80Thứ Tư, 04/10/2023, 10:04
180 · Khuyến Tấn Hành Giả Nỗ Lực - 8

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 04/10/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC

(BÀI TÁM)

Phật Bồ Tát khuyên chúng ta “tự hành hoá tha”. Chúng ta nỗ lực tu hành, cải đổi triệt để tập khí, phiền não và dùng thân giáo để diễn pháp cho chúng sanh. Chúng ta dùng thân giáo để diễn lại ngôn giáo, dùng ngôn giáo diễn lại những điều chúng ta đã làm. Hôm qua, tôi nhìn thấy trên báo có hình ảnh hai cô giáo đánh nhau trước mặt các con, đây là hậu quả của việc các cô không có sự tu dưỡng phẩm đức. Chúng ta là người học Phật nếu chúng ta không làm ra những tấm gương chuẩn mực thì xã hội không có tấm gương. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Học vi nhân sư hành vi thế phạm”. Chúng ta học để làm Thầy người, làm để làm mô phạm cho người.

Người xưa nói: “Con người không phải Thánh Hiền, không thể không có lỗi. Người có lỗi mà nỗ lực sửa lỗi thì không còn gì tốt bằng!”. Chúng ta là phàm phu chắc chắn chúng ta có lỗi lầm nhưng chúng ta phải nhận ra lỗi lầm và nỗ lực cải đổi. Hay người xưa cũng nói: “Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”. Người biết sửa đổi lỗi thì vàng cũng không đổi. Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng giữ tâm lý cầu may là mọi chuyện rồi sẽ tốt!”. Chúng ta phải nỗ lực sửa đổi tập khí xấu ác của mình. Nếu chúng ta mong một ngày nào đó mình tự nhiên sẽ tốt thì chúng ta sẽ không có ngày đó. Chúng ta không thay đổi tập khí xấu ác thì tai nạn chắc chắn sẽ đến. Hôm qua, tôi gọi điện hỏi thăm một người, khi họ đi xe trong vườn sầu riêng thì một quả sầu riêng cuốn vào bánh xe của họ nên họ bị ngã xe, chân của họ bị đứt dây chằng, họ đang phải chống nạng, họ nói đây là “sinh nghề tử nghiệp”. Họ hiểu việc mình đang làm là sai nhưng họ không thể sửa được lỗi của mình. Chúng ta tiếp tục tạo nghiệp ác thì chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ phải thọ báo.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng giữ tâm lý cầu may là mọi chuyện rồi sẽ tốt! Tâm lý cầu may không tương ưng với tinh thần hoằng nguyện của Phật giáo Đại Thừa”. “Tinh thần hoằng nguyện” của Phật giáo Đại Thừa là chúng ta phải nỗ lực vượt qua, đoạn hết những tập khí xấu ác, nỗ lực “đoạn ác, tu thiện”. Tập khí lười biếng, nhếch nhác, chểnh mảng của chúng ta chính là ác. Nếu Tổ Sư Đại Đức không dũng mãnh, tinh tấn, dùng thân mình để hoằng dương Phật pháp thì ngày nay, chúng ta không thể có Phật pháp để học.

Tôi nhìn thấy hình ảnh, khi người Việt Nam sang các quốc gia châu Phi tặng người dân ở đây một chiếc nồi nhôm thì những người dân này đã cảm thấy vô cùng sung sướng. Nhiều người ở châu Phi vẫn sống cuộc sống hoang dại, ăn các loại thân cây, không biết trồng trọt, đào giếng. Khi các phiến quân nhìn thấy hình ảnh lá cờ Việt Nam thì họ đều hạ súng xuống vì họ biết chúng ta sang để giúp họ. Nếu chúng ta nói Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền cho những người ở đó thì họ sẽ rất khó tiếp nhận. Khi tôi nhìn hình ảnh những người Việt Nam đang làm tình nguyện ở đó tôi rất cảm xúc, tôi thấy mình không làm được như họ. Nếu chúng ta ngày ngày đối trước Phật nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” mà phiền não, tập khí của chúng ta vẫn còn nguyên thì đó là chúng ta đang gạt Phật. Rất nhiều chúng sanh đang cần được chúng ta độ, bây giờ chúng ta không từ bi, yêu thương mà chúng ta mong một ngày chúng ta có thể phát được tâm đại từ bi thì chúng ta sẽ không bao giờ có ngày đó! Người xưa nói: “Đối với người thì chúng ta phải tha thứ, đối với mình thì chúng ta phải đuổi cùng, diệt tận tập khí xấu ác của mình”.

Chúng ta phải tường tận, rõ ràng trong mọi việc. Chúng ta phải biết một ngày chúng ta đang làm gì, chúng ta có những sai phạm gì, chúng ta đã làm được gì để lợi ích chúng sanh. Sau khi tôi tắt máy xe ô-tô, tôi luôn phản tỉnh xem trong hành trình vừa qua tôi có sai phạm gì không, tôi có không nhường đường hay làm chúng sanh nào phiền não không. Chúng ta phải kiểm soát hành trình chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ của chính mình, đây là hành trình cả cuộc đời của chúng ta. Lời nói, hành động của chúng ta mơ hồ, bất tri bất giác thì chúng ta giống như Hoà Thượng Tuyên Hóa nói: “Chúng ta mơ mơ, hồ hồ thì chúng ta nhất định đi về thế giới mơ mơ, hồ hồ. Chúng ta minh minh, bạch bạch thì chúng ta sẽ đi về thế giới minh minh, bạch bạch”. Chúng ta mơ mơ, hồ hồ thì chúng ta sẽ không cảm nhận thấy những chúng sanh đang đau khổ, không nhận ra chúng ta đang làm chúng sanh phiền não.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook