Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 03/09/2023
****************************
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC
Phần 3 Chương 3
NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM
(BÀI SÁU)
Hòa Thượng nói: “Người xưa được tiếp nhận nền giáo dục tốt hơn người ngày nay, phần lớn người xưa đều được tiếp nhận giáo dục chuẩn mực đạo đức từ nhỏ. Người ngày nay không tiếp nhận thậm chí nhiều người bài xích giáo dục chuẩn mực đạo đức của người xưa. Người ngày nay cho rằng ý niệm “tự tư tự lợi”, “tổn người lợi mình” là đúng, người có ý niệm này thì họ sẽ có được một chút lợi ích nhỏ nhưng sau này họ chắc chắn sẽ đọa lạc. Phật pháp gọi họ là “Kẻ đáng thương!”. Người không có trí tuệ thì họ mới làm những việc dại khờ như vậy!”.
Hòa Thượng bôn ba nhiều nơi trên thế giới, Ngài nhìn thấy đây là thực trạng đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Hòa Thượng từng nói, ở những nơi tỷ lệ ly hôn cao hơn 50%, tình hình xã hội nơi đó rất bất ổn. Nếu con cái thiếu đi sự dạy dỗ của Cha hoặc Mẹ, hoặc thậm chí không biết mặt Cha Mẹ thì chúng sẽ không có sự phát triển đầy đủ về mặt nhận thức. Trong xã hội hiện đại, đời sống vật chất càng lên cao thì đời sống tinh thần ngày càng xuống thấp, người ngày nay không còn xem trọng luân lý đạo đức. Khoa học kỹ thuật, đời sống vật chất phải phát triển dựa trên nền tảng luân lý đạo đức, nếu con người chỉ chạy theo đời sống vật chất mà sống không có đạo nghĩa thì đời sống đó không còn là đời sống của con người.
Người thế gian luôn “tự tư tự lợi” nhưng họ lại muốn được sống trong môi trường có đạo nghĩa, có chuẩn mực đạo đức, muốn người khác đối xử tử tế với mình. Ngày trước, khi tôi đi trên xe taxi ở Hà Nội, người lái xe nói, trong miền Nam khi tắc đường thì xe cộ vẫn xếp hàng theo đúng trật tự để di chuyển, ở miền Bắc, mọi người luôn chen lấn nhau, nhiều người đi lên cả lề đường. Tôi hỏi người lái xe, vì sao anh không xếp hàng di chuyển ngay ngắn thì anh nói, nếu anh nhường đường thì mọi người sẽ vẫn tiếp tục chen lấn và anh sẽ không thể đi được. Một lần, khi tôi đi giảng ở Đông Anh, anh lái xe nói với tôi, khi anh di chuyển trên đường, anh muốn đi nhanh nên anh không bao giờ chủ động nhường đường cho các xe khác. Đây là ý niệm cạnh tranh, ý niệm “tự tư tự lợi”, chỉ vì mình, không vì người.
Khi tôi lái xe, nếu bên kia đang tắc thì tôi sẽ chủ động nhường đường, nếu tôi nhìn thấy có người muốn qua đường thì tôi ra hiệu để họ đi trước. Tôi có ý niệm này vì tôi muốn tất cả những người tham gia giao thông trên cả hai trục đường có được lợi ích. Hôm trước, trên báo đăng tin, khi một người shipper thấy giao thông tắc nghẽn, anh đã dừng xe lại để giúp điều tiết xe cộ, một lúc sau thì giao thông được thông suốt. Một người không cần có bằng cấp cao nhưng họ có tình nghĩa, đạo nghĩa thì họ sẽ biết bổn phận của mình cần phải làm gì. Nếu một người có học vị nhưng họ chỉ “tự tư tự lợi”, “tổn người lợi mình” thì họ sẽ luôn cạnh tranh, đấu tranh với người. Chúng ta có ý niệm “tự tư tự lợi”, chúng ta “tổn người lợi mình” thì chúng ta sẽ gặp những người còn có ý niệm “tự tư tự lợi”, ý niệm “tổn người lợi mình” nhiều hơn chúng ta.
Hòa Thượng nhắc: “Chúng ta phải bỏ đi ý niệm “tự tư tự lợi”, ý niệm “tổn người lợi mình”. Chúng ta có ý niệm “lợi mình hại người” thì chúng ta sẽ gặp những người khác có ý niệm này còn nặng hơn chúng ta. Hiện tại, những người trồng rau không dám ăn rau do chính mình trồng vì họ luôn xịt rất nhiều loại thuốc lên rau. Nhiều người để riêng một góc vườn trồng rau để gia đình họ ăn, rau đó sẽ không bị phun các loại thuốc trừ sâu, các loại thuốc làm rau bóng đẹp. Ngày nay, có những loại thuốc kích thích, khi người nông dân hái quả xuống, các loại quả được phun thuốc kích thích này thì chúng vẫn tiếp tục lớn. Họ không dám ăn những sản phẩm do họ đã xịt thuốc nhưng họ vẫn phải ăn sản phẩm do người người khác trồng. Đây chính là mọi người đang hại lẫn nhau, người xưa gọi đây là: “đồng quy ư tận”, tất cả sẽ cùng đi vào chỗ chết.
Trước đây, có những người thu mua lá của cây hồng dẫn đến sản lượng quả hồng sụt giảm nghiêm trọng. Gần đây, nhiều người kích điện giun đất để bán, họ không biết rằng những việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của đất trong rất nhiều năm sau. Nhiều người thường kích điện các loài cá ở dưới sông, đây gọi là tận diệt vì họ giết hại tất cả các loài thuỷ sinh. Ở nước ngoài, người câu cá phải dùng một chiếc thước để đo chiều dài cá, nếu cá chưa đủ kích thước thì họ sẽ phải thả cá về môi trường tự nhiên. Hiện tại, báo chí đang hết sức phản đối việc phóng sanh chim, nguyên nhân một phần là do nhiều người bẫy chim bằng cách dùng keo, họ bật đài có tiếng chim để thu hút chim bay về, khi chân chim dính vào miếng keo thì chân của chim đã bị tổn thương nghiêm trọng. Chúng ta nhìn thấy chúng sanh cần cứu giúp thì chúng ta cứu, chúng ta không nên làm định kỳ hay thậm chí là chúng ta không nên biểu diễn phóng sanh. Nhiều người tổ chức đại lễ phóng sanh, phía trên có vài trăm người tham gia phóng sanh nhưng phía dưới cũng có hàng trăm người đang chờ để bắt cá. Khi tôi về miền Tây tổ chức ngày “Lễ vía Phật A Di Đà”, chúng tôi đi phóng sanh nhưng chúng tôi không để mọi người biết, chúng tôi ra ngoài sông nếu có ghe cá nào thì chúng tôi mua. Hiện tại, tôi không phóng sanh nữa, tôi dành thời gian làm những việc thiết thực hơn.