Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 27/09/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
KHUYẾN TẤN HÀNH GIẢ NỖ LỰC
(BÀI MỘT)
Phật Bồ Tát và Tổ Sư Đại Đức biết chúng ta giải đãi, dễ lui sụt nên các Ngài không ngừng nhắc nhở chúng ta nỗ lực. Thời gian của sinh mạng rất ngắn ngủi nên Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dũng mãnh tinh tấn một cách đặc biệt!”. Nếu thời gian sinh mạng hết mà tập khí, phiền não của chúng ta vẫn y nguyên thì chúng ta giống như Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “Chúng ta đáng sinh tử như thế nào thì chúng ta vẫn phải sinh tử như thế đó! Chúng ta đáng luân hồi như thế nào thì chúng ta vẫn phải luân hồi như thế đó!”. Nếu không có sự nhắc nhở của các Ngài thì chỉ một khoảng thời gian ngắn thì chúng ta sẽ lui sụt. Người xưa cần cầu được nghe Phật pháp, họ có thể đánh đổi sinh mạng, tài sản để được nghe lời giáo huấn của Phật, người ngày nay cho rằng, hôm nay chúng ta không nghe thì ngày mai chúng ta nghe nên chúng ta dần dần thoái lui.
Hòa Thượng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Chúng ta may mắn có được thân người, có cơ hội được nghe Phật pháp vậy thì chúng ta nên trân trọng, quý tiếc nhân duyên thù thắng này!”. Chúng ta chân thật quý tiếc nhân duyên thù thắng này thì chúng ta sẽ không lười biếng, chểnh mảng. Chúng ta có được thân người không đơn giản! Một lần tôi đến một cánh rừng, khi tôi nhìn thấy đàn kiến di chuyển, tôi cảm thấy nổi da gà, số lượng kiến đông vô số kể, nếu một con bò nằm trên đường đàn kiến đi qua thì trong thời gian ngắn con bò sẽ chỉ còn lại bộ xương trắng. Số lượng chúng sanh không có thân người nhiều đến vô lượng, vô biên. Chúng ta có được thân người khó giống như con rùa biển mù, một trăm năm mới nổi lên mặt biển một lần mà có thể chui đầu qua bọng cây. Chúng ta có thân người, được nghe Phật pháp là khó ở trong khó!
Chúng ta theo học với Hòa Thượng Tịnh Không, cả đời Ngài chỉ là hy sinh phụng hiến nhưng vẫn có người phỉ báng, chê trách Ngài, đây chính là, ngày nay, Phật pháp không dễ có thể nghe! Hòa Thượng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên”. Người khác nói lời chân thật thì chúng ta không muốn nghe, người thế gian những nói lời giúp chúng ta thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần” thì chúng ta ưa thích. Chúng ta gặp thuận cảnh thì ưa thích, gặp nghịch cảnh chúng ta tìm cách tránh né, đây là trong âm thầm, chúng ta vẫn thích chọn thuận cảnh! Thuận cảnh hay nghịch cảnh là do phước báu trong vận mạng của chúng ta đã định. Thánh Hiền ở thế gian cũng nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một giọt nước, một bữa ăn cũng do phước báu trong vận mạng đã định. Chúng ta có nhiều phước báu thì vận mạng chúng ta tốt, chúng ta không đủ phước báu thì vận mạng chúng ta xấu. Người thế gian thường cần cầu, cúng bái để có được phước báu. Có nhiều người người đến Ngũ Đài Sơn chiêm bái nhưng họ không nhìn thấy Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền. Ngày trước có ba vị Hòa Thượng đến chiêm bái Ngũ Đài Sơn, một vị nhìn thấy Bồ Tát Quán Âm mặc bộ quần áo màu trắng, một người nhìn thấy Ngài mặc bộ quần áo của người tu hành, ba vị nhìn thấy Quan Âm Bồ Tát trong ba thân tướng khác nhau. Do nghiệp lực, do công phu tu hành của mỗi người khác nhau nên có sự chiêu cảm khác nhau. Tự tánh của chúng ta vốn dĩ thanh tịnh, thuần tịnh, thuần thiện, chúng ta trở về với tự tánh thanh tịnh thì chúng ta sẽ có đầy đủ năng lực, trí tuệ, tướng hảo của Phật Bồ Tát.
Nhà Phật nói: “Dĩ âm thanh cầu ngã, dĩ sắc tướng cầu ngã, bất năng kiến Như Lai”. Dùng âm thanh, sắc tướng cầu Phật Như Lai thì sẽ không thấy được Ngài. Chúng ta trở về với tự tánh thanh tịnh thì chúng ta có đầy đủ trí tuệ, tướng hảo của Phật. Ngài Lục Tổ Huệ Năng cũng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ, nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp”. “Năng sanh vạn pháp” là nhiều việc chúng ta tưởng mình không biết cách làm nhưng khi chúng ta bắt đầu làm thì chúng ta có thể làm được. Nhiều việc tôi tưởng mình không làm được nhưng sau đó tôi có thể làm tốt đây là tôi đã có một chút chứng nghiệm. Hòa Thượng nói: “Hằng ngày, nếu chúng ta vẫn xem tivi thì chúng ta nên dán lên tivi dòng chữ “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh”. Tất cả cảnh trên Tivi cũng giống như bọt nước, sấm chớp đều là không thật. Trên một màn hình tivi có đủ cảnh người khóc, người cười, cảnh vui, cảnh đau thương, tang tóc, thế gian này cũng là như vậy! Phật dạy chúng ta phải quay về với tự tánh thanh tịnh, tìm cầu ở nơi tự tánh, trong tự tánh của chúng ta đầy đủ những bảo tàng vô giá.
Hòa Thượng nói: “Ngày nay, chúng ta hiểu được những đạo lý Phật nói nhưng chúng ta vẫn làm không được, đây là chúng ta giải ngộ nhưng chưa chứng ngộ. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “ Giải ngộ không hữu dụng”, nếu chúng ta chỉ giải ngộ thì: “Chúng ta đáng sinh tử như thế nào thì chúng ta vẫn phải sinh tử như thế đó, chúng ta đáng luân hồi như thế nào thì chúng ta vẫn phải luân hồi như thế đó!”, chúng ta không cách nào thoát khỏi luân hồi”. Chúng ta phải “chứng ngộ”, nghĩa là chúng ta phải thật làm. Phật pháp là để tu, để thực tiễn ngay trong đời sống, nếu chúng ta chỉ hiểu mà không làm thì chúng ta không có được tác dụng. Chúng ta hiểu rõ bố thí tiền tài thì chúng ta m sẽ có tiền tài, chúng ta bố thí pháp thì chúng ta sẽ được thông minh, trí tuệ, chúng ta bố thí vô ý thì chúng ta được khoẻ mạnh, sống lâu nhưng chúng ta không làm! Chúng ta biết rõ cho đi sẽ được nhận nhưng chúng ta cho đi rất ít, chúng ta sợ cho đi hết thì khi chúng ta bị bệnh khổ, chúng ta sẽ không có tiền mua thuốc. Hòa Thượng nói: “Chúng ta dể dành tiền dưỡng bệnh thì chắc chắn cơ thể chúng ta sẽ bệnh để chúng ta được uống thuốc!”. Chúng ta biết thời gian sinh mạng rất ngắn ngủi nhưng chúng ta vẫn chểnh mảng, tuỳ tiện chìm đắm trong được mất hơn thua.
Hòa Thượng nói: “Năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật ở đời thị hiện ra tấm gương rất tốt, chúng ta phải tỉ mỉ thể hội, học tập từ Ngài. Ngay trong đời này, chúng ta phải trải qua đời sống của Phật Bồ Tát, chúng ta trải qua đời sống của Phật Bồ Tát vậy thì chúng ta thành Phật, thành Bồ Tát rồi! Đây là kỳ vọng của chư Phật Như Lai đối với chúng ta! Ngay trong đời này chúng ta nhất định có thể chứng được. Chúng ta chỉ cần chân thật “y giáo phụng hành” thì chúng ta có thể trải qua đời sống thanh đạm, hết mình vì chúng sanh như Phật”. Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm đi khắp nơi giảng dạy cho tất cả các tầng lớp, từ vua chúa đến tầng lớp bần hàn, tất cả các tầng lớp đều bình đẳng được độ. Ngài tiếp nhận một cách bình đẳng sự đãi ngộ của vua hay sự cúng dường của những người nghèo, sự đãi ngộ tốt như thế nào thì Ngài cũng chọn cho mình đời sống ba y, một bát, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm.
