50Chủ Nhật, 24/09/2023, 16:04

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 24/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI MƯỜI BỐN)

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Một tức là tất cả, tất cả là một”. Một và tất cả là một, không hai. Tỳ kheo Kiết Tường Vân nói được rất viên mãn, nếu nói là pháp niệm Phật thì tất cả các pháp đều là niệm Phật, nói đến Thiền, Mật, trì giới thì tất cả các pháp đều là Thiền, Mật, trì giới. Chúng ta lìa khỏi phân biệt, chấp trước thì bất cứ pháp nào cũng đều là Phật pháp đầy đủ, viên mãn”. Chúng ta tu pháp nào hay chúng ta làm việc gì mà chúng ta vẫn chìm trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta không phải là đang tu pháp đó. Chúng ta tu pháp nào mà chúng ta lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đó chính chúng ta tu tất cả các pháp. Trong pháp môn niệm Phật có pháp môn Thiền, trong pháp môn Thiền có pháp môn Mật, trong pháp môn Mật có pháp môn Thiền, có pháp môn niệm Phật và có tất cả pháp môn. Điều quan trọng là cách dụng tâm của chúng ta.

Nhà Phật nói: “Tâm viên nả pháp bất viên”. Tâm tròn đầy thì tất cả pháp tròn đầy, tâm viên mãn thì tất cả pháp viên mãn. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta tưởng chúng ta có tâm nguyện phục vụ chúng sanh nhưng chúng ta chỉ đang dùng tâm vọng tưởng”. Chúng ta thoát khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì “một là tất cả, tất cả là một”. Chúng ta tu bất cứ pháp gì chúng ta đều phải lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta dính chặt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta tu pháp nào cũng không có thành tựu.

Chúng ta thường cho rằng, chúng ta tu hành tinh chuyên, người khác làm những việc không liên quan đến pháp môn, không liên quan đến Phật pháp thì đó là họ xen tạp. Nhiều người cho rằng chuẩn mực Thánh Hiền không phải là Phật pháp vậy thì họ đã có tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nhà Phật đưa ra thí dụ, bất cứ thứ gì gieo vào ngọc Mani thì thứ ô nhiễm đó cũng trở nên tinh khiết; thứ gì thả vào độc dược thì thứ đó cũng nhiễm phải độc dược. Tâm chúng ta tròn đầy thì tất cả pháp tròn đầy. Điều quan trọng là chúng ta dùng tâm gì để làm. Chúng ta tưởng chúng ta đang làm Phật sự nhưng đó là chúng ta đang làm Ma sự vì tâm chúng ta vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, háo cầu. Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Chúng ta có tâm này thì chúng ta đang làm Phật sự. Chúng ta làm vì nghĩ đến công đức, phước đức, làm vì chúng ta thì những việc chúng ta làm đều là Ma sự.

Có người cho rằng, họ đã rất khó khăn để giữ Năm giới, Mười thiện vì vậy họ cảm thấy việc giữ được “cụ túc chúng giới”, giữ được đầy đủ viên mãn tất cả các giới càng khó khăn hơn. Hòa Thượng nói: “Chúng ta xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì mọi việc tự khắc viên mãn, tròn đầy”. Chúng ta trở về với tâm chân thành, như nhất không khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta làm đúng nguyên lý, nguyên tắc Phật đã dạy thì chúng ta chắc chắn chúng ta sẽ làm được “cụ túc chúng giới”. Chúng ta cho rằng giới này là quan trọng, việc này quan trọng thì chúng ta đã chìm trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

Hiện tại, người tu pháp môn Thiền thì chê trách người tu pháp môn niệm Phật, người làm nhà giáo chê trách người làm kinh tế, người làm kinh tế thì chê trách người làm nhà giáo, tâm chúng ta tròn đầy thì mọi người trong xã hội sẽ tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta muốn ăn cơm, ăn rau thì phải có người nông dân trồng trọt, chúng ta muốn khám bệnh thì phải có người làm nghề bác sĩ, tất cả các nghề đều đáng được trân trọng, chúng ta chỉ cần làm đến được như Tổ Ấn Quang đã dạy là: “Dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình” thì mọi việc sẽ tốt đẹp, viên mãn. Chúng ta cho rằng nghề giáo thanh cao nghề nông không thanh cao thì chúng ta đã có tâm phân biệt chấp chước.

Đối với pháp tu của nhà Phật, Phật nói ra nhiều pháp môn để phù hợp với căn tánh của nhiều chúng sanh khác nhau, chúng sanh phù hợp pháp nào thì họ tu pháp đó. Chúng ta cho rằng người chọn pháp tu khác với chúng ta là họ xen tạp thì chúng ta đã sai. Hôm trước, có một đoàn niệm Phật đến một ngôi chùa, họ được mọi người mời ăn rau sạch, khi họ nghe đến tên tôi thì họ không muốn quay trở lại ngôi chùa đó nữa vì họ cho rằng tôi làm giáo dục, tôi trồng rau là tôi làm những việc xen tạp. Tâm phân biệt, chấp trước của chúng ta rất nặng vì chúng ta đã sống, chìm đắm trong đó một thời gian dài, chúng ta dùng tâm này niệm Phật thì chúng ta không thể có thành tựu!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook