Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 22/10/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 7
NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ
(BÀI 3)
Phật dạy chúng ta: Tu hành là xây dựng trên nền tảng “Tịnh Nghiệp Tam Phước” và “Lục Hòa Kính”. Hai chương mục này chúng ta đã nghe rất nhiều lần, nhất là trong “Chuyên đề Khai thị 1200 Đề tài của Hòa Thượng Tịnh Không”.
“Tịnh Nghiệp Tam Phước” là chính mình tu còn khi đối người tiếp vật thì dùng “Lục Hòa Kính”. Nội hàm của “Lục Hòa Kính” quá cô đọng nên thông qua Đệ Tử Quy – tức là Phép tắc Người con, chúng ta thực hành 113 điều giảng rộng trong cuộc sống thường ngày.
Hòa Thượng dạy rất rõ: “Chúng ta học Đệ Tử Quy nói riêng và học giáo huấn Thánh Hiền nói chung phải trên nền tảng của Phật pháp Đại thừa”. Điều này nói lên rằng chúng ta xây dựng nền tảng của Phật pháp Đại thừa rồi, ta mới học Đệ Tử Quy. Nền tảng chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” và “Lục Hòa Kính”.
Có những người chưa được nghe và hôm nay đã nghe rõ Hòa Thượng nói câu này thì từ nay không nên nhận xét người học chuẩn mực người xưa là tu mù luyện quáng, là xen tạp, ngoại đạo. Họ đã từng vô tình tạo vô lượng vô biên tội nghiệp khi vội vàng phê phán, ngăn cản và gây chướng ngại cho người học vì họ cứ tưởng rằng mình đang tu hành rất tốt, nhất môn thâm nhập nhưng thật ra lại chẳng hiểu gì.
Phật dạy phước thứ nhất trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là “Hiếu dưỡng Phụ mẫu”, “Phụng sự Sư trưởng”, “Từ tâm bất sát”, “Tu Mười Thiện nghiệp”. Trên nền tảng tâm hiếu kính, trong đó hiếu là đối với cha mẹ và kính là đối với thầy giáo cùng các bậc Hiền Thánh, chúng ta làm việc thiện, chúng ta niệm Phật, chúng ta tu hành và chúng ta cải đổi tập khí phiền não của chính mình.
Trong phước thứ nhất thì “Phụng sự Sư trưởng” không phải là gặp thầy thì quỳ lạy, xá sâu, hay là mua nhiều thứ món ngon vật lạ cung phụng, đây là hiểu sai. Hiểu đúng chính là y giáo phụng hành – nghe lời dạy làm theo một cách triệt để.
Trên nền tảng của tâm hiếu kính đó mà làm tất cả mọi sự, mọi việc thì công việc sẽ làm rất tốt, rất cẩn trọng vì mỗi việc mình làm đều đang tô son thếp vàng cho thầy mình, cho cha mẹ, thậm chí cho gia tộc của mình.
Có lần, các Thầy cô trong Hệ Thống Khai Minh Đức đến chia sẻ ở một học viện, khi đó phía trên là Viện trưởng cùng các Thầy cô giáo và bốn khách mời, ấy vậy mà có hai bạn sinh viên không hề thấy xấu hổ khi bạn nữ ngồi trong lòng bạn nam nói chuyện. Mỗi việc chúng ta làm đều biểu thị ta rất kính trọng cha mẹ, rất kính trọng thầy cô, cho nên chúng ta đều không dám làm những việc sai trái, làm xấu hổ thầy cô đã dạy mình, làm xấu hổ cha mẹ đã sinh ra mình, thậm chí làm xấu hổ cả gia tộc của mình.
“Từ tâm bất sát” nghĩa là dùng tâm “Từ” không tùy tiện giết hại đến con vật thì làm sao giết hại đến con người. Ba nghiệp của chúng ta: Thân không sát, đạo, dâm; ý không tham, sân, si; miệng không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác.
Phương pháp và lý luận tu hành của chúng ta rất rõ ràng, thấu đáo và triệt để. Nhưng thế gian nhìn mình, tưởng mình đang tu mù luyện quáng. Mình làm việc tốt thì họ cho rằng mình là kẻ mất trí. Hôm qua, tôi mang 4 túi rau cải ngọt và cải keo tặng một nhà hàng chay, người quản lý cảm ơn và nói rằng đang cần uống nước cải keo này. Một việc làm nhỏ như thế nhưng bên trong lại chứa đựng đầy đủ lý luận tu hành trên nền tảng của Phật pháp Đại thừa.
Phước thứ hai là “thọ trì tam quy”, “cụ túc chúng giới”, “bất phạm oai nghi”.
Phước thứ ba là “phát tâm Bồ Đề”, “tin sâu nhân quả”, “đọc tụng Đại thừa”, “khuyến tấn hành giả”.
Hai phước này chắc chúng ta khó mà làm được. Ví dụ “đọc tụng Đại thừa vì người diễn nói” không phải là ngồi đó đọc tụng mà mình phải đem dấu ấn của Phật biến thành hành nghi, ý niệm của chính mình, từ đó diễn giải cho người chẳng những bằng khẩu giáo mà còn bằng thân giáo.
Điều mà Hòa Thượng thường nhắc chúng ta, chính là phước thứ nhất. Đây là phương pháp tu hành cụ thể mà tự thân chúng ta phải tu tập, phải cải đổi. Còn khi đối người tiếp vật thì phải dùng “Lục Hòa Kính” – tức là sáu phép hòa kính bao gồm “Thân hòa đồng trụ”, “Khẩu hòa vô tránh”, “Ý hòa đồng duyệt”, “Giới hòa đồng tu”, “Kiến hòa đồng giải” và “Lợi hòa đồng quân”.