116Thứ Hai, 18/09/2023, 17:47
165 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 8

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 18/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI TÁM)

Hòa Thượng nói: “Thế Tôn đã nhiều lần ân cần dặn bảo chúng ta phải thọ trì”. “Thọ trì” chính là chúng ta “y giáo phụng hành”. Chúng ta nghe lời dạy và làm theo thì chúng ta sẽ không sai. Chính chúng ta phải làm sau đó chúng ta nói lại cho mọi người. Khi chúng ta tổ chức các sự kiện, chúng ta làm bằng tập khí, phiền não thì chúng ta chắc chắn có chướng ngại. Khi mọi người tổ chức các pháp hội, Hòa Thượng nói: “Việc họ nhận cúng dường là việc của họ, chúng ta làm tốt việc của mình là được! Người nào thích danh, thích lợi thì chúng ta cho họ danh lợi, tôi chỉ cần cái giảng tòa, giảng xong thì tôi liền rời đi!”. Hòa Thượng không tổ chức pháp hội, Ngài chỉ đến giảng, giảng xong thì Ngài rời đi, không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Chúng ta phải dùng tâm chân thành làm lợi ích chúng sanh. Nếu chúng ta khởi ý niệm đây là chúng ta đã khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước vậy thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại.

Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng “Kinh Bát Nhã” trong 22 năm, Ngài nhắc lại câu: “Sắc tức thì không”. Mọi thứ chỉ là hư vọng hơn 1000 lần. Trên “Kinh Kim Cang” nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh”. “Mộng” là giấc mộng. “Bào” là bọt nước. “Ảnh” là sấm chớp. Bong bóng nước rất đẹp nhưng nếu có gió lay thì nó sẽ tan vỡ. Ánh chớp xẹt ngang qua bầu trời rồi sẽ vụt tắt. Mọi thứ xung quanh chúng ta đều là vô thường. Trong một giây có bốn lần khảy móng tay, trong một khảy móng tay chúng ta đã khởi lên hàng triệu ý niệm. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền luôn dạy chúng ta lặp đi, lặp lại nhiều lần hay như thành ngữ nói các Ngài luôn “hết lòng, hết dạ” vì chúng sanh. Nhà Phật nói: “Vô thường tấn tốc”. Chúng ta chuẩn bị tổ chức buổi lễ tri ân trong một thời gian dài nhưng buổi lễ diễn ra một cách nhanh chóng. Chúng ta quán sát, sau buổi lễ, tâm chúng ta vẫn bình thường hay tâm chúng ta đã khác thường, chúng ta đã dính mắc trong tâm?

Chúng ta may mắn được cùng nhau học tập, tổ chức các sự kiện từ hơn mười năm nay, nếu bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn! Tương lai vài chục năm nữa liệu có người sẽ tiếp nối việc làm của chúng ta không? Nếu chúng ta không có người tiếp nối thì người đời sau sẽ lấy gì để thọ trì? Chúng ta thường chỉ chọn sự an ổn, bình yên mà chúng ta không nhìn xa. Tổ Sư Đại Đức không nhìn xa thì chúng ta đã không có cơ hội học tập. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không thọ trì, không vì người diễn nói thì cho dù đời chúng ta huy hoàng đến mức nào, sau khi chúng ta đi rồi cũng chỉ còn lại sự xác xơ!”. Chúng ta không đào tạo ra người kế thừa, tiếp nối thì đời sau chỉ còn lại sự xác xơ. Từ rất lâu, tôi đã nghĩ đến việc đào tạo người làm lợi ích chúng sanh. Để đào tạo được người có thể lập chí, lập nguyện lợi ích chúng sanh thì chúng ta cần phải có thời gian dài, đây là việc vô cùng quan trọng, cấp thiết! Chúng ta thường sợ rằng một người chưa có kinh nghiệm thì họ có thể tổ chức chương trình không tốt, làm chương trình không đặc sắc! Nhiều năm qua chúng ta đã nghĩ đến việc đào tạo thế hệ kế thừa, nếu chúng ta có thế hệ kế thừa thì thế hệ tiền bối có thể có thời gian niệm Phật, tịnh tu.

Tổ Sư Đại Đức nhắc nhở chúng ta phải có hằng tâm để chúng ta không bị thoái chuyển. Hôm qua, trong buổi lễ tri ân Cha Mẹ, vợ chồng, một vị Thầy thuốc chia sẻ, ông xin lỗi vợ vì ông không có nhà lầu, xe hơi nhưng ông hứa là người vợ sẽ có một người chồng tốt, hết lòng yêu thương vợ con, các con sẽ có một người Bố y đức. Chúng ta có thể vượt qua sự cám dỗ của “danh vọng lợi dưỡng”, chính là chúng ta chiến thắng bản thân. Nếu chúng ta không thể vượt qua “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta sẽ bị thoái chuyển giống như một chiếc xe đang bị tuột dốc rất nhanh. Chúng ta đã tu hành vài chục năm nhưng chỉ cần chúng ta có một ý niệm sai lầm thì chúng ta coi như đã “hoàn không”, thậm chí chúng ta sẽ trở về con số âm. Rất nhiều người tu hành đã thoái chuyển vì họ luôn bị bức bách bởi “danh vọng lợi dưỡng”, cơm áo gạo tiền. Chúng ta không nhẫn nại, tinh tấn thì chúng ta sẽ trở thành “tinh tướng”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook