140Thứ Tư, 13/09/2023, 10:03
160 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 13/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI BA)

Chúng ta trải qua nhiều năm tháng tu hành thì chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị sâu sắc của việc lựa chọn pháp tu. Ngày nay, nhiều người chỉ tu trên hình tướng, Hòa Thượng Tịnh Thuận từng nhắc nhở chúng ta: “Đừng tu danh tu lợi”. Mục đích của việc tu hành là chúng ta hàng phục tập khí, phiền não, tâm chúng ta quay về với tự tánh thanh tịnh. Nếu chúng ta tu hành để người khác cúng dường, cung phụng thì chúng ta đã “tu danh tu lợi, tu gian tu dối”. Nếu chúng ta “y giáo phụng hành” thì pháp sẽ không bao giờ mạt, sẽ không có thời kỳ Mạt pháp. Người ngày nay qua loa, tuỳ tiện nên họ làm hỏng tâm thanh tịnh của chính mình. Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta phải ngày ngày học tập, thúc liễm thân tâm để chúng ta nâng cao cảnh giới”.

Một người học trò của tôi nói, họ vừa nhận ra là họ bị một người lừa gạt. Người thích nghe gạt, không thích nghe khuyên thì họ sẽ bị gạt, người chỉ thích nghe khuyên không thích nghe gạt thì sẽ không bị gạt. Người ngày nay rất cần người làm ra tấm gương, làm ra biểu pháp. Đây là bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta. Sứ mạng của chúng ta lần này đến đây là để hy sinh, để phục vụ chúng sanh. Tôi cảm thấy, chúng ta hy sinh phụng hiến vì chúng sanh thì chúng ta sẽ không có một chút thiệt thòi nào! Hàng ngày, khi tôi nhìn thấy Website “Tinhkhongphapngu.net” có hàng chục nghìn lượt xem, hàng trăm người Online, tôi cảm thấy rất vui vì vẫn còn rất nhiều người nghe, tiếp nhận, cần cầu những lời khuyên chân thật của Hòa Thượng.

Hòa Thượng nói: “Người thiện căn lợi trí rất ít vậy thì chúng ta có thể làm được bậc thiện căn lợi chí không? Việc này không khó! Điều kiện thứ nhất đó là chúng ta phải tan nhạt với tâm danh lợi. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta phải dễ dàng biết đủ, nếu chúng ta chỉ cần “trà thô, cơm đạm” thì đời sống của chúng ta sẽ tự tại”. Chúng ta “biết đủ” thì chúng ta sẽ không cần cầu cho mình mà chúng ta chỉ hy sinh phụng hiến vì chúng sanh. Nhiều người thâm nghiên kinh giáo nhưng họ vẫn không thể có nội tâm tự tại, an lạc.

Hòa Thượng nói: “Điều kiện thứ hai là chúng ta phải gặp được thiện tri thức. Nếu chúng ta không gặp được thiện tri thức mà chúng ta gặp được Phật pháp thì chúng ta phải trân trọng, nỗ lực tu học”. Tôi được gặp Phật pháp rất sớm, khi còn nhỏ, tôi thường đi theo bà nội ăn chay, niệm Phật. Khi tôi lớn lên, niềm tin trong tôi mất dần, đã có lúc tôi hoàn toàn mất đi niềm tin vào Phật pháp. Tôi may mắn có một chút thiện căn, tôi rất sâu sắc cảm nhận giá trị của cuốn “Nhi đồng học Phật”, trong cuốn sách này, phần mở đầu câu có câu: “Phật dạy, mọi người đều có thể thành Phật, chỉ cần chúng ta tư tưởng thuần khiết, bỏ ác làm thiện”. Tôi muốn chia sẻ với mọi người về cuốn sách “Nhi đồng học Phật” để chính tôi có cơ hội được học tập nên năng lực của tôi ngày càng được nâng cao. Khi tôi được tiếp nhận đĩa Hòa Thượng, tôi rất hoan hỷ, khi đó tôi còn áp lực về cơm áo, gạo tiền nhưng ngay khi đi làm về là tôi lại ngồi nghe đĩa. Tuy tôi không được trực tiếp gặp Hoà Thượng nhưng tôi được nghe đĩa của Ngài cũng chính là tôi đã gặp được thiện tri thức. Chúng ta nghe lời làm theo thì chính chúng ta có lợi ích và mọi người cũng có lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm được hai điều kiện này một cách trường kỳ cho dù chúng ta là người độn căn thì chúng ta cũng trở thành bậc lợi căn, chúng ta từ người ngu si cũng biến thành người có trí tuệ. Ngài Châu Lợi Bàn Đà đã làm ra thí dụ rất tốt cho chúng ta!”. Ngài Châu Lợi Bàn Đà sau một thời gian học tập đã từ người độn căn, khó dạy trở thành người lợi trí, từ phàm phu chứng được quả A-La-Hán.

Hôm qua, tôi phải mang một cái mô-tơ cũ đi sửa vì khi hoạt động nó kêu rất to, sau khi sửa xong chiếc mô-tơ đã hoạt động tốt, không còn phát ra tiếng ồn ào. Chiếc mô-tơ đã cũ nhưng nó vẫn đang miệt mài làm việc và không phát ra tiếng kêu. Chúng ta cũng có thể rút ra bài học từ việc này! Người xưa dạy chúng ta: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”. Con người không còn mong cầu thì giá trị, phẩm đức của người đó sẽ được nâng cao. Lời dạy của người xưa giống như khuôn vàng, thước ngọc cho chúng ta. Chúng ta phải được nhắc nhở một điều hơn 300 lần thì chúng ta mới có thể nhớ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook