh Không cũng vậy! Nhìn lại 70 năm giảng kinh nói pháp của Ngài, gần như buổi giảng nào, Ngài cũng nhắc đến Thầy của mình. Người học trò kính thầy thì thường nhắc đến thầy và làm theo lời thầy. Qua thân giáo và khẩu giáo thiết thực của ngài, chúng ta học được rằng những gì chúng ta nói và làm đều phải là từ nơi thầy dạy bảo, như vậy thì nhất định sẽ không sai, ngược lại, nếu ta nói, ta làm theo cách của ta thì chắc chắn sẽ sai.
Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Ngài! Sao người ta thường bị ma nhập vậy?” Hòa Thượng trả lời: “Bởi vì tâm ma nên rước ma đến!”.
Tâm ma là tâm “vô công hưởng lộc”. Khi ai đó làm được việc gì tốt thì đằng sau họ là nỗ lực trong nhiều năm tháng. Ta thấy thành công đó, nhưng không dụng công làm theo mà chỉ ngồi đó vọng tưởng, mong cầu được như họ, thì tâm này là tâm tà, là tâm bất chính, là tâm ma. Nhà đóng kín, có cảnh giới, thì kẻ trộm làm sao vào? Tâm ta cũng vậy: Tâm ma thì mở đường cho ma.
Câu chuyện của anh xe ôm năm ấy làm tôi nhớ hoài. Anh kể cho tôi về một người đã mua một chiếc chuông giá 25 triệu đồng để cầu mua may bán đắt chỗ ông thầy đó, trong khi giá bán trên thị trường chỉ là 8 triệu đồng đã gồm lãi. Người này đã giàu rồi, bây giờ lại mong cầu giàu hơn. Tâm tham của người này vừa khởi thì gặp ngay tâm tham của ông thầy, thật đúng là ma tham nhỏ gặp ma tham lớn!
Bản thân tôi cũng không cần mong cầu nữa, mấy hôm nay tôi bệnh, tôi đã nghĩ đến việc chấp nhận dừng lại sau bao năm nỗ lực. Đây không phải là lời dự báo mà là cảm nhận lời Phật dạy rằng, mọi sự ở thế gian này phải đi theo định luật sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ…v.v. Càng lúc mọi việc càng không như ý mình, thì mình biết, ngày ra đi của mình đang đến gần.
Thực tế ngày nay, chúng ta không sống trong chân tâm mà sống trong vọng tâm mong cầu; mong cầu rồi thì phân biệt; phân biệt rồi thì chấp trước; chấp trước không được thì kết quả là phiền não. Cho nên không có mong cầu thì mới an vui. Nếu không hiểu điều này, chúng ta sẽ luôn oán trách rằng mình phục vụ, mình làm cho người, mà vẫn bệnh, vẫn khổ.