198Thứ Ba, 29/08/2023, 16:46
145 · Nói Về Cách Giữ Tâm

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 29/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI VỀ CÁCH GIỮ TÂM

Hòa Thượng nói: “Giữ tâm” là chúng ta giữ tâm mình nhân từ, chân thành, yêu thương, giúp đỡ người vô điều kiện. Chúng ta giữ được tâm như vậy thì chúng ta sẽ có phước báu chân thật của thế gian và xuất thế gian”. Chúng ta phải giúp đỡ người vô điều kiện trên nền tảng tâm nhân từ, chân thành, yêu người. Người giúp đỡ người khác vô điều kiện thì là người đang vận dụng tâm của Phật Bồ Tát vậy thì họ chính là Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát thị hiện trong vô lượng, vô biên thân để giúp ích chúng sanh. Trong “Kinh Phổ Môn” nói, Bồ Tát có thể thị hiện thân quan chức, công nhân, làm ông chủ, trong tất cả các ngành nghề đều có hoá thân của Phật Bồ Tát. Người không học Phật, không mang hình tướng của Phật nhưng họ giúp người khác vô điều kiện thì họ chính là Phật Bồ Tát.

Tu tâm chính là chúng ta tu thân. Nhiều người nói họ tu tâm nhưng họ chỉ tu ở trên miệng, khởi tâm động niệm của họ vẫn là “tự tư tự lợi”, vẫn làm những việc “lường cân tráo đấu”, “lừa Thầy phản bạn”. Người đã quy y Phật, có pháp danh thì vẫn chưa phải là đệ tử Phật, đó chỉ là họ làm trên hình thức. Chúng ta giúp đỡ chúng sanh có hạnh phúc, an vui thì chúng ta chân thật là người học Phật. Người giúp đỡ, thành tựu cho người một cách vô điều kiện thì người đó sẽ có phước báu chân thật. Khi chúng ta làm việc vì chúng sanh thì chúng ta sẽ có đãi ngộ nhưng chúng ta phải biết “tri túc”. Chúng ta chỉ cần có đủ dùng ở mức thấp nhất, không lãng phí. Nếu chúng ta có phước báu, có đãi ngộ mà chúng ta thoả sức thọ dụng vậy thì chúng ta đã tiêu hao hết phước báu của mình.

Khi Hòa Thượng đã hơn 70 tuổi, mọi người muốn cử hai người thị giả hỗ trợ Hòa Thượng làm các công việc thường ngày nhưng Ngài từ chối. Khi Ngài Lý Bỉnh Nam hơn 90 tuổi, Ngài vẫn tự phục vụ bản thân. Chúng ta là thanh niên, chúng ta có sức khỏe, chúng ta phải cẩn trọng trong việc thọ dụng, hưởng thụ. Nếu chúng ta dùng hết phước thì chúng ta sẽ “thân tàn ma dại” hay người thế gian thường nói là “lộc tận thì nhân vong”. Chúng ta hết phước thì chúng ta sống không được, chết cũng không xong. Chúng ta phải biết tiếc phước, tích phước, tu phước. Chúng ta vào một căn phòng lớn mà chúng ta tùy tiện mở máy lạnh, chúng ta được người mời đi ăn uống, đãi ngộ mà chúng ta tùy tiện thọ dụng thì chúng ta đã lãng phí phước báu. Chúng ta quán sát, đó là chúng ta đang có phước hay chúng ta đang hưởng nhờ phước của người khác?

Tôi luôn tri ân Hòa Thượng, cuộc đời của tôi được hưởng nhờ phước của Hòa Thượng. Hoà Thượng 30 năm ở nhờ nhà của một vị cư sĩ, sau khi tôi dịch đĩa của Hòa Thượng sáu năm thì tôi đã chuyển đến ngôi nhà này. Đồ đạc trong ngôi nhà này rất giản dị, chiếc bàn tôi đang ngồi giảng được tôi nhặt được ở ngoài đường, tôi phải dán giấy trang trí bên ngoài bàn để mọi người không nhìn thấy phần đã bị mục. Chiếc bàn thờ Phật này cũng được đóng từ gỗ thông mà mọi người đã bỏ đi.

Hòa Thượng kể, mọi người tặng Hòa Thượng một bức tượng Phật cổ, rất giá trị, Hòa Thượng bảo mọi người chụp ảnh bức tượng và in ra để tặng cho mọi người. Khi Ngài đi giảng, Ngài chỉ đem theo bức ảnh của bức tượng Phật. Hòa Thượng nói: “Tấm ảnh Phật của tôi không đáng giá một đồng nên không ai muốn lấy! Nếu tôi mang theo bức tượng cổ thì tôi sẽ làm nhiều người khởi lòng tham!”. Hòa Thượng đã tặng lại bức tượng Phật cổ đó cho đạo tràng Cư sĩ Lâm. Hoà Thượng được tặng rất nhiều bổ phẩm quý giá nhưng Ngài chưa bao giờ dùng, Ngài chuyển tất cả xuống nhà bếp để cúng dường đại chúng. Đây là tâm của một vị Bồ Tát Hòa Thượng thị hiện để dạy bảo chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Nhà Phật nói: “Một hạt gạo của thí chủ nặng như núi Tu Di. Đời này chúng ta không liễu đạo thì đời sau chúng ta phải mang lông đội sừng để trả!”. Hòa Thượng nói vui: “Tôi không thọ dụng mà tôi cúng dường tất cả cho mọi người, nếu mai này, tôi không liễu đạo thì tôi cũng không phải mang lông đội sừng để trả!”. Nếu chúng ta vẫn thích “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” vậy thì chúng ta không còn phước để chúng sanh cùng hưởng. Chúng ta giữ được tâm như Phật Bồ Tát đã dạy thì chúng ta sẽ làm được như Phật Bồ Tát đã làm. Tôi được tặng rất nhiều quần áo nhưng tôi cũng tặng lại cho mọi người, tôi chỉ giữ lại một, hai bộ để mặc khi đi giảng hoặc khi tôi đến các trường làm việc. Khi tôi giảng “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục” tôi chỉ mặc một bộ đồ này. Hòa Thượng nói: “Tích tài thì tán đạo”. Chúng ta thích tích chứa thì chúng ta không thể giữ được đạo tâm.

Hòa Thượng nói: “Đại sư Ngẫu Ích nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu ở tâm ta”. “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất. “Duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Cảnh duyên bên ngoài, người, sự vật, sự việc bên ngoài đều không có tốt xấu, không có thiện ác, tốt xấu đều do tâm chúng ta. Chúng ta dùng tâm ác thì chúng ta thấy người, sự vật đều xấu ác”. Một người xấu ác là do họ không được giáo dục chuẩn mực đạo đức, nếu họ được dạy thì họ. sẽ hoàn toàn khác. Họ không được giáo dục nên họ đáng thương hơn đáng trách. Nếu họ được giáo dục tốt thì chắc chắn họ sẽ trở thành người tốt. Chúng ta phải chuyển từ tâm oán trách thành tâm đáng được giúp đỡ, đáng được thương xót và đáng được bao dung.

Hòa Thượng nói: “Phật xem tất cả chúng sanh đều là Phật, Bồ Tát xem tất cả chúng sanh đều là Bồ Tát, người thiện xem tất cả chúng sanh là người thiện, người ác xem tất cả chúng sanh đều là người ác. Chúng ta phải hết sức phản tỉnh, chúng ta đang là người thiện hay người ác, là phàm phu hay Thánh nhân, là người mê hay người ngộ?”. Chúng ta nhìn thấy tất cả chúng sanh là người xấu, người ác thì chúng ta chính là người xấu ác. Phật nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là Phật. Phật biết “bổn lai diện mục” của chúng sanh đều là Phật nên Phật không quản khó khăn để tiếp độ chúng sanh, giúp chúng sanh khơi dậy tính Phật, thành Phật. Bồ Tát nhìn thấy tất cả chúng sanh là Bồ Tát, Bồ Tát biết được tất cả chúng sanh đều có thể làm Bồ Tát, các Ngài không ngại gian khổ, thị hiện ra tất cả các thân phận để tiếp cận, khơi dậy “bản lai diện mục” của chúng sanh, giúp chúng sanh thành Bồ Tát.

Khi Hòa Thượng còn trẻ, một lần Ngài đến thăm một vị Lão Hoà Thượng, vị Lão Hòa Thượng nói với Hòa Thượng rằng có một người vừa đến đây, người này đã gạt Ngài ba lần. Vị Lão Hoà Thượng biết tường tận là người kia đến để gạt tiền mình nhưng Ngài vẫn để họ gạt vì Ngài biết tự tánh của người kia cũng giống như Phật Bồ Tát. Một ngày nào đó, người kia biết rằng vị Lão Hoà Thượng biết rằng họ đến lừa tiền Ngài thì người đó cũng sẽ hổ thẹn mà giác ngộ.

Hòa Thượng nói: “Từ vô lượng kiếp đến nay tội nghiệp của chúng ta đều là do chúng ta phản ứng với hoàn cảnh bên ngoài. Hoàn cảnh bên ngoài là trung lập, hoàn cảnh bên ngoài tốt hay xấu đều do cách nội tâm chúng ta phản ứng”. Nội tâm chúng ta tốt thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ tốt, nội tâm chúng ta xấu ác thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ xấu. Phàm phu nhìn thấy một người là xấu ác nhưng Phật Bồ Tát nhìn thấy người đó đáng thương, đáng cứu giúp, hai góc nhìn này hoàn toàn khác.

Hòa Thượng nói: “Phật nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm là: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tất cả là do tâm chúng ta biến hiện ra. Cho nên Phật nhìn thấy tất cả chúng sanh, trong đó cả chúng sanh trong Địa ngục cũng là Phật, đối với chúng sanh trong Địa ngục, Phật cũng cung kính, không dám xem thường!”. Các Ngài chỉ nhìn thấy “tự tánh” của chúng sanh, chúng sanh vốn dĩ là thuần tịnh, thuần thiện. Chúng ta không nhìn vào bản thể, chúng ta chỉ nhìn vào tập tánh của chúng sanh. Hôm nay họ là người ác nhưng họ không thể vĩnh viễn là người ác, một ngày họ sẽ trở thành người người thiện.

Trước đây, tôi cũng là một người xấu ác, tôi cũng giết hại rất nhiều chúng sanh nhưng sau đó tôi lại phóng sanh rất nhiều. Chúng ta nhìn thấy một người chỉ sát sinh thì chúng ta sẽ cho rằng họ là người cùng hung, cực ác; Chúng ta thấy một người chỉ “tự tư tự lợi” thì chúng ta cho rằng họ sẽ mãi “tự tư tự lợi”, chúng ta không biết rằng đến một ngày nào đó họ sẽ có thể hoàn toàn thay đổi!

Hòa Thượng nói: “Mười Đại Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta: “Lễ kính chư Phật”. Đối với chúng sanh trong Địa ngục, yêu ma quỷ quái chúng ta đều phải cung kính, đều phải xưng niệm Nam Mô”. Nam mô” là quy y, là lễ kính. Hiện tại, tập tánh của chúng sanh là xấu ác nhưng Phật Bồ Tát không nhìn chúng sanh ở trên tập tánh. Chúng sanh tạo tác nhiều tội nghiệp thì tương lai họ phải nhận quả báo, khi họ trả hết quả báo, họ quay đầu, hướng thiện thì họ sẽ trở thành người tốt. Phật Bồ Tát nhìn thấy tội ác của chúng sanh nhưng các Ngài biết đó chỉ là tập tánh. Tự tánh của mọi chúng sanh đều là thuần tịnh, thuần thiện, bản thể của tất cả chúng sanh là chư Phật.

Hòa Thượng nói: “Hoàn cảnh bên ngoài không có xấu ác. Chúng ta thấy hoàn cảnh xấu ác đó là do tâm chúng ta xấu ác vì vậy chúng ta nhất định không được oán trách hoàn cảnh bên ngoài. Chúng ta muốn thay đổi hoàn cảnh đời sống thì chúng ta phải thay đổi tâm mình. Tâm của chúng ta chánh thì tất cả đều là chánh, tâm của chúng ta thiện thì tất cả đều là thiện”. Chúng ta biết rằng cho đi thì không bao giờ hết thì chúng ta sẽ tích cực cho đi, chúng ta càng cho đi thì chúng ta sẽ càng tự tại. Người chưa biết, chưa giác ngộ thì họ cho rằng cho đi là hết vì vậy họ sẽ cố gắng “tự tư tự lợi”.

Hòa Thượng nói: “Người khác mắng chửi ta, ta tôn kính họ. Người khác hủy báng ta, ta tán thán họ. Mỗi người đều có ưu khuyết điểm, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy điểm tốt của họ thì người trong thiên hạ đều là người thiện. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người thì chúng ta sẽ thấy ngay đến Phật Bồ Tát cũng không phải là người tốt. Do đây có thể biết, phải trái tốt xấu là không có tiêu chuẩn, tâm chúng ta thiện thì tận hư không khắp pháp giới đều là thiện, tâm chúng ta thiện thì cả cuộc đời chúng ta sẽ hạnh phúc, an vui”.

Nhiều người thế gian oán trách rằng Phật Bồ Tát không từ bi, không cứu giúp họ. Ngài Lục Tổ Huệ năng nói. “Nhược chân tu hành nhân, bất kiến thế gian quá”. Người chân thật tu hành không thấy lỗi thế gian. “Không thấy” là chúng ta không phân biệt chấp trước. Chúng ta không thấy lỗi của người không phải là chúng ta không biết, chúng ta biết rõ, biết tường tận nhưng chúng ta không dính mắc trong tâm. Người thế gian phạm sai lầm chỉ là nhất thời do tập khí xấu ác dẫn dắt, nếu họ được dẫn dắt, được ở gần người tốt thì một ngày đẹp trời họ sẽ khơi dậy được những đức tính tốt đẹp trong tự tánh. Tự tánh của chúng sanh vốn là thuần tịnh, thuần thiện, tự tánh là thường hằng, vốn có, một ngày nào đó tự tánh sẽ được khơi dậy, hiển lộ. Tập tánh của chúng sanh là do tâm chúng sanh bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh. Phật Bồ Tát phát nguyện vào Địa ngục vì các Ngài biết chúng sanh sẽ có thể hồi phục được tự tánh, tập tánh xấu ác chỉ ở bên ngoài.

Bài học hôm nay rất cảm động, Hòa Thượng dạy chúng ta cách giữ tâm. Chúng ta phải giữ được tâm chân thành, yêu người, giúp đỡ người vô điều kiện. Chúng ta giúp đỡ, thành tựu cho người một cách vô điều kiện thì chúng ta có được phước báu chân thật của thế gian và xuất thế gian. Người thế gian đa phần làm vì “danh vọng lợi dưỡng”, làm vì háo danh, hám lợi. Hòa Thượng cũng dạy chúng ta, Phật Bồ Tát nhìn thấy tất cả chúng sanh là Phật Bồ Tát, người thiện nhìn thấy tất cả chúng sanh là thiện, người ác nhìn thấy tất cả chúng sanh là người ác. Chúng ta phản tỉnh chính mình, chúng ta đang là người thiện hay người ác, người mê hay người ngộ?

*****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook