44Chủ Nhật, 22/10/2023, 08:17
197 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bẩy, ngày 21/10/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 2)

Nói đến giáo dục của Phật Đà, chúng ta có đầy cảm xúc khi chúng ta nhận ra rằng việc tu học để chuyển đổi tập khí, phiền não của mình không đơn giản chỉ là một sớm một chiều.

Trải qua 1400 giờ học tập “Chuyên Đề 1200 Đề Tài của Hòa Thượng Tịnh Không” và “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn lục”, chúng ta thấy mình chưa thay đổi được tốt, huống hồ những người đến với Phật chỉ là để quy y có chứng nhận là đệ tử Phật.

Mọi người thử nghĩ xem, sau một thời gian dài học tập xuyên suốt với một vị Thầy hướng đạo cho mình, trong lòng mình còn phiền não không? Vẫn phiền não! Tham, sân, si, mạn còn không? Vẫn còn! Thế mới hiểu được rằng việc chuyển đổi tập khí của mình phải dụng công lâu dài.

Khi tôi miên mật học tập 1400 giờ không ngơi, không trễ phút nào, trong hoàn cảnh vẫn bôn ba khắp nơi, chính là để thử xem, mình có chuyển đổi hay không? Dụng ý của tôi không phải để khoe khoang, để chứng minh bản thân mà là để thể hội và trải nghiệm.

Sau quá trình dài nỗ lực khắc phục tập khí thì phiền não, vọng tưởng, chấp trước chân thật là có giảm, nhưng nó vẫn chưa vắng bặt hoàn toàn, vẫn còn đầy đủ y nguyên 16 tên “Thập lục tặc” và đang ẩn tàng ở đâu đó. Cứ điểm danh xem: “Anh tham sân si ngạo mạn đâu? Sắc Danh Thực Thùy đâu?” Chúng sẽ trả lời: “Tôi đây chứ đâu! Chờ khi nào ông gọi, là tôi đến ngay!”. Chúng đang nhâm nhi uống trà, chờ cơ hội.

Một ngàn bốn trăm giờ cũng chính là 1400 ngày đã qua đi, mà việc chuyển đổi còn khó, huống hồ những người tùy thuận theo tập khí của mình, ngày ngày vẫn “tham, sân, si, mạn”, “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, thỏa mãn trong “năm dục sáu trần” lại càng khó hơn. Ngay cả người niệm Phật 10 năm, 20 năm, có nắm chắc phần vãng sanh hay không, Hòa Thượng khẳng định là rất khó nói.

Ấy vậy mà có người đến niệm Phật tiễn biệt người lâm chung lại quả quyết rằng người lâm chung ấy đã thành tựu vãng sanh, mặc dù, từ trước đến giờ, họ chưa từng học Phật, chưa ăn chay và chưa có sự chuyển đổi nào. Người trải qua nhiều ngày huân tập mà còn chẳng ăn thua, vậy mà lại quả quyết như vậy thì là nói khoác.

Điều này giúp mọi người thấy rằng, tập khí phiền não của chúng ta thật không dễ chuyển đổi. Chúng ta vẫn chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” và “tự tư tự lợi”. Khi làm bất cứ việc gì, chỉ cần ló mặt mình ra, thì vẫn là “ta” và cái “của ta”, thậm chí ngã dúi đầu xuống rồi, đứng lên, vẫn là “ta” tiếp, làm đau đầu mọi người xung quanh. Thế mới biết con đường vượt sanh tử không hề dễ dàng.

Nhiều người có lẽ nghĩ rằng tôi đang “danh vọng lợi dưỡng” lắm rồi; ngồi chễm chệ để có người cơm bưng, nước rót. Họ đến thăm và cũng hỏi rằng ai nấu cơm cho tôi, ai dọn dẹp trong ngoài vườn sạch sẽ, ai chăm sóc hoa trái sum xuê xanh tốt, để tôi có thời gian phiên dịch và cho ra sản phẩm đều đều. Tôi hài hước trả lời rằng: “Đến giờ có tiên xuống, tiên quét nhà, giặt đồ, nấu cơm rồi tiên về”. Tôi không mong muốn tập khí phiền não mình dấy khởi, cho nên khi đến bất cứ nơi nào, tôi đều tự phục vụ kể cả việc ăn uống, vậy mà tập khí vẫn tuôn trào.

Ngay khi ở nhà, tôi cũng luôn thay đổi tư thế làm việc. Tôi đặt cơm xong thì dịch bài, dịch mỏi tay thì quét dọn nhà cửa; xong việc lại ngồi dịch; dịch một lúc thì ra tưới cây, nhổ cỏ; rửa tay sạch sẽ rồi lại ngồi dịch; xong việc thì tắm rửa, giặt đồ. Ngoài lúc làm việc, cuộc sống của tôi cũng đầy màu sắc; cũng ngoại giao, giao tế; cũng quan tâm đến các sự kiện. Tuy vậy, việc thúc liễm thân tâm, kiểm soát tập khí phiền não của mình thì không lơi lỏng, thế mà nó vẫn tuồn ra. Tập khí phiền não của mình như vậy nên không thể chủ quan!

Tập khí phiền não, mình chưa khống chế được, nói chi đến việc thực tiễn giáo dục Phật Đà, đem lời giáo huấn của Phật Đà để cải đổi thân tâm của mình. Mà việc quan trọng nhất là gì? Là thay Phật “phục vụ” chúng sanh! Lần đầu tiên tôi nghe Hòa Thượng nói từ “phục vụ”, phải nói là rất bàng hoàng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook