167Thứ Bảy, 15/04/2023, 17:01
17 · Chương II - Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 15/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ NIỆM PHẬT”

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO (PHẦN MỘT)

Hòa Thượng nói: “Khi Lão sư Lý còn tại thế, Ngài thường dạy rằng: “Người tu hành phải thay đổi tâm. Tâm chúng ta tốt thì hành vi của chúng ta liền sẽ tốt”. Chúng ta quán chiếu, chúng ta tu hành chúng ta đã chân thật thay đổi tâm chưa? Tâm chúng sanh chúng ta luôn nhỏ hẹp, nhỏ hẹp đến mức chỉ có ta, chúng ta không thể dung chứa được người khác. Chúng ta phải mở rộng tâm yêu thương đến tất cả mọi người. Chúng ta yêu thương gia đình của mình thì chúng ta mở rộng tâm yêu thương tất cả những gia đình khác. Chúng ta yêu thương con của mình thì chúng ta mở rộng tâm yêu thương con của tất cả mọi người trong thiên hạ. Chúng ta muốn gia đình mình hạnh phúc thì chúng ta cũng muốn tất cả những gia đình khác cũng sẽ hạnh phúc.

Tâm chúng ta cải đổi rồi thì hành vi của chúng ta liền sẽ tốt. Đây chính là điểm mấu chốt trong tu hành. Nhiều người cố gắng tìm đến những nơi tĩnh lặng nhưng ở đó, tâm họ vẫn đầy phiền não. Lão sư Lý Bỉnh Nam đã dạy chúng ta một câu rất đơn giản: “Tu hành nhân, yếu cải tâm”. “Yếu” là cần thiết. “Cải” là thay đổi. Người tu hành cần phải thay đổi tâm của mình. Hòa Thượng cũng nhắc chúng ta mở rộng tâm của chúng ta rộng lớn đến hết mức có thể. Chúng ta yêu thương con, yêu thương vợ, yêu thương gia đình của mình thì chúng ta mở rộng tình yêu đó ra đến tất cả mọi người. Tâm chúng ta mở rộng được đến mức độ nào thì công phu của chúng ta mở rộng đến mức đó.

Hòa Thượng nói: “Từ bi khắp pháp giới. Thiện ý khắp nhân gian”. Nếu chúng ta mở rộng được tâm như vậy thì tâm của chúng ta chính là tâm Phật. Chúng ta học Phật là để chúng ta làm Phật. Hiện tại chúng ta chưa làm được Phật vì tâm chúng ta chưa mở rộng được, nếu chúng ta mở rộng được tâm thì cảnh giới nội tâm của chúng ta cũng giống như cảnh giới nội tâm của các các bậc Bồ Tát. Cảnh giới nội tâm của các bậc Bồ Tát có từ sơ quả đến đẳng giác Bồ Tát.

Chúng ta phải từ nơi tâm mà thay đổi, tâm chúng ta thay đổi tốt thì hành động của chúng ta tự nhiên tốt. Chúng ta khởi tâm động niệm tốt thì cách đối nhân xử thế của chúng ta cũng sẽ tốt. Chúng ta không thay đổi tâm thì chúng ta làm mọi việc đều gặp chướng ngại. Chúng ta tưởng rằng chướng ngại là do người khác mang đến mà chúng ta không biết rằng chướng ngại từ tâm của chính chúng ta. Trong chúng ta không có người nào giỏi hơn người nào, điều quan trọng là chúng ta phải nghe lời, thật làm.

Tôi quan tâm đến người nhà của tôi ở một chừng mực nhất định nhưng tôi quan tâm đến người ngoài còn gấp 10 lần thậm chí gấp 100 lần. Đó chính là chúng ta tập thay đổi tâm. Chúng ta chỉ nói mà chúng ta không làm thì chúng ta không thể nói một cách mạnh mẽ. Chúng ta nói và làm tương ưng thì chúng ta sẽ nói một cách rất mạnh mẽ. Đa phần người học Phật mong cầu sự cảm ứng kỳ diệu, họ không biết rằng nội tâm chúng ta đã có tất cả, nội tâm chúng ta chính là sự cảm ứng kỳ diệu. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. Nội tâm của chúng ta kỳ diệu đến mức chúng ta có thể làm Phật. Có những người có một chút tài lẻ, nói năng lưu loát, làm được một chút việc hơn người, đạt được bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ nên họ cho rằng mình tài giỏi. Họ không biết rằng trong tâm chúng ta có sẵn trí tuệ, năng lực, đức tướng của Phật. Trí tuệ, năng lực, đức tướng của Phật là tròn đầy như một vầng trăng sáng, còn trí tuệ, năng lực, đức tướng của chúng ta bị tham, sân, si che lấp.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ thay đổi trên hành vi thì đó là chúng ta chỉ thay đổi ở biểu hiện ở bên ngoài, nội tâm chúng ta vẫn là vọng tưởng, chấp trước. Chúng ta thường chỉ biểu hiện trên hình tướng nhưng chúng ta cho rằng chúng ta gạt được người khác!”. Chúng ta không thể gạt được người khác nếu chúng ta chỉ làm giả bộ thì người khác nhìn vào sẽ nhận ra ngay.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta vẫn cứ là vô tích sự! Chúng ta không giúp được cho mình mà cũng không giúp gì cho người. Điều then chốt nhất là chúng ta phải thay đổi nội tâm của mình!”. “Thay đổi nội tâm” không phải là chúng ta mang một cái mới vào, mà là chúng ta phải mở rộng tâm. Trước đây, tâm chúng ta chỉ mở vừa đủ, chứa riêng “cái ta”, hiện tại, chúng ta phải chuyển đổi từ cái ta nhỏ bé thành cái ta rộng lớn. Khi đó, tất cả mọi người là ta, ta là tất cả mọi người.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook