Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 23/10/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 7
NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
(BÀI BỐN)
Người học Phật phải tu tập trên nền tảng của “Tam Phước” là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Thọ trì tam quy, cửu túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Phát Tâm Bồ Đề tin sâu nhân quả đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Hằng ngày, chúng ta phải đối nhân xử thế tiếp vật theo “Lục Hòa”. Người học Phật ngày nay không tu tập trên nền tảng “Tam Phước”, “Lục Hòa”, họ chỉ được dạy, đời này tu phước để đời sau được hưởng phước. Hòa Thượng nói: “Ngày nay, rất ít người có tâm mong cầu vượt thoát sinh tử”. Nếu chúng ta không ngày ngày được nhắc nhở thì chúng ta cũng sẽ lơ là việc vượt thoát sinh tử.
Hòa Thượng nói: “Hàng ngày, chúng ta phải đem “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, “Lục Hòa Kính”, “Tam Quy Y”, “Năm Giới”, “Mười Thiện” để khởi tâm động niệm, hành động tạo tác. Chúng ta thực tiễn những điều này trong đời sống thực tiễn thì chúng ta mới là người học Phật”. “Tam Quy Y” là quy y Giác - Chánh - Tịnh, tịnh mà không nhiễm, chánh mà không tà, giác mà không mê. Nhiều người học Phật vẫn khổ đau, phiền não đó là vì họ không thật làm.
Phật pháp phải xây dựng trên nền tảng đầu tiên của “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Nhiều năm qua, chúng ta đã đề xướng tri ân Cha Mẹ, tri ân những người Thầy, những người có công đối với quốc gia, dân tộc. Năm nay, chúng ta cũng sẽ tổ chức lễ tri ân Thầy Cô nhân ngày 20 tháng 11 một cách long trọng. Chúng ta xây dựng nền tảng tu hành dựa trên tâm hiếu kính thì chúng ta mới có thể có thành tựu. Chúng ta làm tốt phước thứ nhất thì chúng ta mới có thể làm được phước thứ hai và sau đó là phước thứ ba.
Phước thứ hai trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là: “Thọ trì tam quy, cửu túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Có người hỏi tôi, làm sau giữ được đầy đủ tất cả các giới, chúng ta có tâm chân thành, cung kính thì chúng ta sẽ tự khắc làm được đầy đủ “cửu túc chúng giới”. Trước khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác thì chúng ta nghĩ đến Cha Mẹ, đến những người Thầy thì chúng ta sẽ không dám lơi là, phóng túng. Người Thầy lớn của chúng ta chính là Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong câu “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, “Bổn sư” nghĩa là vị Thầy ban đầu. Chúng ta không có tâm tri ân, báo ân nên chúng ta mới tuỳ tiện, phóng túng.
Phước thứ ba trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là “Phát Tâm Bồ Đề tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Phát Tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm”. Nếu chúng ta chỉ “Phát Tâm Bồ Đề” hay chúng ta chỉ “Một lòng chuyên niệm” thì chúng ta đều không thể vãng sanh, hai việc này phải tương bổ, tương thành. “Tâm Bồ Đề” là tâm phục vụ chúng sanh, làm mọi việc để giúp ích chúng sanh. “Tin sâu nhân quả” là chúng ta tin, chúng ta niệm Phật nhất định thành Phật, chúng ta tin có thế giới Tây Phương Cực Lạc, tin Phật A Di Đà đang chờ đợi chúng ta là thật. Việc chúng ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, làm thiện được quả thiện, làm ác phải nhận quả ác là việc đương nhiên. “Đọc tụng Đại Thừa” không phải là chúng ta ngồi tụng Kinh, niệm Phật mà chúng ta phải thực tiễn những lời dạy trên Kinh trong khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác của mình.
Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta, khi chúng ta sống chung với mọi người thì chúng ta phải ứng dụng “Sáu Phép Hòa Kính”, trong đó phép thứ nhất là “kiến hòa đồng giải”, đây là căn bản. Chúng ta xây dựng cách thấy, cách nghĩ, cách làm giống nhau, không có sự chống trái thì mọi vấn đề đều được giải quyết”. Chúng ta tự làm theo cách của mình thì chúng ta sẽ khiến mọi việc hư hại. Chúng ta không làm theo chủ kiến của ai mà chúng ta làm theo lời dạy của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền. Ban đầu, chúng ta có thể làm chưa đúng, sau một thời gian chúng ta làm đúng, nhưng sau đó chúng ta dần làm sai. Chúng ta làm theo cách nghĩ, cách làm của mình thì mọi việc chắc chắn sẽ sai.