188Thứ Năm, 26/10/2023, 22:09
202 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 7

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 26/10/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 7)

Người học Phật cần phải phát tâm rộng lớn không có bờ mé để phục vụ tất cả chúng sanh, nơi nào cần là đến. Có như thế mới chứng được quả cao nhất là quả vị Phật.

Hòa Thượng chỉ dạy: “Phạm vi phục vụ chúng sanh, yêu thương chúng sanh, ái hộ chúng sanh là tận hư không khắp pháp giới. Đây chính là Đại thừa mà Phật pháp nói đến”. Phật pháp Đại thừa cao sâu nhiệm màu đến như vậy, tâm người học Phật rộng lớn đến như vậy, nên Phật pháp Đại thừa không mê tín. Người học Phật pháp Đại thừa không phải là người bi quan yếm thế.

Quan niệm của Đại Thánh là từ bi, ái hộ, phục vụ chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Điều này không giống với quan niệm của Tiểu Thánh là từ bi, ái hộ, phục vụ chúng sanh chỉ ở trong tam thiên đại thiên thế giới.

Chữ “Đại thừa” không đơn giản là chiếc xe lớn, chở được nhiều người mà còn có nghĩa là tận hư không khắp pháp giới. Tất cả chúng sanh đều đáng để chúng ta phục vụ.

Việc phục vụ như thế không phải không có người làm được. Hình ảnh những chiến sỹ “mũ nồi xanh” tình nguyện Việt Nam trên các thước phim tài liệu về những nơi họ đến, khó khăn trăm bề, thậm chí là rất nguy hiểm, đã cho thấy tâm của họ rất rộng lớn.

Câu chuyện về bà Hứa Triết, vì người quên thân, cả đời phục vụ cho những người già, người bệnh không ai chăm sóc đã chứng minh cho tinh thần phục vụ như thế. Bà từng trả lời cư sĩ Lý Mộc Nguyên là bà sống để lo cho người khác, bản thân bà không có ý niệm lo cho mình. Tâm cảnh của Bà không còn phân biệt chấp trước, đến nóng lạnh bà cũng không hề biết. Bà quy y với Hòa Thượng Tịnh Không năm 101 tuổi. Bà hỏi Hòa Thượng: “Con có đủ tư cách làm Phật tử không?” Hòa Thượng trả lời: “Bà rất là xứng đáng, bà đủ điểm 10 để trở thành đệ tử Phật”.

Chúng ta ngày ngày học Phật pháp Đại thừa, ngày ngày được Hòa Thượng chỉ dạy là mở tâm rộng lượng, nhưng tâm chúng ta mở rộng được bao nhiêu? Thật ra, chúng ta chưa vượt khỏi “cái ta” và “cái của ta”! Chỉ cần hôm nào đó, thiếu vắng nó thì mình sẽ sầu khổ, bấn loạn tâm tánh. Chúng ta quen sống trong cảnh thuận, cơm ta ăn, áo ta mặc, nhà ta ở, đều có, chẳng phải đói khổ. Rồi chúng ta quen tích chứa, trong bếp có thùng mì của ta, thùng miến của ta thì thấy an ổn, không có thì thấy bất an.

Trong khi đó, Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia và đệ tử của Ngài vân du khắp nơi, nắng táp mưa sa, đầu trần, chân đất, không có giày da, ô dù, che lọng, xe cộ, không tịnh xá, không chùa, vậy mà Ngài vẫn 49 năm bôn ba thuyết pháp. Thời tiết Ấn Độ xưa, đã nóng thì nóng cháy da cháy thịt mà đã lạnh thì lạnh thấu xương. Ban đêm, Ngài ngủ dưới gốc cây. Ban ngày, Ngài chỉ ăn một bữa ngọ, thức ăn dư ra thì bố thí cho chúng sanh, không cất chứa đồ vật qua đêm. Cho nên không có gì vướng bận và luyến tiếc.

Ngay như vị sư trẻ, người Quảng Nam tôi gặp hôm trước trên núi Langbiang cũng vậy, trong người Thầy không có tiền hay thức ăn nhưng lại rất vui. Thầy đã bôn ba khắp nơi Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, chỉ bằng hình thức xin đi nhờ xe và khất thực. Nếu người ta cho đi nhờ thì đi, cho ăn thì ăn, không cho ăn thì nhịn đói.

Tâm cảnh của vị sư đó tự tại như vậy! Còn chúng ta quen sống trong hoàn cảnh quá thuận tiện, vẫn là nghĩ đến ngày mai ta sống ra sao? Khi già, ta đói, ta bệnh thì ai chăm sóc đây? Đó chỉ là vọng tưởng bởi “trong mạng có nhất định có, trong mạng không có nhất định không”.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta thật tâm vì tất cả chúng sanh phục vụ thì Phật, Bồ Tát sẽ lo cho mình”. Bà Hứa Triết dành cả đời phục vụ người bệnh. Mặc dù không còn người thân, anh em đều mất hết, không còn gia đình, thế mà, có rất nhiều người lo cho bà. Khi Cư Sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi: “Bà không lo cho bà sao?” Bà trả lời: “Ông trời sẽ lo cho tôi!

Tôi đã lấy hai câu trên trang web của Hòa Thượng làm mục tiêu cho mình là: “Từ bi khắp pháp giới, thiện ý khắp nhân gian”. Tuy mình chưa làm được, nhưng mục tiêu phải đến như vậy. Có làm được mục tiêu này thì mới chứng quả vị Phật.

Hòa Thượng nói: “Tiểu Thánh là phục vụ, tiếp độ chúng sanh ở tam thiên đại thiên thế giới. Còn tâm lượng của Đại Thánh càng rộng lớn hơn là tận hư không khắp pháp giới” . Tam thiên đại thiên thế giới đã là một phạm vi vô cùng rộng lớn nhưng đối tượng mà Đại Thánh phục vụ, ái hộ, từ bi là tất cả chúng sanh vô lượng vô biên trong cõi nước chư Phật, tận hư không khắp pháp giới. Tâm lượng của Phật, Bồ Tát rộng lớn đến như vậy, cho nên, người học Phật phải luôn đề cao cảnh giác, luôn xem lại cách mở tâm của mình.

Hòa Thượng hỏi: “Mình cứ nghĩ đến ta và của ta, vậy thì cái của người ở đâu?” Người ta thì có thể dung chứa cả tận hư không khắp pháp giới, còn mình, muốn làm Phật, mà tâm cứ nhỏ bé, không dung chứa được người thứ hai, chứ chưa nói đến dung chứa được người cả nhà của mình. Vì thế, nếu không có “cái ta” và “cái của ta” thì phục vụ chúng sanh sẽ lớn hơn, ngược lại, việc phục vụ chúng sanh sẽ bị hạn hẹp.

Hòa Thượng khẳng định vốn dĩ tâm của chúng ta, tâm Phật Bồ Tát và tâm của mười phương khắp pháp giới tất cả chúng sanh đều rất rộng lớn, có thể bao trùm tận hư không và lượng của tâm, sức chứa của tâm là cùng khắp: “Tâm lượng của chúng ta vốn dĩ là tương đồng, Phật pháp gọi là tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”.

Vậy tại sao bây giờ tâm của ta lại nhỏ hẹp? Tại sao tâm lượng của ta và Phật Bồ Tát lại có sự khác biệt nhiều đến như vậy?

Hòa Thượng trích dẫn lời Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm rằng: “Mười phương tất cả chúng sanh chủng chủng tâm lượng” - có nghĩa là tâm lượng chúng sanh rất là phức tạp. Ví dụ như hai bé sinh đôi, tuy cùng một cha mẹ sinh ra, nhưng cũng không giống nhau. Tâm lượng phức tạp đã hình thành ở thế gian này. Ngay cả loài súc sanh cũng có muôn vạn khác biệt. Nghiệp cảm của chúng sanh chiêu cảm đến hình thành thân tướng của chúng.

Hòa Thượng nói: “Tâm lượng khác biệt đều xuất phát từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sinh ra!” Xuất phát từ vọng tưởng dẫn đến tâm phân biệt nổi lên, rồi dính mắc, và từ đó có muôn vạn sự khác biệt sinh ra.

Một việc chúng ta rất dễ thấy đó là chúng ta có thể nhận ra con mình giữa một đám đông trẻ con, hoặc nhận ra khi nghe thấy tiếng chúng khóc. Đây chính là phân biệt, chấp trước của mình. Thậm chí, có người chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” đến nỗi, khi đi họp, ban tổ chức không giới thiệu đến chức danh của họ đã khiến họ đùng đùng nổi giận.

Cuộc đời giống như một vở kịch, lúc làm quan làm tướng, lúc làm lính hầu, lúc làm dân thường, lúc đóng vai mẹ, lúc đóng vai vợ. Không có gì là thật nhưng chúng ta cứ cho là thật và tuy nghe hiểu, nhưng chúng ta không vượt qua được.

Có nhiều người từng nói với tôi rằng mai mốt mẹ con chết hoặc con con chết hoặc chồng con chết hoặc vợ con chết thì con không biết phải làm sao. Trong vô lượng kiếp đến nay, nước mắt chúng ta khóc đưa tiễn người thân nhiều như nước biển. Từ nhỏ tôi được ông bà nội, ngoại rất thương, thế rồi, ông bà ra đi, rồi ba ra đi, cô dì chú bác ra đi. Nhìn lại xung quanh mình không còn mấy người, rồi đây đến lượt mình cũng sẽ ra đi.

Trong vở kịch cuộc đời này, Phật dạy cho chúng ta nhận diện sinh, già, bệnh, chết là khổ; yêu nhau không đến được với nhau là khổ; ghét nhau phải gặp mặt là khổ; cầu không được là khổ; …v.v. Tuy nhiên, chúng ta mãi sống trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây là nhà ta, con ta, tài sản ta, đây là “danh vọng lợi dưỡng” của ta nên khởi tâm động niệm đều bị chúng dẫn đầu.

Hòa Thượng nói: “Tâm lượng vốn dĩ đơn thuần nhưng mà nó lại trở thành quá phức tạp, việc này chúng ta phải ngày ngày phản tỉnh”.

Điều cần phản tỉnh là ta thường khởi lên các vọng tưởng trong “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tự tư tự lợi”; sau khi khởi vọng sẽ có phân biệt; có phân biệt rồi thì sẽ có chấp trước.

Không dừng ở một vọng tưởng, chúng ta thậm chí khởi rất nhiều vọng tưởng khác nhau xuất phát từ ý muốn mọi việc tốt hơn nữa. Cứ như vậy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sau lại khác với vọng tưởng, phân biệt, chấp trước lúc trước, cách nhau chỉ trong một niệm. Điều này, khiến chúng ta chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn hoặc bằng lòng.

Ví dụ như sáng nay đi chợ, trong lòng nghĩ mua thế này, đến lúc đi chợ về, trong giỏ đồ, không giống như mình nghĩ từ trước. Hay sáng đến trường, ý định là như vậy, thế nhưng nhiều việc không diễn biến như ý định, thêm bớt so với ý định ban đầu.

Như vậy, vọng tưởng, phân biệt và chấp trước của chính mình đang làm chính mình phiền não, ấy vậy mà, chúng ta không nhận ra, lại cứ tưởng ai đó mang phiền não đến cho mình. Chính mình là người bị hại và cũng là người làm hại chính mình. Chính mình là nguyên cáo và cũng là bị cáo.

Hòa Thượng chỉ dạy: “Tâm lượng nguyên thủy của chúng ta hiện ra cảnh giới nhất chân pháp giới”. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là pháp giới nhất chân, trong Tịnh Độ gọi là Thế giới Cực lạc. Điều này có nghĩa là pháp giới nhất chân hay Thế giới Cực lạc, hay tất cả pháp giới của 10 phương chư Phật, đều có đủ trong ta.

Chư Phật, Bồ Tát giáo hóa tất cả chúng sanh chỉ là dạy chúng ta hồi phục tự tánh vốn có của chính mình. Học Phật phải hiểu đến chỗ này mới là chân thật học Phật.

Hòa Thượng nói: “Hồi phục lại bổn tánh mới là đại viên mãn, đại tự tại. Viên mãn, tự tại, an vui của Phật là điều chúng ta vĩnh viễn không cách gì tưởng tượng ra được”. Như uống nước nóng lạnh, ai uống người đó tự hiểu. Sự tự tại, viên mãn, an vui của Phật tuy mình không thể tưởng tượng được nhưng một khi chúng ta hồi phục được, chúng ta cũng được viên mãn, tự tại, an vui giống như Phật vậy.

Có người hỏi làm sao làm được Phật, Bồ Tát. Tôi trả lời là hãy làm giống y như Phật và Bồ Tát đã làm, đừng làm y như chúng sanh. Còn nếu không chịu làm theo mà chỉ mong muốn là đại vọng tưởng. Vì vậy, thấy một người giỏi, mình không nên chỉ ngưỡng mộ rồi để đó, nếu mình nỗ lực thì sẽ đạt được như họ.

Cũng vậy, Phật, Bồ Tát đã trải qua vô lượng kiếp dũng mãnh tinh tấn chứ không phải một sớm, một chiều. Phía sau thành công của những người tài năng cũng luôn là sự luyện rèn kiên trì trong thời gian dài, không hề chểnh mảng, thậm chí không phải là sự nỗ lực bình thường mà phải như Hòa Thượng nói là “dũng mãnh tinh tấn một cách đặc biệt”.

Mấy ngày nay trong người tôi có bệnh, thì ngay đó là ý niệm khởi lên rằng: “Lâu nay mình nỗ lực hết mình, bây giờ nếu có dừng lại cũng tốt!” Ý niệm này đã ngăn rất nhiều vọng tưởng trỗi dậy. Nếu không chịu chấp nhận, buông xả thì sẽ thành chướng ngại trong tâm, phiền não cứ thế trồi lên như nồi cơm đang sôi, làm sao mà sống yên ổn. Phải có thái độ chấp nhận và buông xả, có như vậy mới tự tại an vui./.

***********************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến

để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook