59Thứ Năm, 31/08/2023, 21:21
147 · Nói Về Cách Giữ Tâm - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 31/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM

(BÀI BA )

Hòa Thượng nói: “Chúng ta có rất nhiều khuyết điểm nhưng chúng ta không biết, nếu người khác nói ra khuyết điểm của chúng ta thì chúng ta phải chăm chỉ kiểm điểm, lập tức thay đổi. Người khác giúp chúng ta chỉ ra khuyết điểm, họ giúp chúng ta tiến bộ vậy thì họ là ân nhân của chúng ta. Chúng ta hiểu được điều này thì cả đời này chúng ta sẽ sống trong sự cảm ơn”. Hòa Thượng dạy chúng ta sống trong thế giới biết ơn. Hàng ngày, chúng ta phải cảm ơn mọi người đã nhắc nhở, kiểm điểm, chỉ lỗi thì chúng ta. Nếu không có sự dạy bảo của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì chúng ta sẽ không thể nhận ra lỗi lầm của mình. Chúng ta phải chân thật cảm ơn bằng cách chúng ta thật cải đổi, thật tiến bộ. Chúng ta chỉ nói cảm ơn trên miệng, chúng ta không thật làm thì chúng ta là kẻ vong ân, bội nghĩa với Cha Mẹ, với Thầy Tổ, và những người thành tựu cho chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ xã hội, lợi ích chúng sanh. Người khác làm hay không thì đó là việc của họ, nếu việc làm của họ không liên quan đến chúng ta thì chúng ta không cần truy vấn, chúng ta phải giữ gìn tâm thanh tịnh của chính mình”. Chúng ta thành tâm, thành ý làm thì chúng ta sẽ cảm động được rất nhiều người. Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta: “Kiệt thành tự khả chuyển phàm tâm” hay “Chí thành cảm thông”. Tâm chúng ta đạt đến mức chân thành thì chúng ta sẽ chuyển được tâm phàm phu của chính mình và tâm phàm phu của người khác.

Tôi nhớ mãi một lần khi tôi đi chợ, tôi nhờ cô bán hàng chọn giúp tôi những trái mướp đắng sắp vàng, cô nhìn tôi có chút ngạc nhiên, sau đó cô chọn những quả vàng để tặng và những quả ngon để bán cho tôi. Chúng ta tưởng chúng ta tử tế nhưng nhiều người buôn bán ở ngoài chợ còn tử tế hơn chúng ta! Đây là một bài học cho chúng ta. Hàng ngày, họ bán hàng ở ngoài chợ, họ bị người khác kỳ kèo, trả giá rất nhiều nhưng họ vẫn có thể cho đi. Chúng ta dùng tâm chân thành với mọi người thì chúng ta cũng sẽ khơi dậy tâm chân thành của họ. Gần đây, tôi cũng nghe mọi người báo cáo lại, khi chúng ta đang dự định làm một việc thì có người chân thành khuyên chúng ta đợi một thời gian nữa mới làm việc đó thì công việc của chúng ta sẽ thuận lợi hơn, hạn chế tốn kém hơn. Đây đúng như người xưa nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Chướng ngại là từ ở nơi chính mình chứ không phải chướng ngại từ bên ngoài.

Hòa Thượng nói: “Nhiều người làm việc tốt nhưng sau khi làm họ vẫn dính mắc, vướng bận trong tâm. Tâm của chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta chỉ có được phước hữu lậu của tam giới, quả báo nhiều nhất cũng chỉ là ở cõi Trời, cõi Người. Chúng ta có phước đức thanh tịnh thì quả báo của chúng ta là ở thế giới Cực Lạc, ở pháp giới Nhất Chân”. Hàng ngày, khi chúng ta làm việc tốt thì chúng ta thường ghi nhớ ở trong lòng. Trên “Kinh Kim Cang” dạy chúng ta “Bố thí Tam Luân Không Tịnh” nghĩa là “Chúng ta bố thí mà chúng ta không thấy người cho, không thấy người nhận và không thấy vật cho đi”. Hàng ngày, chúng ta cho đi rất nhiều nhưng chúng ta phải không thấy mình là người cho. Suy cho cùng, những vật chất đó cũng không phải là của chúng ta mà là của tất cả mọi người. Chúng ta phát gạo thì gạo đó do mọi người mang đến, chúng ta chỉ đại diện tặng. Chúng ta làm việc gì cho chúng sanh thì việc đó cũng là sự góp sức của nhiều người. Chúng ta cố chấp cho rằng chúng ta làm việc đó thì phước chúng ta có được là phước ở ba đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Chúng sanh ở trong cõi Súc sanh cũng được hưởng phước, có những con vật được chủ chăm sóc, tắm rửa, cho ăn rất chu đáo. Tâm chúng ta dính mắc thì chúng ta sẽ tạo ra phước của ba đường ác, chúng ta không thể tạo được phước của ba đường thiện hay phước của Tam giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

Mấy ngày gần đây, báo chí thống thiết kêu gọi mọi người hiểu đúng ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan và của việc phóng sanh. Hiện tại, rất nhiều người chuyên đi đánh bắt chim để bán lại cho những người phóng sanh chim. Những người bắt chim dùng keo để bẫy những con chim se sẻ, sau khi con chim bị kéo ra khỏi bẫy, chân của nó đã mất một lớp màng nên nó không thể sống được. Chúng ta quán sát, chúng ta có đang phóng sanh bằng tâm từ bi, yêu thương chúng sanh không hay chúng ta đang muốn bù đắp cho những tội lỗi của mình? Nhiều người cho rằng họ đã phạm nhiều tội lỗi nên họ phải phóng sanh để bù đắp lại. Nếu chúng ta phát được tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi” đối với chúng sanh thì chúng ta sẽ biết được việc gì thật sự lợi ích cho chúng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook