68Thứ Năm, 13/04/2023, 14:21
15 · Chương II - Nói Rõ Phương Pháp Niệm Phật - 13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 13/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN MƯỜI BA)

Hòa Thượng nói: “Người học Phật chúng ta không phải bậc thượng căn lợi trí, cũng không phải bậc hạ ngu. Bậc thượng căn hạ trí là người thông minh tuyệt đỉnh, họ một nghe ngàn ngộ nên họ không khởi phân biệt chấp trước. Bậc căn tính hạ ngu cũng không có phân biệt, chấp trước, khi được tiếp nhận lời dạy thì họ liền tin theo, liền lão thật niệm Phật. Những người có căn tính thuộc hạng ở giữa như chúng ta thì khó rồi! Chúng ta chính mình tạo chướng ngại cho chính mình vì chúng ta ngày ngày tranh danh đoạt “danh vọng lợi dưỡng”. Hai hạng người thượng căn lợi trí và hạ ngu đều xem nhẹ “danh vọng lợi dưỡng”, họ biết rõ những điều này chỉ khiến họ đọa lạc, chướng ngại họ giải thoát sinh tử. Chúng ta không phải bậc thượng căn hạ trí, cũng không phải bậc hạ ngu. Chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin nên chúng ta khởi lên phân biệt, chấp trước. Nếu chúng ta không có thứ gì khác để lựa chọn thì chúng ta sẽ một lòng một dạ niệm Phật. Khi chúng ta có nhiều sự lựa chọn nếu chúng ta gặp chướng ngại thì chúng ta sẽ làm việc khác.

Có một bà cụ hỏi tôi, bà đã quy y sáu lần bà có thể quy y thêm lần nữa không. Tôi nói, đã quy y sáu lần rồi thì quy y thêm một lần nữa cũng không sao. Điều này cũng giống như khi chúng ta hỏi đường, nếu chúng ta không biết mình muốn đi đâu thì chúng ta đi đường nào cũng như nhau. Nếu chúng ta không có phương hướng, không có mục đích thì chúng ta cũng giống như bèo lục bình trôi theo dòng nước. Chúng ta không có phương hướng thì chắc chắn chúng ta sẽ không đi được đến đích.

Chúng ta học bậc thượng trí rất khó, chúng ta nên học bậc hạ ngu. Bậc hạ ngu là những người nghe lời, làm theo nên họ có thành tựu. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều tấm gương tu hành có thành tựu, người dẫn đường gần gũi chúng ta nhất chính là Hòa Thượng Tịnh Không. Chúng ta nghe lời, làm theo Ngài thì chúng ta chắc chắn có thành tựu. Chúng ta thường thích tìm hiểu nhiều điều, thường hỏi việc này đúng hay sai đó là chúng ta tự nhiễu loạn và làm cho người khác bị nhiễu loạn.

Hòa Thượng nói: “Lão pháp sư Đàm Hư trong cuốn “Luận về những người niệm Phật”, nói đến một người tên là Trương Thị ở chùa Khảm Sơn, Thanh Đảo. Chồng bà là người lái xe kéo, nếu ngày nào mà họ không làm việc thì ngày đó họ sẽ không có ăn. Chủ nhật hàng tuần bà đến chùa Khảm Sơn để làm công quả ở pháp hội niệm Phật. Bà làm những công việc khó khăn trong bếp nhưng trong tâm vẫn luôn niệm Phật, sau đó, bà đã tự tại vãng sanh tướng rất đẹp”. Mọi người đến pháp hội niệm Phật chỉ để niệm Phật, Bà vào bếp làm những việc nặng nhọc nhưng trong tâm bà luôn giữ chặt câu Phật hiệu. Những người người có căn tính hạ ngu, khi họ làm việc không nề hà khó khăn, việc ăn, ngủ của họ cũng rất đơn giản. Người căn tính ở giữa như chúng ta, ăn thường không thấy ngon, ngủ cũng thường trằn trọc.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta miệng niệm câu Phật hiệu nhưng trong tâm không ngừng vọng tưởng vậy thì chúng ta không thể có thành tựu rồi!”. Đây chính là tâm cảnh của chúng ta. Chúng ta không thể có thành tựu không phải do pháp môn mà do chúng ta hành trì không đúng. Ngày trước, Cư sĩ Bàng để tài sản lên thuyền, ông đẩy thuyền ra giữa dòng sau đó đục thuyền để tất cả tài sản chìm xuống. Ông bơi vào bờ, hàng ngày đan dép cỏ sống qua ngày. Ông nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì!”. Nếu chúng ta làm việc tốt mà chúng ta phiền não thì chúng ta không nên làm. Nhiều người hiểu sai chỗ này nên họ trở nên tiêu cực. Nếu chúng ta làm mà tâm chúng ta chấp trước, phiền não thì chúng ta không nên làm. Nhiều người sợ phiền não, sợ chướng ngại nên họ không làm vậy thì chúng ta đã mất đi Tâm Bồ Đề. Chúng ta có chướng ngại không phải do việc đó chướng ngại chúng ta mà do chúng ta chấp trước. Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm, không công, không đức”. Chúng ta có chướng ngại, phiền hà là do chính chúng ta chấp trước, chúng ta tự cho rằng mình đã làm được nhiều việc.

Ngày trước, có một vị đến lạy Lục Tổ nhưng đầu của họ không để sát đất. Lục Tổ hỏi người đó: “Chắc ông có việc gì đáng kiêu ngạo nên đầu ông lạy không sát đất?”. Ông nói, ông đã tụng được 3000 bộ Kinh. Ông tụng Kinh nhiều nên ông tự cảm thấy mình có công đức do vậy ông khởi tâm ngạo mạn. Chính tâm ngạo mạn đã chướng ngại ông. Chúng ta không có thành tựu là do chính chúng ta chướng ngại chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook