61Thứ Tư, 30/08/2023, 14:54
146 · Nói Về Cách Giữ Tâm - 2

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 30/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM

(BÀI HAI )

Người xưa nói: “Tâm viên ý mã”. Tâm của chúng ta giống như con khỉ chuyền cành, ý của chúng ta giống như con ngựa ở ngoài đồng hoang. Tâm của chúng ta luôn biến đổi rất nhanh. Hàng ngày, chúng ta phải kiểm soát tâm một cách chặt chẽ, không để tâm mình buông lung. Chúng ta đến một môi trường tuỳ tiện, phóng túng thì tâm chúng ta cũng sẽ tuỳ tiện phóng túng. Chúng ta đến một môi trường trang nghiêm, nghiêm túc thì tâm chúng ta cũng sẽ trở nên nghiêm trang, nghiêm túc. Ngay đến các bậc A-La-Hán, các bậc đã chứng lậu tận thông, không còn phải sinh tử, khi nghe tiếng nhạc trời thì các Ngài cũng bất giác đứng dậy nhảy múa. Khi chúng ta nghe điệu nhạc thì miệng của chúng ta ngâm nga, chân tay chúng ta cũng gõ nhịp.

Người tu hành Phật pháp hay người học chuẩn mực Thánh Hiền đều phải bắt đầu tu từ nơi tâm. Chúng ta tùy tiện để tập khí dẫn đạo thì những tập khí này sẽ mãi làm chủ chúng ta. Hòa Thượng từng nói: “Chúng ta chưa từng làm chủ được mình một lần nào nên chúng ta mới thành ra như thế này! Nếu chúng ta có một lần làm chủ được chính mình thì chúng ta đã làm Phật Bồ Tát”. Hôm nay, chúng ta là phàm phu, đời này và đời sau nếu chúng ta không làm chủ được chính mình thì chúng ta sẽ mãi là một phàm phu. Bài học hôm qua Hoà Thượng nói: “Phật Bồ Tát nhìn thấy tất cả chúng sanh là Phật Bồ Tát. Người thiện nhìn thấy tất cả chúng sanh là người thiện. Người ác nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là người ác. Vậy thì chúng ta phản tỉnh xem chúng ta đang là người mê hay người giác?”.

Hòa Thượng nói: “Mỗi người có sở thích khác nhau, chúng ta không nên yêu cầu người khác phải giống như mình. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta: “Nhập cảnh tùy tục”. Bồ Tát Phổ Hiền cũng dạy chúng ta: “Hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức”. Chúng ta phải tùy thuận người khác, chúng ta không nên yêu cầu người khác phải tùy thuận theo chúng ta. Phật Bồ Tát có thể tôn trọng tùy thuận người khác, phàm phu muốn người khác tôn trọng, tùy thuận, phục tùng mình. Phàm, Thánh khác biệt ở ngay chỗ này!”. Tùy thuận” là chúng ta thuận theo tánh đức, chúng ta không thuận theo tập tánh của người khác. Tập tánh là những tập khí xấu ác. Tự tánh của chúng ta vốn dĩ là thuần tịnh, thuần thiện. Chúng ta nhìn thấy người khác làm ác, chúng ta cũng làm theo họ vậy thì chúng ta đã sai. Nếu tâm một người không thuần tịnh, thuần thiện thì chúng ta nên khéo léo tránh đi, chúng ta không nên làm người khác cảm thấy khó chịu.

Hòa Thượng nói: “ Ở thế gian, chúng ta không nên kết oán với người. Người khác huỷ báng, hãm hại chúng ta thì chúng ta phải cam tâm, nhẫn chịu, nhất định chúng ta không có một chút ý niệm báo thù. Nếu chúng ta có một chút ý niệm báo thù thì oan oan tương báo không bao giờ có thể kết thúc”. Người khác nhục mạ, hãm hại thậm chí giết hại vậy thì nhất định, trong đời quá khứ chúng ta đã làm như vậy với họ. Ngày nay, họ đối xử với chúng ta như vậy thì món nợ này coi như đã trả xong. Chúng ta nghe lời dạy này rất nhiều lần nhưng khi chúng ta bị ức hiếp, bị oan, chúng ta vẫn cảm thấy “nuốt không trôi”. Chúng ta phải hiểu tất cả là nhân quả, không có nhân thì sẽ không có quả. Chúng ta phải có cái thấy, cái nhìn là chúng ta đang trả nợ.

Tôi thường nói, hiện tại, tôi không thiếu gì mà tôi chỉ “thiếu nợ”. Chúng không có mong cầu nên chúng ta không thiếu thứ gì. “Thiếu nợ” là trong nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã tạo ra rất nhiều oan trái cho chúng sanh, chúng ta đều đang thiếu nợ chúng sanh. Hòa Thượng nhắc, khi chúng ta gặp phải việc thì chúng ta phải nghĩ đó là chúng ta đang trả nợ. Chúng ta trả nợ xong, đời sau gặp lại chúng ta và họ sẽ là bạn tốt, không còn phải đối đầu, không còn “oan oan tương báo”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định không được có chút tâm, chút hành vi hãm hại người nào, đây chính là chúng ta tu hành. Chúng ta làm được điều này thì chúng ta chân thật là người có phước. Chúng ta không nên kết oán thù với chúng sanh, ngay đến súc sanh chúng ta cũng không nên kết oán thù!”. Những hôm gần đây, báo chí nói nhiều về việc chúng ta phóng sanh chim, nhiều người cho rằng vì có người phóng sanh chim nên mọi người mới bắt chim. Nhiều tờ báo đang kêu gọi mọi người không phóng sinh chim nữa. Có một chú chim ri bị bắt, chú đã cắn vào lồng sắt để được tự do, chú chim đó đã chết vì kiệt sức. Chú chim đó có lẽ đang phải nuôi đàn chim nhỏ nên nó muốn được thoát ra khỏi lồng sắt. Chúng ta phải hết sức từ bi quán sát, thận trọng khi phóng sanh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook