132Thứ Ba, 24/10/2023, 16:46

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 24/10/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 7

NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

 (BÀI NĂM)

Nhà Phật nói: “Phật pháp vô nhân giảng tuy trí bất năng giải”. Phật pháp nếu không có người giảng dạy thì cho dù có tri thức cao đến đâu cũng không thể hiểu. Hòa Thượng Tịnh Không đã giảng dạy kỹ lưỡng và ứng dụng Phật pháp vào đời sống để chúng ta dễ dàng thể hội và thực tiễn. Ngài đã giảng dạy kỹ lưỡng như vậy nhưng chúng ta vẫn chưa thật tin, thật làm. Nếu không có người giảng dạy thì chúng ta sẽ hiểu một cách mơ hồ, chúng ta sẽ không thể làm được. Có người học nhiều pháp với các vị Thầy khác nhau, họ càng học thì càng không biết phải làm như thế nào.

Chúng ta học Phật pháp, trước tiên chúng ta phải xây dựng nền tảng vững chắc, nền tảng đó chính là tâm hiếu kính: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Trước tiên chúng ta phải hiếu thảo với Cha Mẹ, kính trọng Thầy Cô, từ nền tảng này chúng ta khởi tâm yêu thương, ái hộ đối với chúng sanh, sau đó chúng ta sửa đổi ba nghiệp của chính mình. Chúng ta thể hiện tâm kính trọng Thầy Cô bằng cách chúng ta “y giáo phụng hành”.

Hòa Thượng từng nói: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới của hiếu và kính. Người không thực hành hạnh hiếu kính thì không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Người không có nền tảng hiếu thân tôn sư không thể về được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trước đây, đạo tràng niệm Phật được mở ra nhiều như nấm nhưng sau đó những đạo tràng này cũng lụi tàn nhanh như nấm. Cây nấm chỉ tồn tại khoảng ba ngày là đã có thể hỏng. Những đạo tràng niệm Phật này tan rã không phải do pháp môn niệm Phật không hiệu quả mà là do người tu hành không có nền tảng cơ bản.

Nhiều người tưởng rằng, một người chỉ cần nuôi dưỡng thân thể Cha Mẹ, biếu tiền Cha Mẹ thì họ đã là một người con hiếu thảo. Chúng ta nuôi một con vật như con chó, con mèo thì chúng ta cũng phải chăm sóc, cho chúng ăn. Vậy thì, một người con hiếu thảo ngoài việc dưỡng thân còn cần phải dưỡng tâm, dưỡng chí cho Cha Mẹ. Chúng ta khuyên Cha Mẹ nhưng Cha Mẹ không làm thì chính chúng ta phải làm ra tấm gương, chúng ta phải dưỡng thân, dưỡng tâm, dưỡng chí của mình trước. Chúng ta làm một cách triệt để thì Cha Mẹ, anh em, thân bằng quyến thuộc đều sẽ nhìn thấy, sẽ cảm động trước việc làm của chúng ta. Cha Mẹ chúng ta có thể sẽ thích gần gũi với những người con khác vì ở đó Cha Mẹ được sống một cách thoải mái, tuỳ tiện.

Anh em, thân bằng quyến thuộc của tôi chỉ dám gọi điện cho tôi khi họ đã ở trong trạng thái say rượu, họ nói rằng, họ muốn làm giống tôi nhưng họ không thể làm được. Con người không dễ bỏ được tập khí xấu ác như “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Có những người nói với tôi: “Sống như ông thì tôi chết đi còn sướng hơn!” vì họ thấy tôi không uống bia rượu, không hút thuốc, không đi chơi ở bên ngoài. Trong bữa cỗ có rất nhiều món ngon thì tôi chỉ cần một đĩa rau luộc và một bát nước tương. Mọi người cho rằng cuộc sống của tôi rất khổ nhưng tôi thì cảm thấy an vui, tự tại! Khi giá thịt tăng thì mọi người rất lo lắng trong khi đó tôi chỉ cần mua 10 miếng đậu giá khoảng 30.000đ là đã đủ để cả gia đình ăn. Chúng ta phải tu hành trên nền tảng tâm hiếu kính và đối nhân xử thế bằng “Lục Hòa”. “Phép tắc người con” chính là giảng giải cho “Lục Hòa”. Hôm trước, có một cô giáo chia sẻ, khi cô đang đi thì tay cô bị va vào góc bàn rất đau, khi đó cô chợt nhớ đến lời dạy trong “Phép tắc người con” là: “Rẽ quẹo rộng chớ đụng góc”.

Có những người cũng đã từng có niềm vui trong việc thực hành “Đệ Tử Quy” nhưng sau đó họ đã bỏ không học thậm chí là họ chướng ngại người khác học tập. Lớp học của chúng ta cũng đã có rất nhiều người đến và đi, họ dừng học vì họ không thực tiễn được những lời dạy của Hòa Thượng trong đời sống hằng ngày. Chúng ta thực tiễn lời dạy của Hòa Thượng, chúng ta có được lợi ích thì chúng ta chân thật có được “pháp hỷ sung mãn”. Mỗi ngày, chúng ta làm theo lời dạy của Phật, của Thánh Hiền thì đó là một ngày vui trọn vẹn. Niềm vui của việc thực hành giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền là niềm vui không có tác dụng phụ, niềm vui này không giống như niềm vui ở thế gian. Nếu chúng ta chỉ nghe mà chúng ta không làm thì chúng ta nghe cả đời cũng không có tác dụng. Có những người trước đây đã từng hỗ trợ, cùng làm với tôi nhưng hiện tại họ rất ngại khi gặp tôi vì họ đã bỏ cuộc, họ đã chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook