Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 19/10/2023
**********************************
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 7
GIẢI THÍCH LÝ DO CỦA KIẾP VẬN
(BÀI 2)
Chúng ta tưởng rằng kiếp vận của một con người, của một gia đình và của một thế giới là do ai đó có quyền năng xoay chuyển. Nhưng thật ra, đó đều là do chính mình!
Tâm hạnh “tự tư tự lợi”, luôn tổn người lợi mình, mà ngày ngày chúng ta đang phát triển là nguyên nhân phát sinh ra mâu thuẫn và xung đột. Thiên tai nhân họa cũng đều từ khởi tâm động niệm của chúng ta.
Hôm qua, trên chuyến bay tôi về nhà, do trời trưa nắng gắt, một số người ngồi ở ghế phía đầu máy bay, không đi cầu thang trước mà chọn đi cầu thang sau để đi lên, vì cầu thang sau có mái che, đã khiến lối lên tắc nghẽn hơn 10 phút. Mọi người thử nghĩ xem, đó có phải là “tự tư tự lợi” không? Chỉ cần một ý niệm “tự tự tự lợi” đã làm chướng ngại thậm chí tổn hại người khác.
Từ câu chuyện nhỏ này, hãy liên tưởng đến những việc lớn hơn rằng, nếu ta làm chướng ngại việc phát triển Văn hóa Truyền thống hay phát dương quang đại Phật pháp thì tội này có nhỏ không?
Lỗi lầm này không hề nhỏ nếu ta vì tư lợi cho bản thân mà gây nên chuyện. Hòa Thượng nói: “Bạn tưởng bạn ngày ngày tạo ra vô lượng công đức mà ngờ đâu, bạn đang tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, vậy thì, bạn không bị chướng ngại thì ai bị chướng ngại”.
Phật nói: “Chúng sanh si mê”, trong sự vô tình hay cố ý, phạm rất nhiều sai lầm. Nếu không chịu học tập hoặc lơ là việc học hoặc không bình lặng lại thì không thể phát hiện ra mình đã sai phạm.
Hòa Thượng nói: “Tổ sư Ấn Quang, thân là Tổ sư Tịnh độ, nhưng lại tích cực đề xướng sách “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Cảm Ứng Thiên” và “An Sĩ Toàn Thư”. Ba bộ sách nhằm giúp người tin sâu nhân quả và hiểu được cách tích thiện để cải tạo vận mệnh.
Nếu người học Phật pháp, tiếp nhận và làm đến nơi đến chốn thì thật là tốt. Nhưng thực tế, tập khí, phiền não và vọng tưởng của người tu học càng ngày càng lớn. Họ vẫn là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, chìm đắm hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”. Phật pháp không còn cứu kịp, cho nên, Tổ Ấn Quang đã hạ thấp xuống một mức để họ tin sâu nhân quả, biết tích thiện, tích công bồi đức thì may ra còn có thể cứu.
Hòa Thượng cho biết: “Tịnh tông Học hội trong những năm gần đây chỉ đề xướng việc làm tốt Tam Quy, Ngũ Giới, Mười Thiện”. Nếu làm được thì giúp họ không rơi vào ba đường ác, ngược lại, ba đường ác rất khó tránh.
Ngài khẳng định là: “Chúng sanh thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Thích nghe khuyên nghĩa là họ phải thật sự nghe lời Phật, Thánh Hiền dạy và thực tiễn điều được học vào cuộc sống. Thế nhưng ngày nay, chúng sanh thích nghe gạt, nghĩa là ai đó nói chỉ cần làm như thế này thôi, không cần phải khổ công tu hành, là họ rất thích, liền chạy theo ngay với vọng tưởng triền miên và tham dục tràn đầy. Thậm chí, còn bị lừa chí mạng khi chạy theo người nói là chỉ cần bảy ngày là đạt nhất tâm bất loạn.
Cả người bị lừa lẫn người lừa kia đều không bị làm sao cả. Giống như người nói dối hoài mà chẳng hề bị cắt lưỡi nên mai lại nói tiếp, chứ nếu nói dối mà bị đứt một khúc lưỡi thì khiếp sợ chẳng ai dám nói. Tuy là vậy, nhưng lưới trời không sót lọt một mảy bụi nào. Gieo nhân tốt thì gặt quả tốt, gieo nhân xấu nhất định gặt quả xấu. Báo chí gần đây cũng đưa tin nhiều doanh nghiệp lớn làm những việc sai trái, tưởng che lấp được nhưng đều bị phanh phui, vướng vào lao lí.
Người xưa có câu “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Đây là khí phách của người quân tử - Thánh Hiền thế gian. Thánh Hiền xuất thế gian còn cao hơn nữa, không chỉ hành động mà ngay cả khởi tâm niệm, cũng không khởi.
Ba bộ sách Tổ Ấn Quang đề xướng đều không phải sách của nhà Phật nhưng dụng ý của Ngài là để cứu vãn kiếp nạn hiện tiền của chúng sanh.
Kiếp nạn là do con người tạo thành, là tâm của ai tạo thành vậy? là tâm của chính mình tạo thành. “Kiếp nạn này có thể được cứu khi chúng sanh tiếp nhận Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và An Sĩ Toàn Thư”, Hòa Thượng nói và khẳng định: “Người xung quanh ta mà làm bất thiện tạo kiếp nạn thì chính mình cũng theo đó mà bị nạn”.