Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 11/10/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 6
NHẮC NHỞ TIN SÂU NHÂN QUẢ
NÓI RÕ VỀ LÝ NHÂN QUẢ (BÀI HAI)
Nếu chúng ta hiểu rõ về lý nhân quả thì chúng ta sẽ cẩn trọng từ ngay khởi tâm động niệm của mình. Hằng ngày, thân tâm chúng ta vẫn đang cưỡng cầu vì chúng ta còn có “cái ta” và “cái của ta”. Nếu chúng ta tùy duyên thì chúng ta sẽ không có phiền não. Phật dạy chúng ta: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” nhưng chúng ta luôn cảm thấy mọi thứ là thật. Từ vô lượng quá khứ đến nay chúng ta luôn có tâm cảnh này. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý nhân quả, chúng ta gieo nhân nào thì chúng ta sẽ nhận quả đó. Hòa Thượng nói: “Lưới trời lồng lộng không sót một mảy trần”. Chúng ta khởi một ý niệm thiện hay một ý niệm ác rất nhỏ thì chúng ta cũng phải nhận lấy quả. Tập khí xấu ác của chúng ta rất sâu dày vì vậy chúng ta biết những lời dạy của Phật Bồ Tát nhưng chúng ta vẫn làm sai. Trong “Kinh Địa Tạng” Phật nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là ác”. Hằng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm nghĩ đến mình hay chúng ta nghĩ đến người khác nhiều hơn? Ý niệm nghĩ về mình chính là ý niệm ác.
Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Chúng sanh thời Mạt pháp bất kính Tam Bảo, bất hiếu Cha Mẹ, không làm việc thiện, chuyên làm việc ác”. Câu nói này đã phản ánh rất chân thật tâm trạng của chúng sanh thời Mạt pháp. “Tam bảo” là Phật - Pháp - Tăng. Trên sự, “Pháp” là Kinh pháp, “Tăng” là người xuất gia. Trên lý, thì Phật - Pháp - Tăng là Giác - Chánh - Tịnh. Giác - Chánh - Tịnh là giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Nếu chúng ta không làm được những điều này thì chúng ta đã bất kính, phỉ báng Tam Bảo. Chúng ta làm phiền lòng chúng sanh là chúng ta đã bất hiếu, bất kính. Hằng ngày, chúng ta vẫn chìm đắm trong Mê - Tà - Nhiễm, chúng ta làm mọi việc trong mơ hồ, không biết rõ kết quả. Người giác thì họ sẽ biết kết quả của mọi việc một cách rõ ràng. Điều này giống như, chúng ta trồng một hạt dưa, chúng ta chọn hạt giống tốt, chăm sóc đúng quy trình thì chắc chắn chúng ta sẽ có những trái dưa ngon.
Hằng ngày, chúng ta muốn có phước, muốn khoẻ mạnh, sống lâu thì chúng ta phải nỗ lực làm, chúng ta cầu xin cũng không thể có được. Phật dạy chúng ta muốn có tiền tài thì phải bố thí tiền tài, muốn có trí tuệ thì bố thí pháp, muốn có sức khoẻ thì phải bố thí vô uý. “Bố thí vô uý” là bố thí sự an lành, che chở cho chúng sanh. Nếu chúng ta đến nơi nào, chúng ta cũng khiến người nơi đó cảm thấy họ sẽ bị thiệt thòi thì chúng ta sẽ không thể có cuộc sống an lành. Luật nhân quả không phải do Phật sáng tạo ra mà đó là quy luật của vũ trụ, Phật chỉ nói ra cho chúng ta hiểu. Chúng ta trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, gieo nhân yêu thương thì được yêu thương, gieo nhân tang tóc thì phải nhận tang tóc. Chúng ta hiểu rõ đạo lý nhân quả thì tâm chúng ta sẽ rất an. Trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế hàng ngày chúng ta thuận theo nhân quả thì mọi việc đều sẽ tốt đẹp. Người hiểu rõ nhân quả thì trong thuận cảnh họ không cảm thấy vui, trong nghịch cảnh họ cũng không cảm thấy buồn, vì họ hiểu rằng tất cả là do chúng ta “tự tác tự thọ”, chúng ta tự làm tự chịu.
Hòa Thượng nói: “Người hiện tại mong cầu danh lợi nên họ không từ mọi thủ đoạn để tranh đoạt của người khác, làm những việc tổn người lợi mình”. Người hiện tại không biết rằng tất cả đều do sự an bài của định mệnh, do phước báu trong vận mạng đã định. Người xưa nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do phước báu trong vận mạng của chúng ta đã định. Người xưa cũng nói: “Để tiền lại cho con chắc gì con đã biết giữ, để sách lại cho con chắc gì con đã đọc, chi bằng trong âm thầm để lại âm đức cho con thì đời đời con cháu ấm no”. “Âm đức” là những việc làm giúp ích cho chúng sanh, có những việc làm của chúng ta có ảnh hưởng ngay lúc đó, nhưng có những việc có sức ảnh hưởng dài lâu. Người thế gian cũng nói: “Cho người con cá không bằng cho họ cần câu”. Chúng ta phải dạy cho người cách làm chứ chúng ta không chỉ cho họ cơm gạo, áo tiền. Chúng ta phải nói để họ hiểu họ không có cơm ăn, áo mặc là vì họ không có phước.