123Thứ Ba, 12/09/2023, 15:47
159 · Nói Rõ Về Phương Pháp Tu Trì - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 12/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

(BÀI HAI)

Có rất nhiều phương pháp tu trì, chúng ta chỉ nên chọn một phương pháp phù hợp với căn tánh của mình. Điều này giống như có rất nhiều con đường để đi đến đích nhưng chúng ta phải lựa chọn con đường phù hợp với mình. Nếu chúng ta chọn sai, chúng ta sẽ phải đi đường vòng, chúng ta sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đây là một trong những nguyên nhân của việc chúng ta phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp tu hành để có thể chứng quả vị Phật. Đối với nghề nghiệp cũng vậy, chúng ta phải chọn một nghề chủ đạo, nghề mũi nhọn để chúng ta làm nghề đó đạt đến đỉnh cao. Chúng ta không thể làm nhiều nghề mà những nghề đó đều đạt đến đỉnh cao. Người thế gian thường chọn pháp tu dựa theo đám đông, tin theo những người có tên tuổi.

Trong gia đình, đoàn thể, đặc biệt là trong tu hành việc phản tỉnh, kiểm điểm, sám hối là rất quan trọng. Trong nhà Phật, hàng năm, chư Tăng tổ chức ba tháng “an cư kiết hạ” để mọi người thúc liễm thân tâm, sau đó, mọi người tổ chức “pháp hội tự tứ”, trong dịp đó mọi người sẽ tự sám hối hoặc nhờ đại chúng nói ra lỗi của mình.

Hòa Thượng nói: “Tịnh Tông Tam Trọng Diệu Âm ở Đài Bắc tổ chức phát lộ sám hối ba tháng một lần, trong dịp đó tất cả các đồng tu cùng nhau nói ra lỗi của mình để thay đổi tự làm mới. Nhà Phật gọi đây là pháp hội tự tứ. Người xưa tổ chức pháp hội tự tứ một năm một lần nhưng người ngày nay tập khí sâu nặng nên phải tổ chức ba tháng một lần”. “Sám hối” là chúng ta nhận ra lỗi và cải đổi để chúng ta không phạm phải lỗi đó. Thí dụ, chúng ta đã sám hối là chúng ta bị ngủ gật, hôn trầm khi chúng ta ngồi nghe giảng Kinh mà sau đó chúng ta vẫn lặp lại thì chúng ta chưa thật sự sám hối. Khi chúng ta sám hối, chúng ta nói ra lỗi của mình mà có người nghe thấy thì chúng ta sẽ có sự phản tỉnh sâu sắc. Trong pháp hội sám hối, tứ chúng đồng tu cùng phát lồ sám hối, đầu tiên là những cư sĩ tại gia sám hối, khi các cư sĩ sám hối thì các Sư Thầy, Sư Cô có thể nghe, sau đó, khi các quý Sư cô sám hối thì các Sư Thầy có thể nghe, khi quý Sư Thầy sám hối thì mọi người không được nghe, việc này là để giữ tâm cung kính của mọi người.

Chúng ta đang ở trong một tổ chức, tổ chức của chúng ta đang làm ra hình mẫu, làm ra tấm gương cho người thế gian nên chúng ta phải hết sức cẩn trọng kiểm điểm, sám hối. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, làm để làm ra mô phạm cho người. Chúng ta muốn khuyên người tu dưỡng thì chúng ta phải tu dưỡng bản thân trước. Nếu chúng ta cảm thấy mình không có đủ tư cách đứng trong tổ chức, đoàn thể thì chúng ta nên rút lui. Thời kỳ Mạt pháp chúng sanh rất cần có những tấm gương, nếu chúng ta làm ra tấm gương xấu thì chúng ta rất đáng trách!

Tôi cũng đã từng tham gia pháp hội sám hối, trong pháp hội sám hối nếu chúng ta không tự nêu ra được lỗi của mình thì chúng ta cần cầu đại chúng nhắc nhở. Nếu chúng ta để đại chúng nhắc nhở lỗi của mình thì chúng ta sẽ phải sám hối băng hình thức nặng hơn. Thí dụ, nếu chúng ta tự sám hối thì chúng ta quỳ trong thời gian đốt cây nhang dài hai tấc, đại chúng nhắc nhở lỗi của chúng ta thì chúng ta quỳ trong thời gian đốt cây nhang dài bốn tấc. Sau ba lần sám hối mà chúng ta phải cần cầu đại chúng nhắc nhở lỗi của mình thì chúng ta phải biệt thất một tháng hoặc ba tháng để tự kiểm điểm. Việc sám hối là tự nguyện nếu người nào cảm thấy bó buộc thì họ có thể rời khỏi hàng ngũ. Ngày nay, mọi người không còn coi trọng việc sám hối nên họ không làm ra được tấm gương tốt cho đại chúng, khiến cho nhiều người mất đi niềm tin với Phật pháp, nhiều người cho rằng nhà Phật là mê tín. Thời xưa, những người nghiêm túc tu hành thì họ thường ngủ ngồi vì khi ngồi họ kiểm soát được bản thân, không để dục vọng dấy khởi. Người xưa thường học thuộc bộ “Kinh Hoa Nghiêm” để tâm của họ được định, không có thời gian phiền não, vọng tưởng. Có những người đã thuộc “Kinh Hoa Nghiêm” nhưng họ vẫn sai phạm, tập khí, phiền não của họ vẫn rất sâu nặng. Chúng ta phải tu hành trong thời gian 10 năm, 20 năm, 30 năm thì chúng ta mới có thể hàng phục được tập khí, phiền não của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook