49Thứ Năm, 14/09/2023, 10:27
161 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 4

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 14/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI BỐN)

Có rất nhiều phương pháp tu trì, chúng ta muốn tìm được phương pháp tu trì phù hợp thì chúng ta phải có sự dạy bảo của các bậc thật tu, thật học. Nhiều năm qua, Hoà Thượng đã ân cần dạy bảo chúng ta, đồng thời cả đời Ngài cũng làm ra biểu pháp cho chúng ta. Hoà Thượng là người thông tông, thông giáo, Ngài có thể giảng Mật Tông, Thiền Tông thậm chí Ngài có thể giảng Kinh Tân Ước của Thiên Chúa Giáo nhưng cả đời Ngài chỉ chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta phải suy nghĩ về việc này! Hoà Thượng là bậc trí tuệ nhưng Ngài chỉ chọn pháp môn Tịnh Độ, chúng ta năng lực, trí tuệ thấp kém mà chúng ta muốn chọn “lối đi riêng” thì chắc chắn chúng ta sẽ không có lối về! Ngày nay, nhiều người cho rằng mình có năng lực sáng tạo nên họ tự tạo lối đi riêng, đây là họ ngông cuồng, ảo danh, ảo vọng.

Trước đây, có người hỏi tôi, ý nghĩa của câu nói: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí, hưu hướng Như Lai hành xứ hành”, nghĩa là bậc nam nhi phải có lối đi riêng, tại sao phải đi lối mòn của Như Lai, có đúng không. Tôi nói: “Các vị hỏi cao quá tôi không hiểu!”. Khi tôi dạy học xong tôi nói với họ, tôi đang giảng cho 120 người, tôi không muốn làm mất thời gian của mọi người, câu nói này là lời Tổ Sư Đại Đức nhắc nhở người thượng căn, người sắp khai ngộ, chúng ta là người “hạ hạ căn”, chúng ta không thể không làm theo lời của Như Lai. Chúng ta đi mãi theo “lối mòn” của Như Lai mà chúng ta còn chưa đi được giống, nếu chúng ta đi theo lối đi riêng thì chúng ta chỉ đi theo vọng tưởng, phiền não của chính mình!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu học Phật pháp, chúng ta căn cứ vào bộ Kinh nào thì chúng ta đều có thể khế nhập được tri kiến Phật. Chúng ta chọn pháp môn, bộ Kinh nào là do căn tánh, cơ duyên, sở thích và hoàn cảnh đời sống của mỗi người. Chư Phật Bồ Tát vì người căn tánh lợi căn, lợi trí giới thiệu “Kinh Pháp Hoa”, “Kinh Hoa Nghiêm”, vì người căn tánh trung hạ mà giới thiệu “Kinh Vô Lượng Thọ”. Người căn tánh trung hạ chiếm đại đa số”. Chúng ta không phải bậc thượng căn lợi trí, chúng ta đa phần là những người căn tánh trung hạ, ở khoảng giữa của căn tánh trung và căn tánh hạ. Chúng ta căn tánh trung hạ, chúng ta biết một chút nên chúng ta càng khó cạo bỏ cái thấy, cái biết của mình.

Trước đây tôi rất lười đọc sách, tôi chỉ đọc vài trang thì tôi đã buồn ngủ, khi tôi gặp được sách, đĩa của Hòa Thượng tôi miệt mài đọc từ đầu đến cuối. Tôi đã đọc bộ “Vô Lượng Thọ giảng giải” bằng tiếng Hán của Hòa Thượng, đây là bộ sách gồm có 4 quyển rất dày. Tôi rất cảm động khi nghe Hòa Thượng nói: “Bộ sách này in 10.000 bảng, chỉ cần một đến hai người lấy đó mà tu học nghiêm túc thì đã đủ vốn!”. Hòa Thượng nói lời này vì Ngài biết rõ, chúng sanh ngày nay khó tiếp nhận Phật pháp.

Hòa Thượng nói: “Không phải riêng Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu Tịnh Độ Tông mà Mười phương chư Phật đều giới thiệu pháp môn này với chúng ta. Vì vậy việc này nhất định không thể có sai lầm!”. Rất nhiều người không được nghe câu nói này của Hòa Thượng nên họ đã bỏ pháp môn Tịnh Độ. Xung quanh tôi, nhiều người đã bỏ pháp môn Tịnh Độ để chọn những pháp giúp tâm họ tạm thời an ổn. Họ niệm Phật nhưng tâm của họ không an là do họ không chuyển đổi được tâm, tâm của họ vẫn chìm trong hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Bài học hôm qua Hòa Thượng nói: “Chúng ta có thể trở thành thiện căn lợi trí nếu chúng ta đạm bạc với danh lợi, chúng ta biết đủ”. Điều này không dễ làm, chúng ta muốn làm được thì chúng ta cần thời gian 10 năm, 20 năm chân thật tu hành.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải thâm nhập được chân tướng của vũ trụ nhân sanh hàm chứa trong Kinh. Nếu chúng ta không thể thấu hiểu chân tướng của vũ trụ nhân sanh thì chúng ta không thể hàng phục được tập khí, phiền não của mình”. Nhiều người niệm Phật nhưng họ không chuyển đổi được tập khí, phiền não nên họ đã không tin vào pháp môn niệm Phật. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đã xả bỏ được tập khí “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” nhưng những tập khí này chỉ ẩn tàng dưới những hình thức khác. Hằng ngày, chúng ta vẫn nghĩ cho mình, cho gia đình, đoàn thể của mình thì đây chính là chúng ta đang “tự tư tự lợi”. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta phải mở rộng tâm lượng đến tận hư không khắp pháp giới”. Chúng ta phải thật tu, thật làm trong thời gian rất lâu thì chúng ta mới có thể làm được điều này.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook