150Thứ Sáu, 14/04/2023, 11:19
16 · Chương II - Nói Rõ Phương Pháp Niệm Phật - 14

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 14/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN MƯỜI BỐN)

Trong tiêu đề của cuốn “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, “Gia ngôn” nghĩa là lời dạy ân cần của người Cha với người con, của người Thầy với người học trò. Hòa Thượng là bậc thông Kinh, thông giáo, Ngài có thể giảng được tất cả các Kinh, đại chúng mời Ngài giảng Kinh gì thì Ngài giảng Kinh đó, đây là Ngài tùy thuận chúng sanh. Cả cuộc đời Ngài chỉ hành trì pháp môn Tịnh Độ, Ngài giảng các Kinh khác là để dẫn mọi người về với “Kinh Vô Lượng Thọ”.

Hòa Thượng nói: “Cho dù cả thế gian không tin pháp môn Tịnh Độ thì tôi vẫn tin!”. Hòa Thượng có cơ sở niềm tin rất vững chắc. Thầy của Ngài là Lão sư Lý Bỉnh Nam, Lão cư sĩ cũng là bậc thông tông, thông giáo nhưng Ngài chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Thầy của Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là Tổ Sư Ấn Quang, Tổ Sư Ấn Quang là Tổ sư thứ 13 của pháp môn Tịnh Độ. Tổ sư của pháp môn Tịnh Độ phải là người cả đời chuyên tu, chuyên hoằng và có thành tựu với pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta là đời thứ tư tiếp nối sự truyền này, chúng ta có sự truyền thừa rất vững chắc.

Có những người rất dễ tin người, họ nghe người khác nói là không có thế giới Tây Phương Cực Lạc thì họ đã từ bỏ pháp môn này. Cho dù chúng ta tin theo pháp môn nào thì người Thầy của chúng ta cũng phải là người có sự truyền thừa rõ ràng. Chúng ta muốn hiểu rõ phương pháp niệm Phật thì chúng ta xem lại nội dung chúng ta đã học trong hơn mười ngày qua, đây là việc rất quan trọng quyết định chúng ta có thể vượt thoát sinh tử hay không!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có đủ can đảm suốt cuộc đời này chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật” không?”. Khi tôi dịch câu nói này, tôi thấy ngạc nhiên vì tôi rất dễ có niềm tin vào câu “A Di Đà Phật”. Nhưng dần dần tôi mới thể hội, chúng ta phải “can đảm” thì chúng ta mới có thể suốt đời niệm một câu “A Di Đà Phật”.

Ngày trước, buổi sáng, tôi thường tụng “Kinh Lăng Nghiêm”, khi đó tôi cũng sắp thuộc “Kinh A Di Đà” nhưng hiện tại bài tán Phật, bài hồi hướng tôi cũng đã quên. Hàng ngày, tôi chỉ lạy Phật, niệm Phật. Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm Phật chính là chúng ta cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Chúng ta ngưỡng vọng Phật nên chúng ta mới niệm Phật. Chúng ta niệm Phật với tâm chân thành, thanh tịnh chính là chúng ta đã ngưỡng vọng thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Có người vừa niệm Phật vừa nói: “Phật ơi, cho con vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc!”. Chúng ta không cần nói thì Phật cũng biết. Hòa Thượng nói: “Điều quan trọng là chúng ta có thật sự muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc hay không?”. Chúng ta muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta không còn thấy lỗi thế gian. Nếu chúng ta vẫn thấy lỗi thế gian từ đó chúng ta sinh tâm phân biệt, chấp trước thì chúng ta đâu thật sự muốn vãng sanh!

Chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Tây Phuocng Cực Lạc thì hàng ngày chúng ta phải làm việc với tâm: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức không?”. Nếu chúng ta thấy việc làm này giúp chúng ta có công đức, phước báu thì chúng ta vẫn còn đang chấp trước. Chúng ta sống theo giới luật, theo chuẩn mực, theo pháp luật thì chúng ta sẽ có trí tuệ, khi đó chúng ta sẽ biết được việc cần làm, nên làm. Trong nhà Phật nói: “Giới sinh Định, Định sinh Huệ”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành mà chúng ta không giữ giới thì chúng ta đang tu pháp của Ma!”. Nhiều người niệm Phật cầu vãng sanh nhưng họ vẫn phạm giới. Nếu chúng ta thân vẫn sát đạo dâm, miệng vẫn nói dối, nói lời hung ác và nói lời thêu dệt, ý vẫn tham, sân, si thì chúng ta không thể sinh được trí tuệ. Chúng ta niệm Phật mà chúng ta buông bỏ tập khí, phiền não thì chắc chắn chúng ta sẽ có thành tựu.

Trong câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô” là quy y, là cung kính là nương về. “A Di Đà Phật” là danh hiệu của Phật A Di Đà. Chúng ta niệm “A Di Đà Phật” là chúng ta quay về nương tựa Phật A Di Đà, đây cũng chính là chúng ta cầu vãng sanh. Chúng ta không thể vãng sanh vì chúng ta chưa muốn đi. Chúng ta vẫn chấp trước vào “danh vọng lợi dưỡng”, chúng ta sẵn sàng bỏ đi cơ hội vãng sanh để nhận lấy “lợi dưỡng” ở thế gian.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook