112Thứ Hai, 11/09/2023, 06:31
157 · Nói Về Cách Giữ Tâm - 13

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 10/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM

(BÀI MƯỜI BA)

Nhiều năm qua Hòa Thượng dạy chúng ta phải giúp đỡ người một cách chân thành, chúng ta dùng tâm chân thành thì chúng ta có thể cảm hoá người. Người xưa nói: “Nhất niệm bất sanh nhất niệm thành”. Một niệm không sanh mới gọi là thành. Chúng ta phải có trí tuệ để chúng ta nhận biết rõ việc cần làm, việc không cần làm. Hòa Thượng nói, mọi vấn đề đều có thể giải quyết, chúng ta không thể giải quyết được vấn đề là do tâm chúng ta chưa chân thành.

Hòa Thượng nói: “Tất cả chúng sanh hữu tình đều có lương tâm, trong nhà Phật có nhiều câu chuyện kể về việc Tổ Sư Đại Đức đã hàng phục hổ báo, mãnh thú do vậy không thể có việc con người mà không thể cảm hoá!”. Hổ báo, mãnh thú có thể được cảm hoá vì chúng biết nghe lời, người không thể cảm hoá là người mà “cái ta” của họ quá lớn, tập khí của họ quá sâu dày. Chúng ta có thể phải tu hành 10 năm, 20 năm, 30 năm mới thay đổi được đôi chút tập khí, phiền não của mình. Nhà Phật nói: “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”. Nhà Phật không xả bỏ một ai, tất cả mọi người đều có thể được độ. Chúng sanh ngày nay cang cường nan quá, ngay chính bản thân chúng ta cũng không dễ được độ, chúng ta phải trải qua rất nhiều năm để thay đổi một tập khí nhỏ. Công cuộc độ sanh của Phật Bồ Tát không phải là việc dễ làm mà là một việc rất khó khăn.

Thầy Thái từng nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế gian 8000 lần mà chúng ta vẫn như thế này! Chúng ta mới dạy học trò vài ngày thì chúng ta không thể mong học trò thay đổi được!”. Mỗi lần Phật xuất hiện ở thế gian, thời gian giáo hoá của Phật là 12000 năm, chúng ta đang ở trong thời gian 10.000 năm đầu kể từ khi Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện. Rất nhiều người dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng tập khí của họ vẫn y nguyên, đó là do họ vẫn giữ “cái ta” và “cái của ta”. Chúng ta phải “y giáo phụng hành” thì chúng ta mới có thể thay đổi được tập khí, phiền não. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói: “Ta chỉ nói lời của bảy đời chư Phật đã nói”. Khổng Lão Phu Tử cũng nói: “Thuật nhi bất tác”. Ta chỉ nói lại lời người xưa đã nói. Thánh Hiền thế gian và xuất thế gian đều làm ra biểu pháp “y giáo phụng hành” cho chúng ta. Các Ngài là Phật Bồ Tát rồi mà các Ngài vẫn “y giáo phụng hành”, vậy thì chúng ta là ai mà chúng ta tự cho rằng mình là người biết?

Có người hỏi tôi, vì sao họ đã tu hành 10 năm nhưng họ vẫn không thay đổi được tập khí, phiền não của mình. Chúng ta đã sống trong tập khí, phiền não 60 năm vậy mà chúng ta muốn sau vài năm, chúng ta có thể thay đổi được tập khí, phiền não thì chúng ta đã quá tham lam! Chúng ta đã sống trong tập khí hơn 50 năm vậy thì chúng ta phải nỗ lực hơn 20 năm, chúng ta mới có thể chuyển đổi được tập khí. Chúng ta nghe lời làm theo thì chúng ta chắc chắn sẽ không sai. Thời kỳ Mạt pháp, Kinh sách được in ra rất nhiều nhưng không có người kiểm nghiệm vậy nên chúng sanh thời Mạt pháp rất cần những tấm gương từ những người chân thật học Phật, chân thật học đạo đức Thánh Hiền. Chúng sanh nhìn thấy tấm gương thì tự khắc họ sẽ quay đầu, học tập, làm theo.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta chưa thể cảm hóa chúng sanh vì chúng ta chưa đạt đến mức “tinh thành”, thành thật một cách tinh chuyên. Người xưa nói: “Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai”, tinh thành đạt đến đỉnh điểm thì vàng đá cũng mềm”. Ngày nay chúng sanh “cứng đầu” hơn đá vì tập khí của họ rất sâu dày. Chúng ta phải bỏ đi cách thấy, cách biết, cách làm của chính mình để làm theo cách thấy, cách biết, cách làm của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền.

Hàng ngày, tôi giống như một bãi rác để mọi người trút phiền não, nếu tôi không biết xả bỏ thì tôi sẽ luôn sống trong phiền não. Khi mọi người gặp chuyện thì họ thường gửi thư cho tôi để xin ý kiến, có những người khi họ ở trong trạng thái say xỉn thì họ mới gọi cho tôi để tâm sự. Những người này đều là những người không nghe lời và làm theo, họ tự cho mình là người biết! Tất cả mọi người đều có thể cảm hoá, được độ nếu họ biết nghe lời, biết bỏ đi cách thấy, cách biết, cách làm của mình. Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế gian 8000 lần mà chúng ta vẫn như này, nếu chúng ta không thay đổi thì khi Phật Di Lặc đến thế gian 8000 lần nữa, chúng ta vẫn sẽ như vậy! Chúng ta được giao việc gì thì chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ, nếu một việc không phải trong thẩm quyền của chúng ta thì một cọng rau chúng ta cũng không được cắt. Chúng ta tự ý cắt một ngọn rau, tự ý làm đậu phụ thì chúng ta đã “ảo danh ảo vọng”. Chúng ta phải trình báo với cơ quan chủ quản trước khi chúng ta làm. Trong xã hội hay trong tu hành cũng vậy nếu chúng ta tự ý làm thì Phật cũng không cứu được chúng ta! Người không hướng vào bên trong để phản tỉnh thì họ không thể nhận ra những điều này!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook