Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 20/09/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ
(BÀI MƯỜI)
Hòa Thượng nói: “Trên Kinh luận, Phật răn dạy chúng ta phải thâm giải nghĩa Kinh, phải học rộng nghe nhiều. Đa phần đồng tu học Phật hiểu sai ý này! Chúng ta cho rằng thứ gì chúng ta cũng nên học thì chúng ta sai rồi!”. “Thâm giải nghĩa Kinh, học rộng nghe nhiều” không phải chúng ta học nhiều thứ mà chúng ta học một thứ thật tinh chuyên để chúng ta có thể “tự hành hoá tha”, chúng ta tự làm và dạy người làm. Những người làm một cách tuỳ tiện, tùy thuận tập khí xấu ác thì họ sẽ tạo ra nghiệp nhân của ba đường ác. Chúng ta đã có con đường rõ ràng, chúng ta không dũng mãnh, tinh tấn làm thì chúng ta đọa địa ngục cũng “đáng đời”!
Hiện nay, nhiều người: “Vô sở thất tùng”. Tâm không có chỗ quay về. Nếu tâm chúng ta có chỗ quay về thì chúng ta sẽ luôn ở trạng thái tự tại, bình an. Tổ Sư Đại Đức Tịnh Độ đã dạy chúng ta: “Tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật”. Chúng ta làm đúng tiêu chuẩn thì chúng ta “vãng sanh”, không đạt tiêu chuẩn thì chúng ta “vãng lai”. Chúng ta được học mà chúng ta không dũng mãnh, tinh tấn làm, chúng ta đọa lạc là do lỗi của chúng ta. Chúng ta có niềm tin như vậy thì tâm của chúng ta sẽ rất an. Chúng ta đã có chỗ quay về và có phương pháp để chúng ta hy sinh phụng hiến. Hòa Thượng từng nói: “Tâm chúng ta hành trì câu “A Di Đà Phật”, chúng ta dùng “Thập Thiện Nghiệp Đạo” để đối trị ba nghiệp, dùng “Đệ Tử Quy” để đối nhân xử thế”. Chúng ta dùng “Thập Thiện Nghiệp Đạo” để đối trị ba nghiệp đó là thân không sát, đạo, dâm; Miệng không nói dối, không nói lời đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác; Ý thì không tham, sân, si.
Chúng ta thường phạm phải lỗi nói lời thêu dệt, chúng ta nói để vừa lòng người, chúng ta không nói lời thẳng thắn, chân thật. Có người nói, khi giảng bài tôi nên khen và cười nhiều hơn. Tôi nói với họ là họ đến học nhầm chỗ rồi! Tôi cảm thấy, thời gian đang trôi nhanh, tôi đã già, chúng sanh đang rất cần tiếp nhận Phật pháp, tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền, chúng ta không có thời gian để nói những lời không thật. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta không có thời gian để lười biếng, chểnh mảng!”. Chúng ta đã có đường đi rõ ràng, làm hay không là do chính chúng ta quyết định. Nếu chúng ta thực hành “Đệ Tử Quy” trên nền tảng của pháp tu Tịnh Độ là “Thập Thiện Nghiệp Đạo” thì chúng ta có thể trở thành một phàm phu tiêu chuẩn. Hòa Thượng nói: “Một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng, một bộ Kinh để tụng, một hướng Tây Phương để đi”. Chúng ta làm được điều này thì tâm chúng ta sẽ rất an!
Khi tôi dịch “Thập Thiện Nghiệp Đạo” do Hòa Thượng giảng, trước đây tôi từng dịch “Kinh Hoa Nghiêm Áo Chỉ” nên tôi nghĩ những nội dung trong bài giảng “Thập Thiện Nghiệp Đạo” sẽ không khó thực hành nhưng khi tôi dịch đĩa đầu tiên, tôi cảm thấy lời dạy của Hòa Thượng rất sâu sắc, trong cuộc sống chúng ta thường phạm phải những điều này mà chúng ta không biết. Chúng ta là người tu hành nhưng chúng ta vẫn ngày ngày là kẻ trộm, kẻ lừa dối! Hằng ngày, chúng ta đang cướp đi thời gian của sinh mạng, chúng ta để thời gian trôi qua một cách lãng phí. Nếu chúng ta không làm theo những lời dạy tốt đẹp của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, khi chúng ta nhận ra thì đã không còn kịp. Người xưa đã nói: “Lời chân thật thì không hoa mỹ, lời hoa mỹ thì không chân thật”.
Nếu chúng ta không đối nhân xử thế theo quan hệ ngũ luân thì chúng ta sẽ không biết trách nhiệm của mình là như thế nào. Có người Thầy thuốc nói với tôi, họ dạy học trò đến khi học trò biết thì họ “đạp đổ” Thầy, họ kiếm tiền bằng mọi cách. Đây là do họ bị “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn” chi phối, việc này rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Nhiều người hàng ngày đến chùa niệm Phật nhưng tâm họ không an đó là vì họ không có nền tảng, không hiểu sâu được nghĩa lý trên Kinh. Người thế gian cho rằng có tiền, có địa vị thì họ sẽ ổn, nhưng đây là những thứ càng khiến chúng ta càng trở nên bất ổn. Chúng ta muốn an ổn thì chúng ta phải xa lìa “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”. Nhiều người cho đi rất nhiều nhưng tâm họ vẫn không an, chúng ta cho đi những thứ không đáng giá nhưng tâm chúng ta rất an vui. Nếu chúng ta không nỗ lực phấn đấu thì chúng ta có lỗi với Phật Bồ Tát, với Thánh Hiền, với Cha Mẹ. Trong buổi lễ tri ân, khi có người chia sẻ là họ đã ăn cắp thời gian, ăn cắp tuổi xuân của Cha Mẹ thì chúng ta cũng giật mình phản tỉnh nhưng chúng ta lại quên!