60Thứ Sáu, 15/09/2023, 11:39
162 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 5

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 15/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI NĂM)

Mỗi chương Hoà Thượng đều dạy chúng ta, trước tiên là tán thán pháp môn, sau đó là cách giữ tâm và phương pháp tu trì. Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn bồi dưỡng trí tuệ thì chúng ta chỉ có một phương pháp duy nhất đó là nghe Kinh”. Lời của Phật nói thì mới được gọi là Kinh, nếu không phải lời của Phật thì không phải là Kinh. Điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải lựa chọn bản Kinh để nghe, chúng ta chỉ nghe những bản Kinh mà Hòa Thượng giảng dạy, tán thán vậy thì chúng ta chắc chắn sẽ không sai!

Những người tuỳ tiện viết ra một văn bản bằng vọng tưởng của họ thì văn bản đó không thể gọi là Kinh. Kinh phải được Tổ Sư Đại Đức dùng để tu học, thực tiễn. Trước đây, “Kinh Vô Lượng Thọ” được rất nhiều người ấn tống, số lượng bản in quá nhiều nên dẫn đến việc lãng phí. Tôi rất đau xót khi nhìn thấy những thùng Kinh bị hỏng do mối, do mục nát. Có người đã khoe với tôi họ đã in hàng triệu bản “Kinh Vô Lượng Thọ”. Có người hỏi tôi, vì sao tôi không dịch “Kinh Vô Lượng Thọ”. Tôi nói, tôi không đủ khả năng, có một lần tôi chỉ dịch bản Kinh đó ra âm Hán Việt. Có người không biết về chữ Hán nhưng họ dùng bản dịch của những người khác tổng hợp thành một bản của họ, chúng ta không nên làm những việc như vậy. Chúng ta chỉ học Phật vài năm, chúng ta chưa có độ thấm, độ sâu mà chúng ta tuỳ tiện làm thì chúng ta sẽ làm hại đời sau.

Khi nghe Kinh, con người thường thích thêm vào hoặc bớt đi điều này chướng ngại sự thành tựu. Việc gì chúng ta chưa làm được thì chúng ta cố gắng làm, làm được thì chúng ta phải cố gắng làm tốt hơn. Hoà Thượng nhắc chúng ta: “Phật pháp là quán thông”. Một thông thì tất cả thông. Thí dụ, khi chúng ta thực hành “Lục Độ”, chúng ta cố gắng làm một việc trong “Lục Độ” là bố thí, ban đầu chúng ta bố thí vật ngoài thân đây là chúng ta bố thí ngoại tài và sau đó, chúng ta bố thí nội tài, cao hơn nữa là chúng ta bố thí tập khí, phiền não của mình. Sau khi chúng ta làm tốt bố thí thì việc trì giới chúng ta cũng sẽ làm được tốt. Chúng ta ta làm tốt bố thí, trì giới thì chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt tinh tấn, nhẫn nhục. Điều quan trọng là chúng ta phải kiên trì thật làm, chỉ tiến không lùi.

Hòa Thượng nói: “Năm xưa, Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm nói pháp không gián đoạn, nhiều người đi theo Thích Ca Mâu Ni học tập, họ không muốn rời khỏi Phật, mỗi ngày nghe Phật nói ra những ý nghĩa “thậm thâm vi diệu pháp”. Việc này làm cho chúng ta ngộ ra, chúng ta muốn có trí tuệ từ Phật pháp thì chúng ta không thể rời khỏi Kinh điển. Chúng ta phải ngày ngày nghe giảng và vì người giảng nói. Sau khi nghe, chúng ta chính mình tường tận, chúng ta tự thay đổi ba nghiệp của mình và chúng ta giảng giải cho người khác nghe”. Chúng ta nghe giảng là chúng ta thành tựu cho mình. Chúng ta vì người diễn nói là chúng ta thành tựu cho người và cũng chính là thành tựu cho mình. Sau khi chúng ta học xong 1200 chuyên đề tôi cảm thấy chính mình rất thọ dụng.

Hòa Thượng nói: “Thế Tôn ở ngay trong một đời chỉ bảo cho chúng ta: “Thọ trì Kinh điển vì người diễn nói”. Câu nói này chúng ta nghe 1000, 10000 lần, chúng ta nghe một cách hoan hỷ thì chúng ta sẽ bằng lòng “vì người diễn nói”. “Diễn” là biểu diễn, là nói ra cách làm, cách hàng phục nội tâm của mình. “Trì” là gìn giữ, hành trì một cách thiết thực. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Dĩ thân tác tắc”. Phải lấy mình làm gương. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” cũng dạy chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp, đọc tụng Đại Thừa, vì người diễn nói”. Trong những điều này, trước tiên chúng ta phải làm được “hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư trưởng”, chúng ta phải làm ngày càng nghiêm túc, không tùy tiện.

Trên “Kinh Hoa Nghiêm” dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, cũng chính là như trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Dĩ thân tác tắc”. Chúng ta muốn khai mở trí tuệ thì chúng ta phải nghe Kinh, nghe pháp. Chúng ta chỉ nghe những Kinh pháp đã được Tổ Sư Đại Đức đọc tụng, đây chính là các Ngài đã ấn chứng. Những năm gần đây, có nhiều người biên soạn “Kinh A Di Đà”, “Kinh Địa Tạng”, nếu người vẫn còn tập khí, phiền não biên soạn Kinh thì khi biên soạn họ sẽ mang theo cả tập khí, phiền não của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook