81Thứ Tư, 12/04/2023, 08:38
14 · Chương II - Nói Rõ Phương Pháp Niệm Phật - 12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 12/04/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP “TỊNH KHÔNG PHÁP SƯ GIA NGÔN LỤC”

 “CHƯƠNG II : NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” (PHẦN MƯỜI HAI)

Hòa Thượng nói: “Chỉ có hai hạng người có thể vãng sanh, hạng thứ nhất là bậc thượng căn lợi trí, hạng thứ hai là bậc hạ ngu. Bậc thượng căn lợi trí là người thông đạt, tường tận chân tướng sự thật nên họ không hoài nghi, không xen tạp, tịnh niệm nối nhau. Bậc hạ ngu, phần nhiều là những người già không có hiểu biết, trong tâm họ một lòng một dạ niệm đến cùng câu “A Di Đà Phật”, họ không có tri kiến, không phân biệt, chấp trước. Chúng ta bình lặng mà suy xét xem chúng ta là hạng người nào?”. “Tri kiến” là những hiểu biết, quan điểm cá nhân của mỗi người. Chắc chắn chúng ta không phải là bậc thượng căn lợi trí vì bậc thượng căn lợi trí không hoài nghi, xen tạp.

Ngày trước, khi tôi đi chia sẻ ở một đạo tràng, tôi nói rất mạnh mẽ về việc niệm câu “A Di Đà Phật” đến cùng. Sau khi tôi chia sẻ gần hai tiếng vẫn có người hỏi tôi là họ có thể trì chú vãng sanh được không? Chúng ta vẫn là hoài nghi, vẫn không một lòng, một dạ niệm một câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta hoài nghi, tâm chúng ta có chướng ngại vì chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin. Chúng ta không tiếp nhận những tư tưởng khác thì đó là chúng ta đang hộ pháp cho chính mình.

Ngày trước, khi những vị Thầy nổi tiếng đến Đài Trung thăm lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Lão cư sĩ đều đích thân ra sân bay đón tiếp nhưng Ngài không thỉnh các vị đó khai thị. Nhiều học trò nhắc mắc, họ hỏi Ngài Lý Bỉnh Nam lý do vì sao không thỉnh các vị Thầy đó khai thị. Lão cư sĩ nói: “Tôi không thỉnh họ khai thị vì tôi muốn hộ pháp cho các vị! Tôi muốn giữ tâm các vị thanh tịnh. Vị đó là người tu Thiền, tu Mật trong khi đạo tràng chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ. Nếu vị nào nói, tu Tịnh mà có thêm Thiền thì như hổ mọc thêm sừng, tu Tịnh mà có thêm Mật như chiếc đỉnh có ba chân thì tâm của các vị sẽ giao động!”. Ngày nay, chúng ta nghe nhiều tư tưởng tà tri, tà kiến vậy nên tâm chúng ta không thể không hoài nghi, không xen tạp!

Trong “Bồ Tát Đại Thế Chí niệm Phật Viên Thông Chương”, Bồ Tát Đại Thế Chí đã khai thị cho chúng ta: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục, tự đắc tâm khai, nhập Tam Ma Địa”. Chúng ta gom nhiếp sáu căn tịnh niệm câu “A Di Đà Phật” thì chúng ta sẽ vào được cảnh giới của Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Vì chúng sanh không thể nghe được pháp Nhất Thừa nên ta phải nói pháp Nhị Thừa, Tam Thừa. Nếu chúng sanh nghe được pháp Nhất Thừa thì ta chỉ nói pháp Nhất Thừa”. Pháp Nhất Thừa chính là pháp giúp chúng ta thẳng đến thành Phật. Công phu niệm Phật không hề thấp nhưng chúng ta làm chưa tới, chưa đạt nên chúng ta dễ thối chuyển. Nhiều đời Tổ Sư Đại Đức đã vãng sanh, nhiều người niệm Phật đã đứng, ngồi tự tại vãng sanh.

Khi Hòa Thượng giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, Hòa Thượng nói: “Bạn có đủ can đảm suốt cuộc đời này niệm một câu “A Di Đà Phật” không?”. Nhiều người cho rằng họ phải trì chú, tụng Kinh thì buổi hành trì của họ mới linh thiêng. Nhiều người hàng ngày thắp hương, làm các nghi thức rất trịnh trọng nhưng đến giờ học thì họ vẫn ngủ quên. Nhiều năm rồi tôi không thắp hương nhưng tôi không dậy trễ ngày nào. Chúng ta học Phật, nếu chúng ta không tiến thì ắt chúng ta sẽ lùi. Chúng ta thường tiến chậm nhưng lùi rất nhanh. Chúng ta tiến được một bước nhưng nếu chúng ta lùi thì lần đầu chúng ta lùi mười bước, lần thứ hai chúng ta sẽ lùi hai mươi bước.

Người xưa dạy: “Với người thì chúng ta bao dung đến mười phần, với ta thì chúng ta phải đuổi cùng diệt tận tập khí, phiền não của mình!”. Nhiều người vẫn lơ là, chểnh mảng, dung dưỡng tập khí, phiền não của mình. Chúng ta đừng bao giờ có ý niệm, ngày mai chúng ta khỏe hơn, chúng ta sẽ tinh tấn hơn. Ngày đó sẽ không bao giờ đến! Khi tôi bị bệnh, tôi không thở được, tôi đứng không vững nhưng tôi vẫn cố gắng lạy Phật ngày bốn thời. Tôi cố gắng lạy nhưng thường không lạy được đủ thời gian, mồ hôi của tôi luôn ra ướt áo. Đến giờ cần dậy, nếu tôi không ngồi dậy thì tôi sẽ tự lăn người xuống đất. Khi tôi chuẩn bị lăn xuống đất thì tôi liền tỉnh táo vì cơ thể tôi sợ đau. Chúng ta làm như vậy hai đến ba lần thì “ma ngủ” sẽ bỏ đi. Chúng ta không ngừng nỗ lực thì chúng ta sẽ vượt qua tập khí, phiền não của chính mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook