46Chủ Nhật, 29/10/2023, 08:51
204 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 9

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 28/10/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 9)

Mục đích giáo học của Phật pháp có ba điều, một là “Đoạn ác tu thiện”, hai là “Phá mê khai ngộ”, ba là “Chuyển phàm thánh thánh”, trong đó “Đoạn ác tu thiện” là cách thức để người học Phật nhập môn.

Hòa Thượng nói: “Đoạn ác tu thiện là phương tiện tối sơ nhất, là cách thức để người học bước chân vào cửa Phật,” tuy nhiên, việc này, người học Phật lại rất lơ là đến mức vô tình không biết.

Việc ác không đơn giản chỉ là sát sinh hại vật mà những việc làm chướng ngại, cản trở người khác hay những tâm ý phản nghịch, tâm ý tự tôn đều được xem là ác.

Hòa Thượng nhắc: “Ngày ngày khởi tâm động niệm của chúng ta vô tình tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà chúng ta không biết.

Chúng ta cứ ngỡ rằng mình đang làm việc công đức và mình rất thuận đạo, thuận theo trật tự lề lối, khuôn phép, nhưng không phải vậy, trong sâu thẳm tư tưởng, tâm hồn của chúng ta đều đang âm thầm phản nghịch. Chúng ta vẫn thuận theo cách thấy, cách nghĩ, cách làm của mình. Vậy đó không phải là ác sao? Ác này mới nghiêm trọng!

Cái ác của những người thôn quê, của những đứa trẻ ngày ngày chăn trâu, chăn vịt, gần như là vô ký, không có chủ tâm. Họ chỉ làm theo thói quen hoang dại vì không có ai dạy. Sáng thấy người ta ra đồng, hái rau, hái bông súng, bắt cua, cá, ốc thì họ cũng ra đồng, hái rau, hái bông súng, bắt cua, cá, ốc. Tất cả những gì đồng ruộng có, thì họ nương nhờ đồng ruộng mà thu hoạch để sống. Họ lầm lũi ngoài đồng, mùa nào thức ấy, bởi cuộc sống mưu sinh ở thôn quê vốn là như vậy, cho nên lỗi lầm của họ không lớn.

Lớp học “Làm con phải hiếu” ở Sóc Trăng có đến nửa lớp là người dân tộc. Hầu hết các em tự rủ nhau đi học và 90% số em tự đạp xe đến chùa, không có phụ huynh đưa rước. Không có sự hợp tác của phụ huynh thì thường không dễ dạy, vậy mà các con rất biết nghe lời. Đúng như người xưa nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện, tánh tương cận tập tương viễn”. Các con nghe một lời nói thiện, từ tâm ân cần của các thầy cô, các con cảm thấy an ủi, có chỗ nương về và tự động làm theo. Ví dụ như các thầy cô, chỉ dạy một lần việc xoay chiều dép để thuận tiện xỏ chân khi bước ra, là các con đã làm được ngay. Nếu không đến lớp học, chúng không có ai dạy, cũng chẳng có bữa ăn sáng, chúng lại theo thói quen, ra đồng mò cua bắt cá, bắt ốc, hái rau muống, nhổ bông súng mà thôi.

Các con hay những người thôn quê với tâm hồn đơn sơ, trong sáng, không vọng tưởng, cho nên những thói quen ấy chỉ là tướng tội, là cái bên ngoài, không phải là tánh tội. Tánh tội mới đáng sợ!

Còn chúng ta, những người có tri thức, được học Phật, học chuẩn mực của Thánh Hiền, ngày ngày đang đề cao chuẩn mực Thánh Hiền, lại thêm thắt chủ ý riêng của mình khiến làm sai chuẩn mực ấy, thì sẽ “sai một li đi một dặm”. Những việc mình làm mà người ta không thể nhận biết được, trời chẳng biết, quỷ chẳng hay hoặc mình đưa thêm những kiến giải đầy tính ma thuật hay thủ thuật thì rất đáng sợ! Mình đừng nghĩ rằng ngu dốt mới đáng sợ, quá thông minh cũng đáng sợ không kém!

Trong quá trình học tập, vì chúng ta mới quan sát những việc ác thô thiển nên không thấy mình tạo ác. Thật ra, mình đang phạm phải những sai lầm nghiêm trọng nếu so với cái ác của những con người có tâm đơn thuần ngày ngày chăn trâu, mò cua bắt ốc, hái bông súng. Tâm phản nghịch, bất tuân, làm theo chủ kiến của riêng mình chính là đại ác, có thể dẫn đến hư hại, tổn thất, ảnh hưởng đến nhiều việc.

Pháp luật thế gian cũng xử phạt rất phân minh: Phạm tội có chủ ý được xem là tình tiết tăng nặng, nhất là khi mình còn chủ ý có tổ chức vì mình dẫn dắt cả một tập thể đi sai lầm.

Vì thế, những sai phạm của chúng ta chính là tánh tội. Tướng tội thì còn có thể cứu, nhưng tánh tội thì không thể cứu vì “Tánh tương cận” - “tánh” rất gần với ta nên cực kỳ khó thay đổi.

Nói đến “Đoạn ác tu thiện”, nhiều người nghĩ rằng mình đã trải qua 10 năm học Phật rồi, việc thiện, việc ác mình đã rõ ràng lắm rồi. Nhưng, thật ra, việc thiện mình làm mới chỉ là tướng thiện, mới chỉ là làm cho dễ coi. Cho nên việc cầu nguyện, mong muốn, hướng vọng của mình không đạt được. Điều này khiến nhiều người thối tâm, mất hết niềm tin và thậm chí bỏ luôn cả đạo.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook