138Thứ Hai, 17/04/2023, 12:57
19 · Chương II - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 17/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN BA)

Hòa Thượng luôn nhắc chúng ta, người học Phật trước tiên phải đối trị tập khí, phiền não. Chúng ta giữ tâm bình lặng thì chúng ta sẽ nhận ra những tập khí, phiền não của mình. Thí dụ, chúng ta thường có tập khí thích khoe khoang, thích đề cao mình. Trong một số trường hợp, chúng ta cũng cần nói ra những việc mình đã làm nhưng chúng ta nói ra không phải là vì mình. Hơn mười năm về trước, khi tôi nhìn thấy một số Phật tử có một số hành động có thể làm xấu đi hình tượng của người Phật tử Việt Nam, tôi đã nói với mọi người tôi là Cư sĩ Vọng Tây để họ nghe theo những lời khuyên chân thành của tôi.

Sáng nay, tôi thức dậy trước khi chuông đồng hồ reo nhưng tôi đang mệt nên tôi vẫn muốn đi ngủ tiếp. Sau đó, tôi vẫn thức dậy đúng giờ, tôi lạy Phật một lúc thì tôi hoàn toàn tỉnh táo. Chúng ta có tập khí nào nặng thì chúng ta phải đặt chế độ cảnh báo sớm với những tập khí đó. Thí dụ, chúng ta ham ngủ, ham tiền thì chúng ta đặt chế độ cảnh báo sớm với những tập khí này. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta muốn chuyển đổi tập khí cũng không quá khó!”. Tập khí chính là thói quen đã hình thành từ rất lâu, chúng ta chỉ cần chuyển đổi những thói quen này là được. Thí dụ, chúng ta ham ăn, ham ngủ thì chúng ta tập dần để chuyển đổi những thói quen này. Nếu chúng ta tu học mà chúng ta không bắt đầu từ việc đối trị tập khí, phiền não thì điều đó chứng tỏ chúng ta chưa tu gì. Chúng ta cho rằng chúng ta tu hành 5 năm, 10 năm thì chúng ta đã là sư huynh, trưởng bối vậy thì chúng ta đã sai rồi!

Hôm qua, tôi ghé thăm hai người học trò cũ, họ là những người đầu tiên mà tôi từng dạy, hiện tại, họ cũng đã có danh tiếng. Điều khiến tôi vui là họ vẫn giữ được đạo Thầy trò, giữ được tâm cung kính, khiêm cung với mọi người. Trước đây, khi họ gặp tôi là họ lạy, sau hơn mười năm gặp lại tôi họ cũng vẫn lạy một cách cung kính. Khi tôi nằm nghỉ lưng thì họ quỳ xuống lạy, tôi ngồi dạy để ngăn cản nhưng họ vẫn quỳ một cách cung kính. Người có tâm cung kính với Thầy thì chắc chắn họ có tâm cung kính với tất cả chúng sanh. Nếu chúng ta không được nhắc nhở chúng ta cũng sẽ quên đi tâm cung kính, khiêm hạ với người.

Hòa Thượng thường nhắc chúng ta, tập khí “tham, sân, si, ngạo, mạn”, đố kỵ trong chúng ta rất lớn. Nếu chúng ta ngạo mạn, đố kỵ với Thầy của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ gây họa. Trước đây, những người học trò của tôi tu hành ở trên núi, sau khi họ học xong các bằng cấp thì họ được mọi người mời xuống thành phố để quản chúng. Sau khi nói chuyện, tôi khuyên họ, nên trở về núi để tiếp tục tinh tấn tu hành. Chúng ta tu hành tốt, chúng ta có công phu thì đó cũng chính là chúng ta đã thực hiện được sứ mạng cao cả. Nếu chúng ta không khéo dụng tâm thì “danh vọng lợi dưỡng” ở thế gian có thể phá hủy đạo tâm của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta phải quán chiếu để nhận ra những tập khí của mình. Dù chúng ta có thân phận, địa vị cao như thế nào, nếu chúng ta không quán chiếu thì chúng ta cũng sẽ không nhận ra sai lầm của mình. Giữa tôi và hai người học trò đó có sự tâm tâm tương thông, khi tôi vừa có thời gian rảnh là tôi nghĩ đến những người học trò cũ này.

Có những người tu hành nhiều năm nhưng họ không nhận ra họ vẫn đang ở trong “danh vọng lợi dưỡng”. Tập khí của chúng ta rất sâu dày chúng thể hiện dưới muôn dạng hình thức mà chúng ta không dễ nhận ra. Nếu chúng ta không chuyển đổi tập khí thì chúng ta tu hành, ngồi thiền, trì chú, niệm Phật cũng chỉ là kết duyên được với Phật chứ chúng ta không thể giải thoát. Nếu chúng ta may mắn gặp được những người Thầy tốt, những người học trò tốt thì họ sẽ nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực hơn. Nhà Phật nói: “Bạn lành nương cậy, Thầy tà tránh xa”. Bạn lành là những người đồng học với chúng ta. Tôi coi hai người học trò này như bạn đồng học.

Phật dạy chúng ta trước tiên phải đối trị với tập khí của chính mình. Nếu có người nhắc nhở chúng ta về những tập khí của mình thì chúng ta phải quán sát lại bản thân. Chúng ta may mắn thì chúng ta mới có người nhắc nhở, khi còn nhỏ, tôi giống như một cây ngô đồng, không có ai dạy dỗ, tôi may mắn được học với Hòa Thượng nên tôi mới biết cách đối trị tập khí, phiền não của chính mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook