57Thứ Bảy, 21/10/2023, 06:22
196 · Nói Rõ Giáo Dục Của Phật Đà - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 20/10/2023

**********************************

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3

Chương 7

 NÓI RÕ GIÁO DỤC CỦA PHẬT ĐÀ

(BÀI 1)

Giáo dục của Phật Đà có đầy đủ lý và sự, nghĩa là có lý luận, có phương pháp và áp dụng được ngay trong cuộc sống. Pháp của tà ma ngoại đạo thì có lý mà không có sự; hoặc có sự mà không có lý.

Hòa Thượng nói: “Khi Phật nói với mọi người thì lời nói đều là chân thật”. Nhưng Ma cũng nhận là họ nói lời chân thật. Vậy phân biệt từ đâu?

Phân biệt ở việc: Lời nói đó, có thật lợi ích cho chúng sanh hay không? Có phù hợp đạo lý nhân quả và phù hợp với phép tắc, với pháp luật hay không? Lời nói của tà ma ngoại đạo thường thiếu các điểm này. Chẳng hạn họ đến truyền đạo mà thông báo một cách lén lút, rồi bảo với chúng ta là không được nói với người lạ. Có người hỏi tôi là đã là đạo thì phải quang minh, phải phổ biến chứ sao lại không được nói. Tôi trả lời là bởi vì đó không phải là chánh đạo, không phải là tôn giáo mà nhà nước công nhận. Tà ma ngoại đạo nên mới lén lút như vậy.

Lời nói chân thật phải phù hợp với nhân quả như là trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu; có công phu tu hành thì có kết quả; tích cực bố thí thì có phước báu; chăm chỉ lao động thì có tài sản, chứ không phải như kẻ ăn cắp cũng muốn có tài sản nhưng lại ăn trộm.

Pháp căn bản của nhà Phật là Bát Chánh Đạo gồm: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh định, chánh huệ. Trong đó, chánh ngữ là lời nó đúng sự thật và chánh mạng là đời sống phù hợp với luân thường đạo lý, đúng lệ làng, phép tắc quốc gia.

Tà ma ngoại đạo hay tự gọi mình là Phật pháp chân chính. Việc đó còn phải xét xem hành động của họ có tổn người lợi mình không? Đời sống của họ có tùy tiện thỏa mãn “năm dục sáu trần” không? Người chân tu thì trải qua đời sống nghiêm túc, còn đời sống của Ma thì thích hưởng thụ và thích chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”. Tuy ngập trong “danh vọng lợi dưỡng” nhưng họ không hề hoan hỉ bố thí bởi ý niệm từng ngày của họ là “tự tư tự lợi”, ích kỷ, bỏn sẻn. Họ thích hưởng thụ và luôn cảm thấy hưởng thụ còn không đủ, thì làm gì có dư mà cho người khác.

Thậm chí, chỉ để thỏa mãn thú vui, tự cho mình hơn người mà gần đây báo chí có đăng tin có người đã chi đến 200 tỷ đồng để đưa một chiếc xe về Việt Nam. Hai trăm tỷ ấy có thể làm lợi ích cho biết bao chúng sanh.

Cho nên Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mới nói lời chân thật. Các Ngài khuyên bảo chúng sanh đều xuất phát từ tâm chân thành, từ tận đáy lòng. Còn lời nói của Ma đạo, của kẻ “tự tư tự lợi”, lời nói trau chuốt hoa mỹ thì không bao giờ chân thật. Rất dễ để phân biệt lời nói chân thật và giả dối, tuy nhiên chúng sanh mê muội, bị cảm tình rung động nên không nhận ra.

Qua quá trình dài chúng ta học tập với Hòa Thượng, chúng ta thấy những lời dạy của Ngài đều lợi ích chúng sanh, không hề trục lợi cho mình. Hòa Thượng nói: “Kinh điển của Phật pháp là một bảo tàng chung của các văn hóa khác nhau, chủng tộc khác nhau.” Lời Phật dạy chính là tinh hoa của các văn hóa và các dân tộc, không hề có phân biệt và chấp trước. Ngài nhấn mạnh: “Vì vậy cách nghĩ, cách thấy, cách làm của Phật hoàn toàn tương ưng với đại vũ trụ này” – nghĩa là tương ưng với tự tánh của tất cả chúng sanh.

Ấy vậy mà nhiều người không chịu học Phật, không tiếp nhận, nhưng vẫn ngồi đó, tự cho rằng Phật là mê tín và lời Phật dạy không phù hợp với đời sống hiện tại. Hòa Thượng nói: “Lời Phật dạy tương ưng với tự tánh nên có thể giải quyết được những việc của con người một cách viên mãn.” Dù là thời đại nào đi nữa, 4.0, 5.0 hay 6.0 thì lời Phật dạy vẫn luôn thiết thực nhất với đời sống chúng ta.

Ngài xác nhận rằng: “Giáo học của Phật đều dạy chúng ta hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh này!” Đó là ta với người là một thể. Vì không hiểu rõ điều này, nên chúng ta phân biệt người là người và ta là ta mà không biết rằng trong vố số cái ta đó, có một cái ta chung, đó là tự tánh. Nếu đã hiểu thì ta thương ta thế nào sẽ thương người như thế ấy, vậy thì không còn chướng ngại. Ngược lại, nếu thấy ta là khác biệt, không thể hòa đồng với mọi người thì sẽ không có lòng bao dung, sẽ mãi chìm trong vọng tưởng chấp trước.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook