Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 05/09/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM
(BÀI TÁM)
Chúng ta càng học Phật thì chúng ta càng nhận ra tâm chúng ta rất phiền phức, nếu không có sự chỉ dạy sát sao của các Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền thì chúng ta không thể nhận ra được điều này. Nếu chúng sanh có thể tự giác ngộ, tự vượt thoát sinh tử thì Phật Bồ Tát đã không phải đến thế gian để giúp chúng ta. Chúng sanh mãi mê đắm, vừa ngộ thì lại mê, vừa thoát ra khỏi ba đường ác thì lại quay trở lại. Nếu chúng ta không tu hành trường kỳ thì chúng ta không thể chuyển đổi được tâm. Chúng ta tu hành nhiều năm, chúng ta đã ngày càng già nua nhưng tập khí của chúng ta vẫn không thay đổi thậm chí chúng còn ngày càng sâu dày hơn. Chúng ta không huân tập miệt mài, bền bỉ, dài lâu thì chúng ta không thể thoát khỏi sự dẫn đạo của tập khí.
Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật đưa ra thí dụ, tội ác cũng giống như bóng tối, giác ngộ giống như ánh đèn. Trong một hang động, bóng tối đã bao phủ hàng ngàn năm nhưng nếu có ánh đèn thì bóng tối cũng sẽ được xua tan”. Bóng tối ngàn năm chính là tập khí sâu dày của chúng ta, Phật pháp chính là ánh đèn trí tuệ, cho dù màn đêm nghìn năm thì ánh sáng của Phật pháp cũng sẽ xua tan màn đêm đó.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta không nên thường nghĩ đến những việc làm đã tạo nghiệp của chúng ta. Phật dạy chúng ta phải chuyển đổi ý niệm, thay vì chúng ta nghĩ đến tội lỗi của mình thì chúng ta nghĩ đến Phật Bồ Tát, nghĩ đến những việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta làm được điều này thì tâm chúng ta sẽ có sự chuyển biến lớn và đây cũng là chúng ta đã hồi đầu”. Nếu chúng ta nghĩ đến trước đây chúng ta đã từng ăn trộm thì chúng ta lại phạm phải việc đó một lần nữa. Chúng ta không nên mặc cảm tội lỗi mà chúng ta phải nỗ lực, tinh tấn tích cực làm những việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta nghĩ đến lời dạy của Phật Bồ Tát chính là chúng ta đang hồi đầu. Khi chúng ta nhìn thấy người khác có hành vi bất thiện thì chúng ta nhớ lời dạy của Thánh Hiền “Nhân phi nghĩa bất giao”, chúng ta nhìn thấy đồ vật không phải do sức mình làm ra thì chúng ta nhớ lời dạy: “Vật phi nghĩa bất thụ”.
Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát là bậc giác ngộ cứu cánh viên mãn, chúng ta phải thường nghĩ đến các Ngài để học tập. Chúng ta thường nghĩ đến chính mình là mê, chúng ta thường nghĩ đến chúng sanh là giác ngộ”. Chúng ta thường nghĩ đến chính mình nên năng lực của chúng ta bị hạn chế, chúng ta thường mắc sai lầm. Chúng ta nghĩ đến chính mình là chúng ta “tự tư tự lợi”. Người “tự tư tự lợi” thì làm việc gì cũng là tham cầu, cưỡng cầu đây là chúng ta đang tạo nghiệp. Chúng ta có ý niệm vì chúng sanh thì chúng ta sẽ tận lực làm, không có tham cầu. Chúng ta phản tỉnh xem hàng ngày chúng ta thường nghĩ đến chính mình hay chúng ta nghĩ đến chúng sanh? Chúng ta nghĩ đến chính mình là chúng ta đang mê, chúng ta nghĩ đến chúng sanh là chúng ta giác ngộ. Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt không thích nghe khuyên. Nếu có người nói chúng ta đang mê thì chúng ta không tin, có người nói chúng ta đã giác ngộ thì chúng ta vui, cảm xúc của chúng ta phụ thuộc người khác vậy thì chúng ta giống con gấu bông bị đứa trẻ buộc dây vào cổ kéo đi. Chúng ta thật quá đáng thương!
Hòa Thượng nói: “Người chân thật học tập “Kinh Vô Lượng Thọ” thì họ sẽ có tâm cảnh giác cao hơn người bình thường. Trên Kinh nói, người đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bản năng được hồi phục, họ biết rõ ràng tất cả khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Hay như nhà Nho đã nói, mọi chuyện họ đều “Rõ ràng như trong lòng bàn tay”. Cư dân ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì các năng lực đều được phục hồi, họ có các năng lực như “tha tâm thông” biết được suy nghĩ của người khác, “thiên nhĩ thông” nghe được mọi âm thanh của thế gian.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đừng cho rằng chúng ta khởi một ý niệm ác, làm một việc xấu thì sẽ không có ai biết! Chúng ta chỉ có thể che dấu được người mê, người ngu muội, ngay đến người thông minh ở thế gian chúng ta đã không thể che dấu huống hồ là Thiên địa, Quỷ thần, chư Phật Bồ Tát!”. Người mê là người chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Chúng ta chỉ cần khởi tâm động niệm thì các Ngài đã nhìn rõ như nhìn rõ trong lòng bàn tay. Chúng ta làm mà chúng ta cho rằng không ai biết thì đó là chúng ta đang tự gạt mình. Người thế gian nói đây là chúng ta: “Múa rìu qua mắt thợ”. Người có năng lực nhìn thấu mà chúng ta muốn chứng minh với họ, chúng ta là người giỏi thì người thế gian gọi chúng ta là “lố bịch”. Người chân thật học Phật thì không nên làm người “lố bịch”.