Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 14/10/2023
TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC
Phần 3
Chương 6
NHẮC NHỞ TIN SÂU NHÂN QUẢ
NÓI RÕ VỀ LÝ NHÂN QUẢ
(BÀI 5)
Tai nạn có thể hóa giải được hay không? Đáp án nhất định là có thể. Đây chính là lời khẳng định của Hòa Thượng. Ngài nói: “Vận mạng của mỗi một con người là do mình tạo. Vận mạng nhất định là có, được hình thành do nghiệp lực của chúng ta”.
Chướng ngại, bệnh khổ mà chúng ta gặp phải, đều do nghiệp trong hiện đời hoặc đời quá khứ đã tạo. Ngài khuyên: “Vậy hãy từ nơi nghiệp mà chuyển đổi”.
Kinh Phật nói: “Nếu tội lỗi mà chúng sinh đã tạo có hình tướng thì tam thiên đại thiên thế giới này không thể chứa hết”. Thật sự, chúng ta đã gây phiền gây khổ cho người không biết đến bao giờ, cho nên hiện tại chúng ta gặp phiền phức, khổ sở, chướng ngại. Tuy nhiên, những điều đó chưa thấm vào đâu so với những gì chúng ta đã gây ra cho chúng sanh. “Oan gia trái chủ từ bi hơn mình rất nhiều”, Hòa Thượng khẳng định.
Oan gia trái chủ thấy chúng ta tu tập, biết chúng ta đang hướng đến sự tu tập. Họ tìm đến không phải để đoạt mạng như chúng ta đã từng làm với họ. Họ muốn chúng ta tu tốt vì như vậy, họ mới được hưởng nhờ. Nếu lấy mạng của chúng ta thì dễ rồi, nhưng rồi cũng chỉ là oan oan tương báo. Ngẫm nghĩ cho kỹ thì thấy chân thật là có đạo lý!
Oan gia trái chủ mong mình thay đổi để họ được nương nhờ. Thế nhưng, mình không chịu tu tập, không chịu thay đổi, nên họ tìm cách để hại mình, siết chặt mình.
Trước đây tôi đi dạy học ở Vũng Tàu, chạy xe máy, đường lúc đó chưa làm xong nên rất xấu, ngày nào cũng có tai nạn giao thông. Mọi người nói: “Thầy đi như vậy nguy hiểm quá!” Tôi thẳng thắn nói rằng: “Chắc chắn là oan gia trái chủ sẽ không lấy mạng tôi đâu, có thể chỉ là tai nạn mất cái chân, cái tay thôi”. Tôi đi dạy học bằng tâm thành khẩn, chỉ muốn truyền giảng một chút kiến thức mình có được. Tôi toàn tâm toàn lực vì người khác mà làm việc, nên oan gia trái chủ sẽ nhận ra mà không lấy mạng. Đợi lúc mình dễ duôi, mình phóng túng, tùy tiện, họ sẽ đến. Còn nếu đang tận tâm tận lực vì người khác mà lo nghĩ thì chắc chắn, không thể xấu hơn mà chỉ có tốt hơn.
Hòa Thượng khẳng định là tai nạn có thể được hóa giải, quan trọng là việc làm của chúng ta phải thật cụ thể. Việc phát dương quang đại giáo huấn của Phật, Thánh Hiền; tiếp nối giáo dục của Phật, Thánh Hiền, là công đức lớn nhất. Về giáo dục, người xưa từng nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” – nghĩa là xây dựng quốc gia, dạy bảo và quản lý dân chúng phải bắt đầu từ giáo dục. Hoặc như từ “Phật giáo” thì Phật là Phật đà chỉ một người hoàn thiện. Giáo là giáo dục. Phật giáo là giáo dục mọi người đạt đến đủ tư cách và tiêu chuẩn làm Phật.
Từ trước đến giờ, chúng ta đã thành thói quen, cứ đau bệnh, gặp chướng ngại hay cầu siêu, cầu phước thì đều phóng sanh. Trước đây tôi thấy người ta phóng sanh nên tôi cũng làm theo. Tôi nghe lời Hòa Thượng dạy nên tôi quan tâm tỉ mỉ việc lựa chọn môi trường sống cho vật phóng sinh. Ví dụ như loài cá, loài nào sống được ở nước ngọt, mặn, lợ; loài nào sống ở đồng hay khu vực nước chảy, tôi đều phải vì chúng sinh mà tính toán chứ không vội vàng gặp là mua, bởi vì trái môi trường thì chúng sẽ chết.
Tuy nhiên, ngày nay, việc phóng sanh chúng ta phải suy nghĩ lại, rất là tuỳ duyên, không khéo mình chỉ làm lãng phí mà lợi ích không được bao nhiêu. Ở những nơi thường phóng sanh, người ta chích điện đánh cá. Người khác thấy thế thì tức giận rồi ném đá, đánh chửi nhau, tạo thành hoàn cảnh không tốt đẹp. Lại có những người tập trung phóng sanh cả tiền tỷ nhưng thả cá nuôi ra sông, thế là cũng chết hết, vậy mọi người thử nghĩ xem, có oan uổng cả tỷ không?
Ngày nay, chúng ta thấy rất nhiều việc cần làm. Nếu mang một tỷ chuyển thành dây chuyền làm đậu. Một dây chuyền tốt có giá từ 30-35 triệu. Ba mươi dây chuyền đặt ở 30 địa điểm, đều có đậu sạch miễn phí tặng cho người ăn chay. Người ăn mặn được tặng đậu sạch, họ cũng ít ăn thịt lại. Như vậy, chúng sanh cũng giảm bớt việc sát sanh. Do vậy, mọi việc mình phải hiểu đạo lý và phải tùy duyên thì khi làm mới lợi ích thiết thực.