54Thứ Sáu, 13/10/2023, 22:06
189 · Nhắc Nhở Tin Sâu Nhân Quả - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Thứ Sáu, ngày 13/10/2023

TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 6

NHẮC NHỞ TIN SÂU NHÂN QUẢ

NÓI RÕ VỀ LÝ NHÂN QUẢ

 (BÀI 4)

Thế pháp là duyên sanh. Phật pháp cũng là duyên sanh. Duyên là các mối tương quan kết hợp với nhau để hình thành.

Hòa Thượng khẳng định: “Phật pháp suốt từ quá khứ đến hiện tại hay tận ở vị lai đều không rời nhân quả. Thế pháp là một hiện tượng nhân quả vô cùng phức tạp mà Phật pháp cũng không ngoại lệ”.

Ví dụ, chúng ta có hạt dưa được đem đi gieo trồng thì duyên chính là người gieo trồng, rồi đủ nước, đủ độ ẩm và đủ ánh sáng. Phật pháp khi đủ duyên thì mới có thể hình thành, còn nếu không, thì không hình thành.

Cũng vậy, để có một lớp học onine như thế này, thật không hề đơn giản. Thứ nhất phải có zoom, phải thuê hoặc mua; thứ hai phải có một đường truyền đủ mạnh; thứ ba phải có máy tính hay điện thoại thông minh; thứ tư có mạng Internet; và thứ năm phải có người am hiểu mới hình thành được lớp học.

Chúng ta cũng thấy, ngay cả việc dàn dựng, biên tập, xử lý lại các bài giảng trong Chuyên đề Khai thị 1200 Đề tài của Hòa Thượng Tịnh Không trước khi đưa lên mạng cũng phải có cả một đội ngũ. Đó chính là duyên. Một mình tôi, tôi vẫn làm được nhưng sẽ quá chậm. Trước đây, mỗi lần dạy học, do không có ai nên tôi tự đặt máy, căn chỉnh, bấm máy rồi dạy. Dạy xong, tôi tự chép dữ liệu và dàn dựng phim nên mất rất nhiều thời gian.

Sáng nay, tôi cũng vừa nói đến một vị thầy rất giỏi nhưng thầy không thể tự mình lên zoom để dạy, không thể đem tài năng của mình đưa lên cộng đồng khắp mọi nơi vì thầy không có người trợ lực. Tôi đã từng có ý ngỏ lời là nếu thầy cần thì đội ngũ chúng ta sẽ giúp thầy, nhưng đã một năm qua rồi. Đây chính là duyên.

Cho nên, để có thể làm được việc gì đó cho chúng sanh thì phải có nhân duyên và phước đức. Mình phải tạo được hoàn cảnh để nhiều người cùng hợp lực với mình. Hòa Thượng nói: “Thế gian là duyên sanh và Phật pháp cũng là duyên sanh”. Duyên là như vậy đấy.

Nếu chúng ta có duyên tốt thì nhất định sẽ gặt được kết quả tốt, còn duyên xấu thì không. Ngay như chuyện làm đậu, trước đây, người ta dạy mình làm đậu trong những khuôn inox mỗi mẻ cho ra 20 miếng đậu. Vậy mình cần 3 khuôn mà mỗi khuôn, nếu mua, cũng áng chừng 5 triệu. Nhưng sau khi chúng ta đi nhiều nơi tìm hiểu và đã cải tiến thành khuôn gỗ, mỗi lần cho ra 64 miếng và với khuôn to thì lên tới 84 miếng. Nếu chúng ta không gặp được duyên tốt thì không thể nào cải tiến tốt hơn được.

Duyên tốt trong Phật pháp hay thế gian pháp đều nằm ở tâm chân thành. Có tâm chân thành thì cho dù ở bất cứ nơi nào, cũng đều có cơ hội gặp được duyên tốt. Nếu không có tâm chân thành mà vẫn là tâm ma mị, thủ đoạn thì cho dù trước mặt là Phật, Bồ Tát, chúng ta cũng sẽ không nhận ra, chứ đừng nói là một bậc thiện tri thức.

Người xưa từng nói: “Chí thành cảm thông” – nghĩa là khi đạt đến chỗ chí thành tột cùng thì sẽ cảm thông đến Phật, Bồ tát. Nếu không chí thành, tâm chúng ta không thật - mà vẫn giả bộ như thật - thì không có cách gì cảm động, không có cách gì chiêu cảm được thiện hữu tri thức đến với mình.

Từ lâu tôi đã nói với mọi người, đừng bao giờ sợ không có người, đừng bao giờ sợ không có Phật, Bồ Tát đến. Chỉ cần chúng ta chân thành thì nhất định sẽ chiêu cảm được Phật, Bồ Tát đến hỗ trợ.

Có người cũng thắc mắc vì sao có nhiều người làm việc với tôi, cho rằng tôi phải dùng thủ thuật gì đó, thế gian gọi là bùa mê thuốc lú. Nhưng bây giờ, họ hiểu rồi, họ thấy hết rồi. Hãy bằng một tấm lòng chân thành nhất, làm một cách miệt mài nhất, thì tự khắc người ta nhìn thấy, người ta cũng sẽ nỗ lực làm như mình. Có những người tưởng như bất tài vô dụng, nhưng khi mình đồng hành và chỉ cho họ, họ tự nhiên cũng hóa thành một con người đầy năng lực. Cho nên, thế gian pháp thì chúng ta không nói, chúng ta chỉ nói ở nơi Phật pháp, ở nơi Thánh Hiền, là phải bắt đầu từ tâm chân thành – “Chí thành cảm thông”.

Tổ Ấn Quang từng dạy chúng ta “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm” – nghĩa là một khi tâm chúng ta đạt đến chỗ chân thành nhất, thì có thể chuyển được tâm phàm phu của chính mình và những người xung quanh. Tuy nhiên, những người xung quanh phải cùng một tâm giống mình là muốn chuyển đổi thì mới có kết quả như vậy, chứ không phải mình cứ mang đến là họ tự nhiên chuyển đổi được đâu. Chính vì lẽ đó nên có người chuyển đổi rất rõ nét; hoặc chuyển một cách từ từ; hoặc chẳng chuyển đổi chút nào, bởi chính họ, không hề muốn điều đó. Tôi nhớ lại, bản thân tôi ngày xưa, bất tài vô dụng, chẳng biết làm gì, nhưng từ ngày dịch đĩa và nghe Hòa thượng dạy rồi cố gắng làm theo, tôi đã vượt qua được sự lười biếng. Ban đầu, tôi chỉ ngồi 1 giờ dịch đĩa đã cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi, rồi ngồi 2 giờ, 3 giờ, 5 giờ, tự dưng quen dần, ngồi 8 giờ, thâm chí 10 giờ, 12 giờ. Rồi còn có nhưng ngày, tôi ngồi dịch 14 giờ mà không hề biết mệt mỏi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook