52Thứ Bảy, 16/09/2023, 16:52
163 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 6

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 16/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI SÁU)

Hòa Thượng nói: “Chúng ta càng nghe câu nói “Đọc tụng Đại Thừa vì người diễn nói” thì chúng ta càng cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của câu nói. “Thọ trì” chính là chúng ta “y giáo phụng hành”. Chúng ta phải y theo lời dạy mà làm”. Chúng ta ngồi đọc xong một bộ Kinh thì đó không phải là chúng ta thọ trì. Chúng ta phải “thọ trì” và “đọc tụng” thì chúng ta mới có thể thâm giải nghĩa lý trên Kinh. Chúng ta càng thâm giải Kinh nghĩa thì chúng ta càng tin sâu, nguyện thiết, hành trì miên mật. Dù là thế gian hay xuất thế gian, chúng ta y theo lời dạy mà làm thì chúng ta sẽ có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Đọc Kinh là việc vô cùng quan trọng! Thế Tôn không những dạy chúng ta phải đọc Kinh mà Ngài còn dạy chúng ta phải thâm hiểu một cách sâu sắc, lý giải một cách tường tận đối với Kinh điển. Chúng ta hiểu Kinh điển càng rộng, càng sâu thì chúng ta vận dụng sẽ càng tự tại. Chúng ta nhất định phải ứng dụng Kinh điển trong cuộc sống thường ngày, trong công việc, trong cách đối nhân xử thế tiếp vật”. Lời dạy của Hòa Thượng rất thấu đáo, rõ ràng. Nhiều người học Phật chưa hiểu sâu ý nghĩa của Kinh điển nên họ vẫn thuận theo tập khí, phiền não của mình.

Chúng ta học Phật pháp thì chúng ta phải ứng dụng những điều đã học trong đời sống. Nếu chúng ta nói chúng ta phát tâm đem Phật pháp đến với mọi người nhưng chúng ta không thật làm thì đó chỉ là những lời nói trống rỗng, là vọng tưởng. Chúng ta chỉ nói mà không làm thì chúng ta không có lợi ích và người khác cũng không có lợi ích. Nếu chúng ta phát ra nguyện lực thì chúng ta sẽ thực tiễn những đạo lý đã học ngay trong khởi tâm động niệm, trong đối nhân xử thế, trong hành động tạo tác. Chúng ta có căn bệnh trầm kha là chúng ta luôn chìm trong vọng tưởng. Chúng ta không thể ứng dụng những lời dạy của Phật vì chúng ta chưa thâm hiểu sâu nghĩa lý trên Kinh, chúng ta hiểu càng sâu thì chúng ta càng ứng dụng một cách tự tại. Chúng ta hiểu một cách lờ mờ, chắp vá thì chúng ta không đủ dũng khí để thực hành, chúng ta cố gắng làm thì chúng ta cũng chỉ làm một cách gượng gạo.

Hàng ngày, tôi dậy sớm học tập, làm việc, kiểm điểm, thúc liễm nội tâm, mọi việc diễn ra một cách hết sức tự nhiên, tôi không cần cố gắng một chút nào! Đó là vì tôi hiểu rõ giá trị của những việc mình đã làm nên tôi có thể làm một cách mạnh mẽ. Chúng ta phải cố gắng làm thì chúng ta sẽ cảm thấy rất mệt. Nhiều người đi ra đường, họ cảm thấy rất khổ sở khi phải đội mũ bảo hiểm, khi tôi đi vào trong làng để tặng rau, tôi cũng đội mũ bảo hiểm một cách tự nhiên, không gượng gạo. Khi tôi lên ô-tô, tôi luôn cài dây bảo hiểm, nếu không cài thì tôi sẽ cảm thấy trên ngực áo trống trải. Một lần khi tôi đi ta-xi, tôi thấy người lái xe đã ấn một vật vào chỗ cài dây để khi khách không cài dây bảo hiểm thì xe sẽ không kêu, việc này có thể do khách không thích cài dây bảo hiểm nên người lái xe làm vậy để chiều lòng khách.

Nếu chúng ta đã lập trình sẵn thì mọi việc sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Một lần tôi nhìn thấy, một người thợ đưa một tấm gỗ to vào một chiếc máy đã được lập trình sẵn, sau đó chiếc máy tự khắc bức tranh lên trên miếng gỗ, khi làm xong thì chiếc máy vi tính sẽ tự động tắt. Từng chi tiết nhỏ của bức tranh được vẽ lên tấm gỗ một cách rất tinh vi, con người đã thiết lập được bộ máy tinh vi như vậy thì bộ óc con người còn tinh vi hơn nhiều! Có những bản điêu khắc thủ công được người xưa làm rất đẹp, rất tinh xảo, nhiều người thích những bản điêu khắc làm bằng tay hơn những bản điêu khắc làm bằng máy. Ngày nay, con người tạo ra máy móc tinh vi khiến cho nhiều người trở nên lười biếng, chểnh mảng. Nếu trong nhà có máy giặt, máy rửa chén thì mọi người không còn muốn làm việc nữa. Nhà Phật dạy: “Thân thì phải động, tâm thì phải tĩnh”. Chúng ta đang làm ngược lại, tâm chúng ta động nhưng thân chúng ta tĩnh. Thân chúng ta không động thì cơ thể chúng ta sẽ bị tắc nghẽn, chúng ta sẽ sinh bệnh.

Cơ thể của chúng ta còn tinh vi hơn máy tính, vậy thì tại sao chúng ta không lập trình cho cơ thể của mình? Hàng ngày, chúng ta đưa thông tin vào cơ thể nhưng chúng ta thay đổi thời gian làm, thay đổi cách làm một cách tuỳ tiện nên cơ thể của chúng ta không thể biết làm như thế nào là đúng! Mọi người cảm thấy rất khổ sở khi phải dậy sớm, khi thấy người khác làm việc một cách tích cực trong một thời gian dài thì nhiều người cho rằng đó là kỳ tích! Nhà Phật nói: “Đắc đáo Bồ Đề, uy vô sở đắc”. Khi tâm chúng ta đạt đến đạo Bồ Đề thì chúng ta sẽ không còn dính mắc. Người thế gian gọi là kỳ tích nhưng thật ra, đây không phải là kỳ tích vì năng lực của chúng ta vốn đầy đủ nhưng chúng ta không thiết định cho cơ thể chúng ta một cách rõ ràng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook