54Thứ Hai, 28/08/2023, 17:03
144 · Nói Rõ Cách Đối Trị Phiền Não - 5

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 28/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ CÁCH ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO

(BÀI NĂM)

Trên Kinh Phật Bồ Tát ân cần dạy bảo chúng ta lựa chọn pháp phù hợp với căn tánh, với hoàn cảnh sống để pháp tu đó tương thích với chúng ta. Trong “Tứ y pháp”, Phật dạy chúng ta: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. “Liễu nghĩa” là pháp phù hợp với căn tánh, với đời sống của chúng ta. Chúng ta phải tu hành pháp môn có sự truyền thừa. Ở thế gian, chúng ta cũng cần có những người Thầy truyền dạy nghề. Bố vợ tôi rất hiền, ông tu hành rất nghiêm túc, ông làm nghề sắp chữ, khi ông đã nghỉ hưu, ngày Tết nhiều người học trò vẫn nhớ để đến thăm ông. Ngày trước, để in báo thì phải có những người thợ sắp chữ.

Chúng ta học với Hòa Thượng Tịnh Không là chúng ta có mạch truyền thừa chính thống, Hòa Thượng Tịnh Không học với Lão sư Lý Bỉnh Nam, Lão sư Lý Bỉnh Nam học với Tổ sư Ấn Quang. Tổ sư Ấn Quang là vị Tổ thứ 13 của Tịnh Độ, cả cuộc đời Ngài chuyên tu, chuyên hoằng Tịnh Độ. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là một Thầy thuốc, một Giáo sư, thông tông, thông giáo nhưng Ngài cũng cả đời chuyên tu, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ. Hòa Thượng Tịnh Không thông tông, thông giáo, Ngài có thể giảng rất nhiều pháp môn khi mọi người yêu cầu. Có người nói, Ngài giảng Thiền thấu triệt như vậy tại sao Ngài không tu thiền. Hòa Thượng trả lời: “Căn tánh của tôi chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ. Tôi giảng những pháp khác để cho người có căn tánh phù hợp với pháp đó tu”. Chúng ta đã có ba đời Tổ sư thật tu, thật học, nghiêm trì cấm giới.

Hòa Thượng nói: “Nền tảng của tu học nhất định là cấm giới. “Kinh Vô Lượng Thọ“ dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp: “Khéo giữ khẩu nghiệp không nói lỗi người, khéo giữ thân nghiệp bất phạm oai nghi, khéo giữ ý nghiệp thanh tịnh, vô nhiễm”. Đây chính là giới cấm”. Đây là những lời giáo huấn hết sức thiết thực. Nếu chúng ta không khéo giữ ba nghiệp thân, khẩu, ý thì chúng ta sẽ ngày ngày tạo nghiệp bất thiện, thân thì Sát, Đạo, Dâm; Khẩu thì nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác; Ý thì tham, sân, si.

Nhiều người tu hành chỉ chú trọng ở hình thức bên ngoài mà không chú trọng đến việc tu sửa nội tâm. Ba nghiệp của chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta học Phật chỉ là gieo được duyên lành với Phật, không thể có thành tựu. Chúng ta học Phật ba năm, năm năm, mười năm nhưng chúng ta vẫn không có thành tựu là do ba nghiệp của chúng ta không thanh tịnh, vô nhiễm. Có người nói với tôi, hàng ngày họ niệm Phật, tụng nhiều lần bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” để sau này họ đi giảng pháp. Chúng ta không cần phải tụng Kinh để mong cầu sau này chúng ta có thể đi giảng pháp. Chúng ta tụng Kinh để tâm chúng ta có sức định, khi tâm chúng ta định thì trí tuệ sẽ sinh khởi. Nhà Phật nói: “Một thông nhất thiết thông”. Chúng ta thông một bộ Kinh thì chúng ta sẽ thông tất cả các bộ Kinh. Chúng ta muốn giảng pháp thì việc này phải dựa vào nhiều yếu tố như chúng ta phải có duyên với chúng sanh, chúng ta phải có sức định và chúng ta phải có thời gian dài huân tập giáo huấn của Phật Bồ Tát. Đây là những điều kiện cần thiết đối với những người có căn tánh bình thường, đối với những người có căn tánh nhạy bén, tâm của họ thanh tịnh thì họ có thể sớm đi chia sẻ, giúp ích cho chúng sanh. Mỗi chúng ta đều có trí tuệ “vô sư”, trí tuệ không cần Thầy. Tâm chúng ta thanh tịnh thì trí tuệ đó tự phát khởi. Chúng ta muốn có sức định thì chúng ta phải khéo giữ ba nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Nền tảng của tu học chính là cấm giới. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp thanh tịnh, vô nhiễm”. Chúng ta tu hành pháp môn nào mà ba nghiệp của chúng ta ô nhiễm thì chúng ta nhất định không thể có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Gốc bệnh của chúng ta chính là tâm phân biệt, chấp trước. Trên “Kinh Bát Nhã” Phật nói về chấp tướng, chúng ta phải dùng phương pháp “Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp”. Không luận là Phật pháp Đại Thừa hay Phật pháp Tiểu Thừa nếu chúng ta có “ngã” và “ngã sở” thì chúng ta không thể vào được cửa Phật, Phật pháp tuy rộng lớn nhưng chúng ta không có cửa để vào!”. Tướng” là tất cả những điều chúng ta cảm nhận thấy như buồn vui, thương ghét, giận hờn. Chúng ta phải dùng cách lìa tướng, không dính mắc vào tướng để đối trị tâm phân biệt, chấp trước. “Ngã” là cái ta. “Ngã sở” là cái của ta. Chúng ta có “cái ta” thì chúng ta sẽ có “cái của ta”. Phật nói: “Nếu người nào thấy mình chứng quả Tu Đà Hoàn thì người đó chưa chứng quả”. Người nào cho rằng mình đã chứng quả thì họ chưa có thành tựu. Người nào cho rằng mình đã làm mọi việc tốt rồi thì đó là họ làm chưa tốt. Phật Bồ Tát cũng vẫn thấy mình chưa làm tròn bổn phận đối với chúng sanh vì vẫn còn rất nhiều chúng sanh đau khổ. Chúng ta thấy mình “công thành, danh toại” thì chúng ta đã sai lầm. Chúng ta tu học, trước tiên là chúng ta phải quên đi “cái ta” và “cái của ta”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook