49Thứ Sáu, 22/09/2023, 10:04

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 22/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI MƯỜI HAI )

Nếu chúng ta có phương pháp để làm một việc thì chúng ta sẽ làm việc đó rất nhanh. Chúng ta muốn có phương pháp đúng thì chúng ta phải có trí tuệ. Chúng ta muốn có trí tuệ thì tâm chúng ta phải thanh tịnh. Tâm chúng ta thanh tịnh thì trí tuệ từ tự tánh của chúng ta sẽ được khơi dậy. Mỗi chúng ta đều có “trí tuệ vô sư”, trí tuệ không cần Thầy. Chúng ta quay về với tâm thanh tịnh thì trí tuệ vô sư sẽ hiển lộ.

Nhiều việc ban đầu chúng ta chưa biết cách làm nhưng khi chúng ta bắt tay vào làm thì chúng ta tự nhiên biết cách làm, đây là do trí tuệ vô sư của chúng ta đã hiển lộ. Hôm qua, Hoà Thượng nhắc, chúng ta muốn có được “viên tâm” thì chúng ta phải “nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu” hay có nghĩa là tâm chúng ta phải định. Chúng ta làm bất cứ việc gì thì tâm chúng ta cũng phải định. Khi chúng ta lái xe thì chúng ta phải để tâm vào việc lái xe. Chúng ta không thể vừa lái xe vừa niệm Phật. Chúng ta vừa làm việc vừa niệm Phật thì chúng ta đã có hai tâm. Khi chúng ta làm việc thì chúng ta chỉ tập trung làm việc, làm việc xong thì chúng ta niệm Phật. Chúng ta làm hai việc một lúc thì chúng ta niệm Phật không tốt, làm việc cũng không tốt. Có người nói, họ vừa nghe pháp, vừa niệm Phật vậy thì cả hai việc họ đều sẽ làm không tốt, chúng ta không thể thâm giải nghĩa lý của bài pháp. Trong tu học hay làm việc chúng ta đều phải “chuyên”, phải “tinh”.

Khi tôi làm việc gì thì tôi sẽ làm việc đó xong một cách dứt khoát, không chắp vá. Trong những việc nhỏ nhất như nhặt rau, rửa bát, quét nhà chúng ta cũng phải tinh chuyên. Nếu chúng ta cho rằng chúng ta chỉ cần chuyên tinh khi niệm Phật thì chúng ta đã sai! Tất cả mọi việc chúng ta làm đều bắt đầu từ nơi tâm, tâm chúng ta chuyên, tinh thì chúng ta làm mọi việc đều sẽ tinh chuyên. Chúng ta rất dễ quán sát điều này. Hòa Thượng nói: “Chúng ta chỉ dấu được những người tâm ý qua loa, những người tâm có một chút se se thanh tịnh thì họ sẽ nhận ra ngay!”. Chúng ta không chuyên tâm, tâm ý qua loa thì chúng ta sẽ không thể làm tốt được các việc. Chúng ta qua loa trong những việc làm hàng ngày thì việc vượt thoát sinh tử chúng ta cũng sẽ qua loa. Tôi chưa từng học nấu ăn, tôi cũng không có công thức nấu các món ăn, nơi nào có nguyên liệu, gia vị gì thì tôi sẽ nấu bằng những thứ đó. Nếu chúng ta ghi ra những thứ cần mua và đi siêu thị mua nguyên liệu thì đó là chúng ta đang vọng tưởng. Chúng ta cho rằng mình phải nấu theo công thức này mới ngon thì chúng ta cũng đang vọng tưởng. Chúng ta nấu thức ăn mà tâm chúng ta đang vọng tưởng thì chúng ta rất dễ sinh bệnh.

Hòa Thượng từng kể câu chuyện, ở một ngôi chùa có rất nhiều vị tu hành rất tinh tấn, một hôm, có một cư sĩ tu hành cũng nghiêm túc đến ngôi chùa, vị cư sĩ cho rằng, mọi người tu hành tinh tấn như vậy chắc nhiều người sẽ chứng đắc. Nhưng vị cư sĩ quán sát thấy không có người nào chứng đắc thì ông thấy rất ngạc nhiên. Khi vị cư sĩ nhìn vào nhà bếp, ông thấy từ trường của nhà bếp rất xấu, tâm của người đầu bếp rất bao chao, xao động. Vị cư sĩ khuyên nhà chùa nên đổi người nấu ăn và đổi cả dụng cụ nấu ăn vì những dụng cụ đó cũng đã nhiễm từ trường xấu. Một thời gian sau, ngôi chùa đó đã có nhiều người chứng đắc. Tâm chúng ta háo cầu, vọng tưởng mọi việc chúng ta làm sẽ là kết quả của tâm háo cầu, vọng tưởng.

Một lần, khi tôi đi xa lâu ngày trở về, một số Phật tử sang niệm Phật cùng tôi, khi tôi xuống nhà bếp thì đồ ăn đã hỏng hết vì tôi đã vắng nhà rất lâu. Trong lúc mọi người niệm Phật thì tôi xuống bếp nấu cơm. Tôi dùng rau tàu bay, bí ngô, một ít rau thơm còn sót lại ở vườn để nấu được ba món rất ngon. Chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta cũng phải “chuyên”, chuyên cần, tinh tấn. Nếu chúng ta chưa chuyên được thì chúng ta phải làm theo sự hướng dẫn người đi trước. Chúng ta quán sát hàng ngày chúng ta đang “tinh chuyên” hay chúng ta đang vọng tưởng?

Nhà Phật nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Chúng ta thường để “tâm tuỳ cảnh chuyển”. Chúng ta chuẩn bị nấu cơm mà chúng ta nghĩ không có các gia vị cần thiết, chúng ta lo lắng thì chúng ta đang vọng tưởng. Tổ Sư Đại Đức cũng dạy, nếu chúng ta thành tâm, thành ý làm một việc thì việc đó tự khắc sẽ đạt đến mức tốt nhất. Khi người dụng tâm háo cầu, cầu toàn và người chuyên tâm làm việc thì kết quả công việc của họ hoàn toàn trái ngược. Khi tôi ngắt rau, tôi quan sát kỹ từng lá rau để tìm ổ sâu, ốc sên, nhặt rau xong tôi ngâm rau trong nước muối 5 phút, sau đó tôi rửa rau bằng ba lần nước. Khi nấu, tôi thường cảm nhận được các rau nào phối hợp với nhau thì sẽ tạo ra mùi vị khiến người ăn dễ chịu. Hôm qua, tôi kết hợp rau lạc tiên và rau xuyến chi, lá ớt lvới nhau tạo ra một món canh có mùi vị đặc trưng, rất ngon. Tôi không có công thức mà công thức phụ thuộc gia vị và các loại rau có sẵn. Đây là chúng ta chuyên tâm nấu ăn. Hằng ngày, chúng ta luôn sống trong háo cầu, “háo” là hão huyền, không thật, chúng ta luôn mong cầu những kết quả không thật.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook