132Thứ Tư, 25/10/2023, 15:59

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 25/10/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

 (BÀI SÁU)

Tâm Đại Thừa là tâm sẵn sàng xả bỏ chính mình vì người phục vụ. Chúng ta thường chỉ mở tâm được một vài giây thì tâm đó đã mất đi. Chúng ta luôn cảm thấy mình bị thiệt thòi, chúng ta cho ai một vật gì thì chúng ta thường cảm thấy hối tiếc. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, những tấm gương đức hạnh đã chân thật hy sinh phụng hiến vì người. Nếu không có những người tận tâm tận lực vì quốc gia, dân tộc, không có những người Thầy tận tâm, tận lực vì thế hệ sau thì chúng ta không có ngày hôm nay!

Trước đây, tôi đã từng là một người ngông cuồng, tự cao tự đại, nếu tôi không gặp giáo huấn của Hòa Thượng thì tôi chắc cũng đã mất từ lâu. Nhờ sự hy sinh của Cổ Thánh Tiên Hiền, của những tấm gương đức hạnh nên chúng ta mới có ngày hôm nay. Nhiều người tưởng rằng họ tụng Kinh Đại Thừa thì họ sẽ phát được tâm Đại Thừa, chúng ta phải phát Tâm Đại Thừa để tụng Kinh Đại Thừa thì chúng ta mới có kết quả.

Một lần tôi giảng ở đạo tràng tụng Kinh Pháp Hoa, tôi hỏi mọi người: “Khi các Bồ Tát ở đây đi chợ, ai chỉ lấy những trái nhỏ hơn thì giơ tay, trước mặt Phật không ai được nói dối!”. Tất cả mọi người đều cúi đầu nhìn xuống. Chúng ta thường muốn giành phần hơn không muốn nhận phần thiệt thòi. Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật là chúng ta đã phát tâm làm người thiệt thòi”. Câu nói này đã giúp tôi phản tỉnh chính mình.

Bài học trước, Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật pháp Đại Thừa, Tâm Đại Thừa là tâm rộng lớn, tâm xả mình vì người, hy sinh chính mình để thành tựu người khác. Tâm Đại Thừa thật đáng quý! Chúng ta có tâm này thì chúng ta sẽ được chư Phật hộ niệm, Long Thiên Thiện Thần gia hộ. Trên “Kinh Pháp Hoa” nói rất rõ: “Thời kỳ Mạt Pháp, Phật pháp Đại Thừa rất phù hợp với xã hội hiện đại, Phật pháp Tiểu Thừa không thể phù hợp với xã hội hiện đại”.

Hòa Thượng nói: “Thời đại này, chúng ta tu học một cách bảo thủ thì nhiều người sẽ không tiếp nhận. Pháp Đại Thừa là pháp khế cơ. Trong xã hội hiện đại, mọi người ăn mặc rất thời trang, nếu chúng ta nói người mặc như vậy không được vào chùa thì chúng ta đã đoạn cơ duyên của chúng sanh”. Chúng ta không được khô cứng ở một hình thái mà chúng ta phải tùy duyên. Có người hỏi Hòa Thượng về việc, khi họ đi du lịch, họ nhìn thấy một ngôi chùa nên họ khởi tâm cung kính và bước vào lạy Phật, có người nói với họ rằng: “Mặc thế này thì sẽ đọa Địa ngục!”. Hòa Thượng nói, họ đi du lịch mà bước vào lạy Phật thì đây cũng là nhân duyên tốt. Nếu Phật tử thường đi chùa thì chúng ta nhắc họ mặc kín đáo để không làm động tâm người khác. Nhiều người đi chùa vẫn để ý nhìn người khác đây là tập khí sâu dày của chúng sanh. Chúng ta làm người khác động tâm thì chúng ta đã gián tiếp có tội. Hoà Thượng nhắc: “Chúng ta sống trong thời hiện đại, chúng ta phải biết hiện đại hoá, bổn thổ hoá”. “Bổn thổ hoá” là chúng ta phải tuân theo phong tục, tập quán của quốc gia. “Hiện đại hoá” là theo trào lưu của thời hiện đại. Chúng ta khô cứng trong một hình thức thì nhiều người sẽ khó chịu.

Những năm trước, có những buổi Lễ tri ân Cha Mẹ có rất nhiều Phật tử mặc quần áo tu hành đến tham gia, đây chỉ là họ dính mắc vào hình thức. Một lần, tôi thuê hơn 10 xe đưa các Phật tử ở miền Tây đến dự lễ tri ân, họ mặc áo tu nhưng họ lại là những người ồn ào và bỏ về sớm nhất. Gần đây, trong các buổi lễ tri ân, mọi người đều mặc rất trang trọng, lịch sự. Chúng ta khô cứng, chấp vào hình tướng thì chúng ta sẽ khiến người khác sợ không dám tu. Trước đây, khi tôi đi giảng tôi thường mặc áo tu nhưng gần đây, tôi mặc bộ đồ vest này, mọi người vẫn thấy rất gần gũi. Điều quan trọng là chúng ta phải thật nói, thật làm. Chúng ta bảo người bố thí mà chúng ta không bố thí thì sẽ không ai tin lời chúng ta nói.

Phật dạy chúng ta phải “trang nghiêm thân tướng”. Chúng ta trang nghiêm thân tướng bằng chính đức hạnh, giới đức của mình. Ngài Hư Vân một năm tắm, cạo râu tóc một lần nhưng khi mọi người đến gần Ngài, họ vẫn ngửi thấy hương thơm. Chúng ta chỉ cần ba ngày không tắm thì cơ thể chúng ta đã hôi tanh. Phật không yêu cầu chúng ta phải y theo những hình thái cũ mà đây là do chúng ta hiểu sai nên chúng ta phân biệt, chấp trước. Khoảng năm 2010, tôi cũng ăn mặc lôi thôi, lếch thếch, sau khi được tiếp nhận lời Hòa Thượng dạy, tôi đã dần dần ăn mặc chỉn chu. Chúng ta biết cách bổn thổ hoá, hiện đại hoá thì mọi người mới có thể dễ dàng tiếp nhận Phật pháp. Khi tôi đến một đạo tràng, họ tụng Kinh gì thì tôi tụng Kinh đó theo họ, họ ngồi thiền thì tôi cũng ngồi theo họ nhưng trong tâm tôi chỉ niệm Phật. Chúng ta phải biết “nhập gia tùy tục”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook