190Thứ Hai, 18/09/2023, 17:47
164 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 7

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 17/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI BẢY)

Tinh thần của Phật pháp Đại Thừa là tự hành song song với hoá tha, chúng ta tự mình tu và khuyến hoá mọi người. Nếu chúng ta dụng tâm nhỏ hẹp để tu pháp Đại Thừa thì pháp Đại Thừa cũng sẽ trở thành pháp Tiểu Thừa. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” dạy chúng ta phải mở rộng tâm đến tận hư không khắp pháp giới. Tôi đã dành hơn 30.000 giờ để dịch đĩa Hòa Thượng, nhiều người nghe đĩa của Hòa Thượng sau đó, họ dùng lời của Hòa Thượng để cắt ghép, xen tạp nhằm trục lợi cho bản thân.

Ban đầu, khi tôi tổ chức các lớp học, các buổi Lễ tri ân mọi người cho rằng tôi xen tạp, sau khi mọi việc ổn định, tôi quay trở về học 1200 chuyên đề, tôi luôn lên học đúng giờ không chậm một phút. Chúng ta cũng đã học gần 200 buổi “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, tôi vẫn học nghiêm túc như vậy nhưng tôi không mặc áo tràng mà tôi mặc com-lê để gần gũi hơn với đại chúng. Đây chính là chúng ta tự hành hoá tha. Hòa Thượng nói: “Chúng ta bảo người phải chuyên cần, dũng mãnh nhưng chúng ta không làm vậy thì lời nói của chúng ta không có lực!” Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Dĩ thân tác tắc”, Hòa Thượng thường diễn giải câu này bằng câu: “Toàn thân thuyết pháp” .

Hòa Thượng nói: “Con người thường rất hấp tấp, vội vàng, nếu có nghi vấn thì họ thường đi hỏi ngay. Nếu người khác chúng ta nói rõ cho chúng ta thì chúng ta vẫn không thể khai ngộ, chúng ta vẫn bị chướng ngại. Chúng ta phải chính mình khai ngộ, tường tận thì đó mới là chúng ta chân thật ngộ”. Chúng ta phải chính mình thể hội lời dạy của Phật, của Thánh Hiền bằng cách tự hành trì, thực tiễn những lời dạy của các Ngài trong nhiều năm tháng. Người khác chỉ hướng dẫn chúng ta phương pháp, sau đó, chúng ta phải tự làm. Thí dụ, chúng ta ăn một trái táo chúng ta cảm thấy trái táo rất ngọt, người khác phải tự ăn thì họ mới cảm nhận được mùi vị của trái táo. Nếu chúng ta nóng vội đi hỏi người khác thì mọi chuyện sẽ lại càng thêm bế tắc! Nếu chúng ta có tấm gương tu tập thành tựu viên mãn thì chúng ta nỗ lực làm theo họ, một ngày nào đó chúng ta sẽ tự chứng ngộ, thông suốt. Người xưa nói: “Chúng ta tự uống nước thì chúng ta sẽ biết nước nóng hay lạnh”. Nếu chúng ta chỉ nghe người khác diễn đạt thì chúng ta không thể cảm nhận nước nóng hay lạnh. Chúng ta đã tổ chức nhiều Gala, Lễ tri ân Cha Mẹ mỗi lần đến tham gia buổi lễ thì chúng ta lại có cảm xúc rất đặc biệt. Nếu mọi người chỉ xem buổi lễ thông qua video thì họ sẽ không thể cảm nhận được những cảm xúc này.

Hôm qua, khi tôi nghe mọi người chia sẻ trong buổi Gala, tôi đã suy nghĩ về những điều mình sẽ nói, khi tôi bước lên chia sẻ, tôi quên hết những lời mình dự định nói, tôi chia sẻ bằng cảm xúc lưu xuất từ nội tâm. Hòa Thượng nói: “Chúng ta có nghi vấn chúng ta đừng vội đi hỏi. Chúng ta tự mình khai thông, khi chúng ta tự thông đạt thì đó mới là sự thông đạt của chính chúng ta”. Người khác giải thích cho chúng ta thì chúng ta “như hiểu mà không hiểu”. Cảnh giới hiểu của họ không phải là cảnh giới hiểu của chúng ta, việc làm của họ cũng hoàn toàn khác với việc làm của chúng ta. Thí dụ, cảnh giới của Ngài Nhan Hồi là Ngài cảm thấy tự tại khi Ngài ăn cơm bằng rá, uống nước bằng phễu, nếu bây giờ chúng ta làm theo Ngài thì người khác sẽ cho rằng chúng ta là người không bình thường.

Chúng ta làm theo đúng nguyên lý Phật Bồ Tát, Thánh Hiền đã dạy thì chúng ta nhất định sẽ không sai. Thí dụ, Phật dạy chúng ta về bố thí ngoại tài và bố thí nội tài, bố thí ngoại tài là bố thí tiền tài, vật chất, bố thí nội tài là chúng ta bố thí sức khoẻ, năng lực, cuối cùng là chúng ta bố thí đi tập khí, phiền não của chính mình. Chúng ta thực tiễn “Lục độ” là chúng ta thực tiễn “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”. Chúng ta làm trong thời gian dài thì chúng ta sẽ có sự thể hội sâu sắc về những điều này. Tôi đã tham dự nhiều lễ tri ân nhưng lần nào tôi cũng rơi nước mắt. Tôi phải kìm nén cảm xúc để mọi người không nói tôi “đang diễn”. Mọi người chưa được chứng kiến trực tiếp những người con lần đầu biết tri ân, báo hiếu với Cha Mẹ thì họ không thể có những cảm xúc này. Nếu chúng ta chỉ xem trên băng đĩa thì chúng ta sẽ cho rằng người khác đang diễn, chính chúng ta phải tự trải nghiệm thì chúng ta mới có thể khai thông. Nhà Phật gọi đây là “Pháp hỷ sung mãn”. Niềm vui bất tận trong tâm.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook