Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm ngày 28/09/2023.
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ
KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC
Như chúng ta đã học qua, mỗi một chương đều có khuyến tấn hành giả nỗ lực. Mỗi chúng ta căn tánh thấp kém, thể lực suy nhược cho nên rất khó để mà tự nỗ lực, thậm chí chúng ta được khuyến tấn nhắc nhở nhiều lần nhưng chúng ta không thể tự nỗ lực. Cho nên, các bậc Tổ sư đại đức khuyến khích chúng ta phải nương chúng, dựa vào chúng để mà cùng nhau sách tấn tu học.
Ví như lớp học online của chúng ta đây cũng chính là nương chúng, dựa vào chúng. Mỗi sáng sớm nhìn những màn hình vắng người thì những người khác sẽ biết được những người hôm nay vắng mặt, cũng có thể nhắc nhở nhau một vài câu, hoặc hỏi thăm nhau vì sao hôm nay không có mặt. Đó cũng chính là nương chúng, dựa vào chúng. Cho nên chúng ta thấy mỗi một chương trong “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, Hòa Thượng đều khuyến tấn chúng ta nỗ lực. Với căn tánh chúng ta thời Mạt Pháp, có nỗ lực còn không có được thành tựu chứ đừng nói gì là không nỗ lực. Người xưa không cần phải nỗ lực, tự nhiên tự tại làm việc rất dễ dàng, nói buông xả thì buông xả, nói làm thì làm hết sức mạnh mẽ. Còn chúng ta có nỗ lực để làm thì làm cũng không ra được kết quả, chứ nếu không nỗ lực thì chắc chắn sẽ bị tập khí phiền não lôi kéo. Hàng ngày, danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, hưởng thụ năm dục sáu trần bó chặt chúng ta, nó sai xử chúng ta. Cho nên Hòa Thượng nhắc chúng ta phải đặc biệt dũng mãnh tinh tấn, tinh tấn một cách dũng mãnh đặc biệt chứ không thể tinh tấn bình thường được.
Chư Phật Bồ Tát, chư Tổ sư đại đức đều kỳ vọng chúng ta phải trải qua một đời sống như Phật như Bồ Tát, đấy là chỗ bình đẳng của Phật pháp. Phật Bồ Tát không muốn chúng ta chỉ là đệ tử của Phật, mà Phật Bồ Tát muốn chúng ta trải qua đời sống như Phật như Bồ Tát. Nhà Phật có câu “Phật Phật đạo đồng”, nếu đạt được quả vị của Phật của bồ Tát thì chúng ta cũng y hệt Phật Bồ Tát, y hàng với Phật Bồ Tát, có đời sống có năng lực y như Phật không hề sai khác, năng lực tiếp độ chúng sanh rộng đến vô lượng vô biên cũng giống như chư Phật không hề sai khác. Quan trọng nhất là chúng ta phải quay về được tự tánh thanh tịnh của chính mình. Khi chúng ta mới nghe từ này, chúng ta cảm thấy khó hiểu, nhưng thực sự là rất dễ hiểu. Bấy lâu nay chúng ta có sống với chính mình đâu, sống với tập khí phiền não ô nhiễm mà hoàn toàn không sống với chính mình, luôn luôn chìm đắm trong buồn vui thương ghét giận hờn, tốt xấu, thành bại được mất.
Cho nên tu học Phật chính là phải quay về với tự tánh thanh tịnh của chính mình, nơi tự tánh này không có sanh tử, không có luân hồi. Chúng ta mãi chạy theo tập khí xấu ác của mình cho nên mình bị sai xử, rồi mình bị trôi lăn trong vòng sanh tử, hoàn toàn không tự chủ được. Hàng ngày chúng ta thấy mình bị cái ăn cái ngủ bức bách, bị cái buồn cái vui bức bách, rồi bị cái khổ bức bách. Có bao giờ chúng ta thấy chúng ta tự tại đâu, luôn luôn bị bức bách bởi những chuyện tác động ở ngoại cảnh. Điển hình như bây giờ, “Ôi hôm này trời nóng quá! Ôi hôm nay trời lạnh quá”, hoàn toàn ta không hề có sự tự chủ.
Cho nên, chư Phật Bồ Tát đến thế gian này, các bậc Tổ sư đại đức đến thế gian này, không gì ngoài giúp chúng ta hồi phục lại chính mình mà thôi. Cho nên chúng ta phải biết mỗi người phải tự nỗ lực, không thể ỷ lại, không thể nương nhờ. Nếu chúng ta muốn vượt qua tập khí phiền não của mình thì chúng ta phải nỗ lực. Như chuyện vượt qua tập khí tầm thường thôi, hàng ngày ăn uống ngủ nghỉ đều phải tự mình nỗ lực.
Tôi thấy có nhiều người ngày ngày cầu xin: “Phật ơi, Phật từ bi Phật cho con tinh tấn hơn”. Làm sao mà tinh tấn được khi mình không muốn tinh tấn! Họ xin xỏ: “Phật ơi, Phật gia hộ cho con bớt tham đi”. Họ suốt ngày cầu xin Phật cho bớt tham, bớt tham ăn, bớt tham ngủ, bớt tham tiền, bớt tham danh vọng lợi dưỡng. Vậy có được không? Những thứ đó phải chính mình nỗ lực mà đoạn tuyệt với nó. Hàng ngày chỉ cầu nguyện van xin thì làm sao mà làm được, Phật Bồ Tát cũng không làm được.
Cho nên muốn thay đổi chính mình thì chính mình phải nỗ lực, mỗi người phải có ý chí, phải có trí tuệ. Bây giờ chúng ta không có ý chí thì chúng ta học ý chí của Thánh Hiền của Phật Bồ Tát, chúng ta phải nương nhờ vào trí tuệ của Phật, của Bồ Tát. Ta không có trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh hiền thì ta nương vào trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Đây chính là vì sao chúng ta phải học Phật Bồ Tát, học Thánh Hiền.