
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 11/09/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI RÕ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ
Hiện tại, có rất nhiều phương pháp tu trì, nếu chúng ta không cẩn trọng lựa chọn thì chúng ta rất dễ “lầm đường, lạc lối”. Chúng ta có tri thức, học vấn nhưng chưa chắc chúng ta đã chọn được pháp phù hợp căn tánh của mình, chúng ta muốn chọn được pháp môn phù hợp căn tánh thì chúng ta phải dựa vào trí tuệ của các bậc Thầy thật tu, thật học. Trước đây, đã có thời gian tôi không tin vào Phật, sau khi tôi tin lời của Hòa Thượng thì tôi đã tin Phật. Chúng ta nói chúng ta tin Phật nhưng nếu chúng ta không có người dẫn dắt, giảng giải thì chúng ta dễ đánh mất niềm tin. Sau một thời gian dài tiếp nhận giáo huấn của Hòa Thượng, tôi dần ngộ ra lời Phật dạy rất thiết thực nên tôi sinh khởi niềm tin với Phật. Chúng ta thật tin thì chúng ta sẽ chân thật có lợi ích.
Hòa Thượng nói: “Hoa Nghiêm Tông thường nói đến “tác pháp giới quán”, quán pháp giới. Trong quá khứ, một số Lão Pháp sư như Long Tuyền Pháp sư, Trí Quang Pháp sư, Nam Đình Pháp sư cũng học Hoa Nghiêm Tông, trên “Kinh Hoa Nghiêm”, các Ngài xem thấy Tổ Sư Đại Đức giảng về tác “Hoa Nghiêm Quán”. “Hoa Nghiêm Quán” là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta chăm chỉ làm, chăm chỉ học, chúng ta xem thấy rằng ta là chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, chúng sanh tận hư không khắp pháp giới cũng là chính ta”. Phật pháp có rất nhiều tông phái, thí dụ như Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Hoa Tông. Chúng sinh tận hư không khắp pháp giới là chính ta, ta cũng chính là chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Thí dụ, chúng ta bị đau tay thì chúng ta phải chữa trị, nếu tay của chúng ta bị hoại tử thì thân của chúng ta cũng sẽ bị huỷ hoại. Đây chính là: “Ta là tất cả, tất cả là ta”. Nếu một bộ phận nhỏ nhất trên cơ thể có bệnh thì chúng ta phải khẩn trương, tận tâm chữa trị nếu không cả cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Tinh thần của “Hoa Nghiêm Quán”, tinh thần của Phật pháp Đại Thừa là hạnh phúc, sự giải thoát của ta chính là hạnh phúc, sự giải thoát của mọi người; hạnh phúc, sự giải thoát của mọi người cũng chính là sự hạnh phúc, sự giải thoát của ta. Chúng ta quên đi “cái ta” thì chúng ta sẽ tự tại. Chúng ta phải mở rộng tâm lượng nếu không chúng ta sẽ không thể vãng sanh. Một số người chỉ niệm Phật cầu vãng sanh cho mình mà không nghĩ đến người khác, đây cũng là họ đã làm sai tinh thần của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta: “Phát Tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm”. Chúng ta chỉ một lòng chuyên niệm hay chúng ta chỉ phát Tâm Bồ Đề thì chúng ta cũng không thể vãng sanh. Chúng ta muốn phát được Tâm Bồ Đề thì chúng ta phải tác “Hoa Nghiêm Quán”, chúng ta phải thấy chính mình là tận hư không khắp giới, tận hư không khắp pháp giới là chính mình.
Tổ Sư Đại Đức đã nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Chúng ta niệm Phật nhưng tâm chúng ta không mở rộng tận hư không khắp pháp giới, tâm chúng ta vẫn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn” thì chúng ta không thể vãng sanh. Nhiều người niệm Phật nhưng tâm họ chỉ “tự tư tự lợi”, chúng ta chờ xem họ vãng sanh như thế nào! Nếu Tổ Sư Tịnh Độ cũng tu hành như họ thì pháp môn Tịnh Độ đã bị đứt đoạn vì không có người tiếp nối.
Hòa Thượng nói: “Năm xưa, pháp sư Thiên Nhất ở Cao Hùng đã đề xướng vớ tôi một vấn đề: “Hiện tại, vì sao đạo tràng khó quản lý như vậy? Tôi hảo tâm, hảo ý đối đãi với đại chúng mà sao mọi người đều vong ân, bội nghĩa với tôi!”. Tôi chỉ nói với Pháp sư Thiên Nhất một câu là: “Đó là vì đạo tràng không có đạo!”. “Đạo” là trật tự, lề lối, là nơi chốn, nơi chốn đó mọi người phải ngày ngày giảng Kinh, học tập Phật pháp, học tập đạo đức Thánh Hiền. Nếu có những người làm ra tấm gương biết ơn thì người trong đạo tràng cũng sẽ không làm sai chuẩn mực, lề lối, không phản đạo. “Đạo” cũng là ân nghĩa, tình nghĩa, luân thường đạo lý. Ngày nay, các đạo tràng rất khó quản lý vì mọi người có cách thấy, cách biết, cách làm riêng. Một đạo tràng không có đạo thì đạo tràng đó sẽ như thế nào? Khi chúng ta đi trên đường nếu chúng ta lấn đường của người khác thì sẽ có thể có tai nạn xảy ra. Trên đường, xe máy, xe ô-tô có làn đường riêng, xe công vụ, xe ưu tiên phải được nhường đường đi trước, nếu chúng ta không tuân thủ luật lệ giao thông thì giao thông sẽ hỗn loạn. Chúng ta muốn biết luật giao thông thì chúng ta phải học. Ngày trước, khi tôi thi lấy bằng lái xe ô-tô, tôi phải học thuộc 300 câu hỏi, do tai nạn giao thông diễn ra ngày càng nhiều nên hiện tại, cơ quan chức năng đã tăng số câu hỏi chúng ta phải học để thi lấy bằng lái xe ô-tô lên là 600 câu.
Bài học hôm trước Hòa Thượng nói: “Không nên có tổ chức, đoàn thể vì nếu có tổ chức, đoàn thể nhiều người sẽ lợi dụng điều này để trục lợi”. Chúng ta muốn đạo tràng có đạo thì mọi người phải ngày ngày học tập để mọi người biết cách đối xử với nhau. Người xưa nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Nếu tôi không nỗ lực học theo lời Hòa Thượng thì tôi cũng đã chạy theo “danh vọng lợi dưỡng”. Ngày trước, một số người mời tôi qua Canada, họ nói họ có mảnh đất có diện tích vài chục hecta, chúng tôi có thể thành lập thôn Di Đà ở đó. Khi tôi qua Mỹ, mọi người ở đó cũng khuyên tôi nên ở lại.
Hòa Thượng nói: “Khi còn tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật chưa bao giờ dẫn đại chúng tu hành, hằng ngày, Ngài tuỳ theo căn tánh của chúng sanh mà nói pháp. Ngài dạy cho chúng ta phương pháp, cách để chúng ta thay đổi bản thân còn chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải tự làm!”. Chúng ta phải ngày ngày tự học tập, rèn luyện. Thông thường, nếu chúng ta không được nhắc đi nhắc lại một điều đến hơn 300 lần thì chúng ta sẽ không thể ghi nhớ điều đó. Tâm người xưa thanh tịnh nên họ chỉ cần được nhắc một lần là họ có thể thay đổi. Chúng ta ngày ngày được học là chúng ta đang được ngày ngày nhắc nhở. Nếu những lời nhắc nhở đi vào sâu trong tâm trí thì khi chúng ta khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, chúng ta sẽ luôn có sự thúc liễm thân tâm. Chúng ta phải thuộc “Đệ Tử Quy” đến mức độ khi chúng ta làm việc sai thì những câu trong “Đệ Tử Quy” liền hiện ra trong đầu. Một lần, tôi nhìn thấy một đứa trẻ đang vừa xoa bụng Phật Di Lặc, vừa cười thích thú, khi Mẹ đứa trẻ nhắc: “Việc tuy nhỏ!” thì nó lập tức liền rụt tay lại. Giáo huấn của Phật, chuẩn mực của Thánh Hiền phải được nhắc đi nhắc lại để chúng ta có thể ghi nhớ một cách sâu sắc. Chúng ta không được đào tạo dài lâu, bền bỉ thì chúng ta không thể thay đổi tập khí sâu dày của mình.
Hòa Thượng nói: “Hiện nay, người giảng dạy Phật pháp rất ít, chúng ta phải có phương pháp bổ trợ đó là chúng ta nghe Audio, Mp3. Đây là những phương pháp giúp chúng ta “cấp cứu”. Ngày trước, khi tôi đi giảng ở một số nơi tôi chỉ nói bằng vọng tưởng vì tôi không có thời gian để học tập. Sau đó, tôi quay về tự học 1200 chuyên đề của Hòa Thượng, đây là tôi tự tạo môi trường để đào tạo mình. Tôi đọc sách một thời gian ngắn là tôi cảm thấy buồn ngủ hoặc khi đang đọc sách thì tôi chạy đi làm việc khác nên tôi đã quyết tâm rằng, mình phải mặc quần áo ngồi học nghiêm túc, giống như đang ngồi học trước nhiều người.
Hiện nay, nếu chúng ta không thể học trực tiếp thì chúng ta học thông qua việc nghe Audio hoặc Mp3, đây là phương pháp bổ trợ để chúng ta có cơ hội học tập. Nếu không có phương pháp bổ trợ thì chúng ta không thể được nghe đi, nghe lại lời dạy của Tổ Sư Đại Đức. Nếu tôi không tự tạo phương pháp bổ trợ để tôi học tập thì tôi đã chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”. Nếu chúng ta không học tập thì tập khí của chúng ta sẽ ngày càng sâu dày. Nếu mọi người không lên tham gia các lớp học chuẩn mực đạo đức một thời gian thì tập khí của họ sẽ ngày càng sâu dày. Nếu họ không muốn tham gia các lớp học thì chúng ta cũng không có cách để giúp họ. Phật là bậc trí tuệ, phước đức đầy đủ nhưng Ngài cũng có tam năng, tam bất năng, người không thể độ, người không muốn quay đầu thì Phật cũng không thể độ được. Nếu chúng ta không được giáo huấn một cách sát sao, tích cực thì chúng ta rất khó thay đổi, chuyển mình. Nếu tôi già yếu thì tôi cũng vẫn sẽ cố gắng “bò” ra đây để ngồi học, tôi nhất định sẽ không để việc học bị gián đoạn!
Hòa Thượng nói: “Bốn chúng đồng tu đều phải nghe giảng dạy, nhất định không thể gián đoạn. Chúng ta cũng phải giống như học sinh, mỗi ngày chúng ta phải đến trường học ít nhất 2 giờ, chúng ta miên mật học tập từ 2 đến 3 năm thì chúng ta sẽ thay đổi được khí chất”. Nếu chúng ta không miệt mài thì chúng ta không thể thắng được mình. Với căn tánh của chúng ta, chúng ta không tiếp thu một cách miên mật, dài lâu thì chúng ta không thể thắng được tập khí của mình.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không nghe giảng dạy, không thâm nghiên Kinh giáo thì chúng ta học Phật đến 20 năm, 30 năm, chúng ta vẫn không thể thay đổi, chúng ta vẫn là một phàm phu, ngày ngày chúng ta làm những việc phải trái, tốt xấu, ta người, tạo ra tội nghiệp của ba đường ác”. Ba đường ác là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Hòa Thượng nói bằng kinh nghiệm thật tu, thật học trong nhiều năm, nếu chúng ta không có phương pháp rèn luyện, tự làm mới thì chúng ta không thể thay đổi được khí chất.
Hòa Thượng nói: “Tôi là một phàm phu, khi còn trẻ, tôi nhìn thấy người này không phải, người kia không đúng nhưng hiện tại, tôi xem thấy mọi người đều là Phật Bồ Tát. Làm thế nào để chúng ta có thể chuyển đổi được cảnh giới? Tôi chuyển được cảnh giới là nhờ suốt 40 năm tôi giảng Kinh, học Kinh không gián đoạn!”. Khi chưa tu dưỡng thì chúng ta chỉ nhìn thấy tập tánh của người mà không nhìn thấy tự tánh của người. Tự tánh của người vốn thuần tịnh, thuần thiện giống như tự tánh của Phật Bồ Tát. Hòa Thượng nói rõ, khi còn trẻ Ngài luôn nhìn thấy tập tánh của người khác nên Ngài luôn nhìn thấy người sai lầm. Chúng ta nghe Kinh ba ngày sau đó chúng ta lại nghỉ ba ngày thì chúng ta không thể có thành tựu. Thầy Trần từng nói: “5 + 2 =0”, năm ngày đi học, 2 ngày nghỉ thì bằng 0.
Hòa Thượng nói: “Khi tôi không giảng Kinh thì tôi cũng ngày ngày đọc Kinh, không có ngày nào là tôi buông lơi, đây là Kinh nghiệm của tôi để mọi người tham khảo! Chúng ta nhất định phải đọc Kinh, nghe Kinh, chăm chỉ thực tiễn tam phước, lục hòa”. Trong “Tam Phước”, phước đầu tiên là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Nơi tôi đang ở, tôi đặt máy nghe pháp ở khắp nơi để tôi có thể luôn nghe được những đạo lý Hoà Thượng, Thầy Trần, Thầy Thái giảng. Đây là phương pháp giúp chúng ta nghe Kinh không gián đoạn, nếu chúng ta không nghe Kinh, chúng ta sẽ luôn chìm trong tập khí, phiền não, vọng tưởng!
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!