Khi tôi còn nhỏ, tôi rất xúc động khi xem vở Kịch nói về cuộc đời Đức Phật, trong đó có cảnh, khi người hầu báo với vua Tịnh Phạn là Đức Phật dẫn đệ tử đi ăn xin ngoài phố nhà vua lập tức triệu tập Đức Phật về. Vua Tịnh Phạn nói Phật dẫn đệ tử về cung điện để vua nuôi, dòng họ Thích là dòng họ danh giá nên Phật không thể làm những việc như vậy! Đức Phật nói, chúng con không ăn xin mà đó là chúng con hoá độ chúng sanh, chúng con tạo duyên lành để chúng sanh kết duyên với Phật pháp.
Hòa Thượng đã làm ra tấm gương cho chúng ta, khi Hòa Thượng đến Đài Loan, Ngài ở trong hoàn cảnh “tứ cố vô thân”, một thân một mình ở xứ người, cả cuộc đời Ngài không quản tiền, không quản việc, không quản người nhưng Ngài vẫn làm được rất nhiều việc lợi ích chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Hơn 30 năm rồi tôi không biết tiền là gì!”. Khi Ngài bần hàn hay khi Ngài có sự cúng dường của mười phương tín chúng thì Ngài vẫn chọn cho mình một đời sống giản dị, thanh tịnh.
Hòa Thượng nói: “Những điều Phật dạy chúng ta làm chúng ta chăm chỉ làm, những điều Phật không cho phép chúng ta làm chúng ta nhất định không làm thì chúng ta sẽ chứng thật sự thật trên Kinh đã nói, chúng ta sẽ đạt được sự thọ dụng từ Phật pháp”. Chúng ta không thật làm thì chúng ta không chân thật cảm nhận được sự thọ dụng của Phật pháp. Nửa tháng nay, tôi ở Đà Nẵng, tôi làm việc rất nặng nhọc nhưng trong tân tôi cảm thấy rất vui, người khác nhìn thấy thì họ sẽ cảm thấy tôi đang rất khổ cực. Nếu chúng ta dành nửa tháng đi du lịch thì chúng ta đã lãng phí thời gian của sinh mạng. Thầy thuốc bấm huyệt có thể đả thông kinh mạch, chữa bệnh cho người nhưng Thầy thuốc không thể chữa để giúp mọi người không ly dị. Sau khi tham gia buổi lễ tri ân chúng ta tổ chức rất nhiều cặp vợ chồng đã hoá giải được mâu thuẫn, quay trở lại với nhau.
Hòa Thượng nói: “Nếu người thế gian có thể giải quyết tất cả mọi việc thì Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đã không đến thế gian!”. Rất nhiều việc người thế gian không thể giải quyết nên các Ngài phải xuất hiện ở thế gian. Chúng ta học Phật chúng ta phải thật làm, chúng ta thường chỉ nghe mà không thật làm, chúng ta chìm đắm, thoả mãn tập khí, phiền não nên chúng ta vẫn buồn phiền, khổ đau. Hằng ngày, chúng ta vẫn chìm đắm trong ảo danh, ảo vọng. Nhiều người đi siêu thị rất thích mua những đồ được tặng kèm quà, nhiều người xếp hàng để mua điện thoại Iphone mới, tôi thường nói: “Cho tôi, tôi cũng không thèm lấy!”. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta tìm cầu nhiều thứ nhưng chúng ta không tìm cầu sự giải thoát cho mình và cho chúng sanh. Chúng ta đang trải qua đời sống của một phàm phu hay chúng ta đang trải qua đời sống giống như Phật Bồ Tát?
Hòa Thượng nói: “Quân tử ở thế gian thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân. Chúng ta học Phật mà ngay đến quân tử mà chúng ta không làm được thì làm sao chúng ta làm được Phật Bồ Tát!”. Quân tử là bậc thấp nhất trong các bậc Thánh Hiền ở thế gian, ở thế gian, quân tử rồi đến hiền nhân, thánh nhân. Chúng ta thích thuận cảnh, thích được đãi ngộ tốt thì đây là chúng ta thích lợi, chúng ta không nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Tổ Sư Ấn Quang, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Hoà Thượng Tịnh Không đã làm ra tấm gương cho chúng ta, các Ngài cả đời tận tâm, tận lực vì chúng sanh, cho dù có nhiều đãi ngộ nhưng các Ngài chỉ trải qua đời sống mức thấp nhất, ăn đủ no, mặc đủ ấm, có nơi để sống là được!
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!