Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 06/09/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM
(BÀI CHÍN)
Hòa Thượng nói: “Nhà sử học Tư Mã Quang nói, ông có thể cả đời thành tựu vì ông “Vô sự bất khả cáo nhân ngôn”, không có việc gì giấu người, không có việc gì không thể nói với người. Đây là người có tâm địa quang minh lỗi lạc. Người học Phật phải từ đây mà học, trước tiên chúng ta phải học làm một người thành thật”. Đối với người tu hành việc học để trở thành một người thành thật là vô cùng quan trọng. Trong cuộc đời tu hành của chúng ta, có bao nhiêu việc mà chúng ta không thể nói với người? Người sống “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng” thì họ sẽ không có việc gì phải giấu người. Người thành thật là người “Vô sự bất khả cáo nhân ngôn”, không có việc gì phải giấu người.
Hòa Thượng nói: “Người có việc phải che giấu thì họ sẽ luôn cảm thấy đau khổ, áp lực, chúng ta không có việc gì phải che giấu thì chúng ta sẽ tự tại, an vui. Kiếp con người rất ngắn ngủi, chúng ta hà tất phải làm khổ chính mình! Phật Bồ Tát không có việc gì phải che giấu nên các Ngài luôn tự tại”. Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người học Phật không có thành tựu vì họ có quá nhiều bí mật. Chúng ta nhất định không được che giấu những tập khí xấu ác của mình. Ngài Tư Mã Quang cũng từng nói: “Để tiền lại con cháu, chưa chắc con cháu có thể giữ được, để sách lại con cháu, chưa chắc con cháu đã đọc, trong âm thầm chúng ta để lại âm đức thì đây là cách tính dài lâu cho con cháu”.
Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta làm việc chúng ta không dính mắc vào tướng của công việc, không có phân biệt, chấp trước”. Khi chúng ta làm việc thì chúng ta làm theo lời dạy của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền dạy. Chúng ta lo lắng việc không được tốt hay chúng ta tự mãn, tự cho rằng mình đã làm tốt một việc mà người khác không thể làm thì chúng ta đã dính tướng. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Điều này chúng ta cũng không dễ làm! Thí dụ, khi chúng ta xây dựng vườn rau, chúng ta làm y theo quy chuẩn thì chúng ta sẽ không sợ sai. Nếu chúng ta làm theo cách của mình thì chúng ta sẽ gây phiền phức cho mọi người.
Trong việc tu hành, chúng ta phải làm y theo lời dạy của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền, nếu chúng ta thêm vào hay bớt đi thì chúng ta sẽ gây ra đại hoạ. Ngày nay, nhiều người tự ý thêm hay bớt đi lời dạy của của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền nên đại họa không thể không xảy ra! Nhà Phật dạy chúng ta: “Y giáo phụng hành”. Chúng ta phải y theo lời dạy mà làm. Trong cách đối nhân xử thế chúng ta phải “y giáo phụng hành”, trong giáo dục hay trong tu hành thì chúng ta càng cần phải “y giáo phụng hành” một cách nghiêm túc hơn. Chúng ta dấu người khác những việc chúng ta làm thì tâm chúng ta đã không thanh tịnh. Khi chúng ta làm việc lợi ích chúng sanh, chúng ta không cần phải khoe khoang, người tốt thì làm việc tốt, người xấu thì làm việc xấu, chúng ta muốn làm Phật Bồ Tát thì chúng ta phải làm những việc Phật Bồ Tát đã làm!
Ngày trước, khi tôi đi giảng ở Vĩnh Long, sau buổi chia sẻ, có ba Phật tử quỳ xuống nói, họ sẽ nguyện “y giáo phụng hành” theo những lời chia sẻ của tôi. Tôi nói, mọi người chỉ cần “thật làm” là được không cần phải nói nhiều! “Y giáo” là chúng ta thật làm y theo lời đã được dạy. Tôi cũng thường nói, nhiều người lên học lớp buổi sáng để điểm danh mà không thật làm. Chúng ta nghe lời nhắc nhở mà chúng ta cảm thấy chấn động tâm can thì chúng ta mới có thể phản tỉnh, quay đầu, nỗ lực làm.
Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta khởi tâm động niệm đều phải vì chúng sanh, vì Phật pháp. Người tu học pháp môn Tịnh Độ thì phải chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Hoằng tu là một không phải là hai. Nhà Phật dạy: “Tự tha bất nhị”, ta và người là một không hai. Chúng ta khuyến dạy người khác cũng chính là chúng ta khuyến dạy chính mình, chúng ta dẫn dắt người khác niệm Phật cũng chính là chúng ta dẫn dắt chính mình”. Nhiều người học Phật nhưng vẫn phân biệt, chấp trước rất nặng nề. Chúng ta phân biệt đây là việc của ta, nhà của ta thì đây chúng ta không thể tu hành có thành tựu.