63Chủ Nhật, 16/04/2023, 14:15
18 · Chương II - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 16/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

“CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN HAI)

Trong việc tu học Phật pháp vấn đề cốt lõi là chúng ta phải đối trị phiền não. Nếu chúng ta không đối trị phiền não thì chúng ta đã tu pháp của Ma. Người chân thật học Phật sẽ chú tâm đến việc đối trị tập khí, phiền não. Nhiều người cho rằng, chỉ cần họ quy y Phật thì họ sẽ được Phật che chở, bảo hộ. Họ chỉ lo cầu cúng, van xin nên họ đã làm mất đi hình tượng của người học Phật. Có những người mặc những bộ quần áo tu hành xộc xệch, đi khắp nơi, họ cho rằng họ làm như vậy để gieo duyên cho chúng sanh. Ngày nay, xã hội rất cần những tấm gương đức hạnh, chúng ta phải làm ra những tấm gương đức hạnh để người khác sinh tâm ngưỡng mộ.

Trong “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, Hòa Thượng nói: “Bố thí pháp một cách thiết thực nhất đó là chúng ta phải chân thật làm ra tấm gương để người khác sinh tâm ngưỡng mộ, kính trọng từ đó họ tự động, tự phát tìm đến học Phật”. Bố thí pháp không phải là chúng ta in ra nhiều Kinh sách để người khác đọc nhưng chúng ta không làm. Chúng ta làm ra tấm gương người khác thấy người học Phật tốt như vậy thì họ sẽ tìm hiểu những giáo huấn của nhà Phật.

Trên “Kinh Kim Cang” Phật cũng nói: “Nếu từ âm thanh, sắc tướng để cầu Như Lai thì không thể thấy Như Lai”. Chúng ta từ âm thanh, sắc tướng để thể hội lời Phật dạy, sau khi thể hội thì chúng ta phải tự thực hành.

Khi Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam còn tại thế, Ngài thường nhắc học trò: “Người tu hành phải thay đổi tâm”. Chúng ta là người học Phật, chúng ta phải chân thật thể hội được, chân thật làm được những điều Phật đã dạy. Chúng ta phải đối trị được tập khí, phiền não của chính mình. Nếu chúng ta không đối trị tập khí, phiền não mà chúng ta làm việc tốt thì chúng ta đang là người nhiều chuyện, chúng ta làm Phật sự thì Phật sự đó cũng trở thành Ma sự. Nếu chúng ta có thể chân thật làm Phật sự thì chúng sanh có được lợi ích, chính chúng ta cũng có được lợi ích. Người xưa nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc”. Chúng ta làm nhiều việc tốt nhưng chúng ta nhiều phiền não, vọng tưởng, chấp trước vậy thì việc tốt đó đã chướng ngại chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Tổng cương lĩnh của nhà Phật là chúng ta phải đối trị tập khí, phiền não của chính mình. Nếu ai nói chúng ta không cần phải đối trị tập khí, phiền não vậy thì họ là sứ giả của Ma”. Những ngày gần đây, tôi di chuyển nhiều nơi, tôi nhận thấy có rất nhiều người tin theo tà pháp. Hòa Thượng nói: “Mỗi chúng ta có 99,9% nguy cơ rơi vào tà tri, tà kiến”. Nhiều người cho rằng nếu họ làm theo lời Hòa Thượng dạy là phải buông xả “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì cuộc sống của họ sẽ không còn ý nghĩa. Nếu chúng ta tu hành mà chúng ta không khắc chế phiền não, dục vọng vậy thì chúng ta sẽ đi về cõi nào? Chắc chắn chúng ta không thể về được cõi Phật, cõi Bồ Tát thậm chí chúng ta không thể trở thành Thánh Hiền ở thế gian vậy thì chúng ta sẽ đi đến cõi Ngạ Quỷ. Người quân tử ở thế gian cũng đã là người: “Thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”.

Tổ Sư Ấn Quang dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Từ hơn 10 năm trước tôi cũng đã nhắc mọi người: “Tận trách nhiệm, sống chân thành, tâm thanh tịnh”. Câu này chúng ta có thể áp dụng ở mọi phương diện, mọi vai trò. Nếu chúng ta là một quân nhân thì chúng ta tận trung, giữ trách với Tổ quốc. Nếu chúng ta là một công nhân, một xe ôm công nghệ thì chúng ta vẫn cần tận trách nhiệm, sống chân thành, tâm thanh tịnh.

Hơn mười năm trước, khi có một người quân nhân đến thăm tôi, trước khi về tôi cũng tặng anh câu: “Tận trách nhiệm, sống chân thành, tâm thanh tịnh”. Chân thành với Tổ quốc, với nhiệm vụ của mình. Trong tâm thanh tịnh không có “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, không có phiền não, chấp trước. Nhiều người cho rằng khi họ tìm đến nơi yên tĩnh để niệm Phật thì tâm họ sẽ thanh tịnh. Có người trốn vào trong núi sâu để xây nhà nhưng họ vẫn kết nối Internet, điện thoại vẫn có 3G vậy thì tâm họ sẽ không thể thanh tịnh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook