55Thứ Bảy, 02/09/2023, 18:11
149 · Nói Về Cách Giữ Tâm - 5

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 02/09/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM

(BÀI NĂM)

Tâm của chúng ta biến đổi liên tục theo mỗi sát-na vì vậy chúng ta phải đề cao cảnh giác, không để tập khí, phiền não dẫn đạo. Chúng ta tưởng rằng chúng ta đang làm theo lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền nhưng chúng ta chỉ cần lơi là thì chúng ta sẽ bị tập khí sai sự. Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta nghe thấy có người đang muốn làm việc tốt mà chúng ta cũng đang muốn làm vậy thì chúng ta hoan hỷ, tán thành, chủ động giúp đỡ họ. Người phát tâm thay Phật Bồ Tát phổ độ chúng sanh, làm sự nghiệp mà Phật Bồ Tát đã làm thì người đó chính là Phật Bồ Tát. Chúng ta làm việc vì chúng sanh chưa tốt đó là vì phiền não, tập khí hay chính là nghiệp chướng của chúng ta quá nặng”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn làm việc vì chúng sanh nhưng chúng ta không nỗ lực, không toàn tâm toàn ý làm mà chúng ta cầu Phật Bồ Tát ứng hoá thì Phật Bồ Tát sẽ không giúp chúng ta”. Chúng ta toàn tâm, toàn ý làm vì chúng sanh thì Phật Bồ Tát sẽ hộ trì, giúp đỡ chúng ta. Khi chúng ta làm việc vì chúng sanh thì sẽ có những người đến giúp chúng ta, họ chính là Phật Bồ Tát. Chúng ta phải kiểm soát chính mình, chúng ta có làm việc của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền hay chúng ta đang làm cho “cái ta” của mình? Nếu chúng ta làm một việc mà chúng ta khiến những người xung quanh cảm thấy phiền não thì chúng ta đã sai. Những người làm việc cùng tôi luôn rất khẩn trương nhưng họ không cảm thấy bức bách, khó chịu. Tôi rất nghiêm khắc, nếu ai để một món đồ không đúng chỗ nhiều lần thì tôi sẽ nhắc. Tôi có thể nói họ đã phạm phải sai phạm đó mấy lần và ở những nơi đâu. Trước tiên, chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình, sau đó chúng ta mới yêu cầu những người xung quanh.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đoạn huệ mạng của chúng sanh thì chúng ta đã tạo ra tội nghiệp lớn nhất, tội nghiệp này sẽ dẫn chúng ta vào Địa ngục”. Chúng sanh có duyên may gặp Phật pháp, gặp Thánh Hiền mà chúng ta làm cho họ thoái tâm, họ rời bỏ giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì tội nghiệp này vô cùng lớn. Nhiều người mới tiếp nhận Phật pháp, giáo huấn Thánh Hiền, họ chưa hiểu sâu sắc nên họ sẽ dễ dàng chuyển tâm. Bác Hồ dạy chúng ta, chúng ta có thể rèn luyện con người nghiêm khắc giống như chúng ta giã gạo nhưng khi dùng người thì chúng ta phải rất thận trọng. Người nào có duyên đến với chúng ta thì chúng ta phải cố gắng giữ họ ở lại, họ giống như một chồi non rất dễ thui chột, cần phải được chăm sóc cẩn thận. Nếu chúng ta để họ mất đi đạo tâm thì đến khi nào họ mới có cơ hội có lại? Chúng ta nghiêm khắc nhưng từ ái, bao dung thì chồi non sẽ có thể phát triển.

Tôi rất nghiêm khắc với mọi người nhưng khi họ gặp khó khăn thì tôi rất quan tâm, hỗ trợ. Có một người tôi đã giáo dưỡng, nuôi dưỡng, cấp dưỡng một thời gian nhưng sau đó họ nói, họ muốn trở về nhà. Sau đó, khi tôi biết họ có cuộc sống khó khăn thì tôi bảo một người chuyển tiền giúp họ không bị đói, khi nào họ quay đầu thì tôi sẽ lại tiếp nhận. Chúng sanh rất can cường nên chúng ta phải dùng mọi cách để giáo hóa. Chúng sanh hàng ngày tạo tác nghiệp của ba đường ác nên họ phải vào Địa ngục, đối với chúng sanh trong Địa ngục, Bồ Tát Địa Tạng phát nguyện: “Địa Ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề”. Địa ngục chưa rỗng không thì Ngài thề không thành Phật, chúng sanh độ hết thì Ngài mới chứng quả Bồ Đề. Chúng sanh đã bị đoạ vào Địa Ngục nhưng Bồ Tát Địa Tạng vẫn vào Địa ngục để tiếp độ họ vậy thì chúng sanh xung quanh chúng ta phạm phải những lỗi lầm rất nhỏ thì chúng ta phải nghiêm khắc nhưng bao dung với họ. Nếu chúng ta làm thui chột chồi non huệ mạng của người thì họ sẽ vĩnh kiếp luân hồi thậm chí họ có thể vĩnh kiếp làm oan gia của nhà Phật, oan gia của Cổ Thánh Tiên Hiền.

Hòa Thượng nói: “Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay mới có được thân người, có cơ duyên nghe được Phật pháp, chúng ta đoạn mất cơ duyên này thì tội của chúng ta nặng đến bao nhiêu! Phật nói, đoạn huệ mạng của người là tội đoạ A Tỳ Địa ngục”. “A tỳ” là Địa ngục trong đó chúng sanh phải chịu tội liên tục, không ngơi nghỉ. Chúng sanh trong Địa ngục A-tỳ giống như con thiêu thân, con thiêu thân nhìn thấy ánh lửa rất hấp dẫn nên chúng lao vào đó. Chúng sanh ở Địa ngục nhìn thấy cột đồng nóng đỏ thì họ rất yêu thích, khi họ ôm cột đồng thì họ liền cháy thành tro, gió nghiệp thổi qua thì họ lại có thân người, quá trình này diễn ra trong vô lượng kiếp. Chúng sanh ở trên giường sắt, trong núi đao, vạc dầu cũng vậy, tất cả cảnh đều do chúng sanh tự biến hiện ra. Điều này giống như, ở thế gian, nhiều người vẫn làm những việc trái với pháp luật, sai với nhân quả vì họ bị cám dỗ bởi danh lợi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook