119Thứ Bảy, 23/09/2023, 13:11

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 23/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI MƯỜI BA )

Hòa Thượng nói: “Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người, khéo giữ thân nghiệp bất phạm oai nghi, khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm”. Chúng ta đã thực tiễn được ba câu nói này chưa?”. Hằng ngày, chúng ta thường tuỳ tiện, phóng túng trong cách khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật. Chúng ta không kiểm soát được ba nghiệp thì thân tâm chúng ta không thanh tịnh, nếu thân tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta làm Phật sự, Phật sự cũng trở thành Ma sự. Hàng ngày, chúng ta làm Ma sự, làm việc của Ma thì chúng ta sẽ phiền não, chướng ngại. Chúng ta luôn làm theo tập khí, phiền não: Thân thì sát, đạo, dâm vọng; Miệng thì nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt; Ý thì tham, sân, si. Chúng ta tu học mà chúng ta không có được lợi ích thì chúng ta sẽ quay lại oán trách Phật, oán trách Thánh Hiền chúng ta sẽ trở thành đồ chúng của Ma. Nhiều người huỷ báng Phật, hủy báng Thánh Hiền lại đã từng là người học Phật, học đạo đức Thánh Hiền.

Xã hội càng hiện đại thì con người càng bị cám dỗ, ô nhiễm bởi vật chất, xa lìa với tự tánh thanh tịnh. Hôm qua, có người nói với tôi, Mẹ của họ 91 tuổi nhưng một năm họ chỉ về thăm Mẹ được một lần, người Mẹ luôn hỏi người con khi nào sẽ về, lúc nào về thì nhớ ấn chuông cửa. Những người Mẹ luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ con. Có rất nhiều người mong được đến sống ở nước Mỹ vì họ cho rằng ở đó họ sẽ có đời sống vật chất đầy đủ. Chúng ta phải biết rằng, tất cả đều do phước trong vận mạng của chúng ta quyết định. Nếu trong vận mạng chúng ta không có mà chúng ta mượn trước để dùng thì sau này chúng ta sẽ phải trả. Điều bày giống như chúng ta dùng thẻ ngân hàng tiêu trước trả sau. Người xưa nói: “Người phước ở đất phước”. Hôm trước, đảo Hawaii nơi ở của những người rất giàu có cũng bị cháy, rất nhiều người mất nhà, mất mạng. Nhiều người không hiểu rằng: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”. Một bữa ăn, một ngụm nước đều do phước trong vận mạng của chúng ta đã định. Chúng ta tích cực tạo phước, chúng ta có phước thì đất chúng ta đang ở cũng sẽ tự sinh phước. Nhiều người càng học Phật càng có nhiều tham cầu, vọng tưởng, càng xa với Phật hơn!

Đời sống của Thánh Hiền rất thanh cao, giản dị. Ngài Nhan Hồi ăn cơm bằng rá trúc, uống nước bằng phễu tre nhưng Ngài Khổng Tử nói: “Nhan Hồi không muốn thay đổi niềm vui đó!”. Nhiều người sống trong nhà cao, cửa rộng, ăn bằng bát đĩa ngọc nhưng họ vẫn cảm thấy không vui, họ vẫn cảm thấy phiền não. Những thứ chúng ta đang có không phải là thật, niềm vui chân thật là niềm vui đến từ trong nội tâm. Tôi rất cảm xúc khi nghe Hòa Thượng nói: “Tôi đến đây như một lữ khách, khi tôi ra đi cũng như một lữ khách!”. Ngài không có tài sản để phải viết di trúc cho người khác. Những người có tâm thái như vậy thì tất cả việc làm của họ đều là Phật sự, tâm của họ luôn tự tại, an vui.

Khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn tại thế, hoàng tử A Xà Thế con của vua Tần Bà Sa La vì muốn nhanh chóng được lên ngôi nên đã bắt vua cha bỏ vào ngục, hoàng hậu Vi Đề Hy vợ vua Tần Bà Sa La vô cùng đau khổ trước hoàn cảnh gia đình nên bà đã hỏi Thích Ca Mâu Ni Phật về những điều kiện để đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm, thanh tịnh. Đức Phật nói ra các điều kiện để về được thế giới Tây Phương Cực Lạc trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, trong đó điều kiện đầu tiên là phải khéo giữ ba nghiệp.

Chúng ta quán sát xem hằng ngày, hành vi của chúng ta đĩnh đạc hay hành vi của chúng ta thô tháo? “Khéo giữ thân nghiệp bất phạm oai nghi” nghĩa là người học Phật, người học đạo Thánh Hiền thì phải có dáng vẻ của người học Phật, người học đạo Thánh Hiền, người làm Thầy Cô giáo phải ra dáng của Thầy Cô giáo. “Oai nghi” cũng chính là “Luật nghi”, “Luật nghi” là chuẩn mực, khuôn khổ, phép tắc. Hàng ngày, chúng ta tụng Kinh là để chúng ta thâm giải Kinh nghĩa, để chúng ta thực tiễn những lời Phật dạy trong cuộc sống hàng ngày.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook